24/12/2013 - 10:50

Vén màn công nghệ không gian của Trung Quốc

Tên lửa mang theo hai vệ tinh đầu tiên thuộc hệ thống định vị Galileo bay vào quỹ đạo năm 2011. Ảnh: Reuters

Không riêng tiềm lực quân sự, hãng tin Anh Reuters cho biết Trung Quốc với mong muốn "đi tắt đón đầu" trong cuộc đua công nghệ không gian nhằm thu hẹp khoảng cách với Mỹ và các cường quốc quân sự hàng đầu khác đã không ngần ngại đầu tư, nghiên cứu, thậm chí sao chép công nghệ cần thiết từ phương Tây nhằm tạo ra hệ thống vũ khí và thiết bị tiên tiến.

Một trong những ví dụ nổi bật nhất là hệ thống định vị toàn cầu Bắc Đẩu do Trung Quốc xây dựng để cạnh tranh với hai mạng lưới hiện nay là hệ thống định vị toàn cầu GPS của Mỹ và GLONASS của Nga khi các dịch vụ định vị bằng vệ tinh ứng dụng trong giao thông, điện thoại đi động và các loại hình khác đang phát triển mạnh mẽ ở Trung Quốc. Truyền thông nhà nước Trung Quốc dẫn lời các quan chức quân đội cao cấp cho biết Bắc Đẩu với 16 vệ tinh trên quỹ đạo hiện nay, dự kiến sẽ tăng lên 30 vệ tinh để đạt quy mô bao phủ toàn cầu vào năm 2020.

Mặt khác, việc triển khai thành công Bắc Đẩu cũng cho phép lực lượng vũ trang Trung Quốc tăng cường đáng kể khả năng định vị độc lập - công nghệ dẫn đường hiệu quả cho các thiết bị quân sự bao gồm tên lửa đạn đạo và hành trình, tàu chiến cùng các thiết bị bay không người lái. Đây được xem là "thắng lợi" cho ngành công nghiệp vũ khí Trung Quốc bởi dù bị áp đặt lệnh cấm vận vũ khí nhưng Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) vẫn đảm bảo sở hữu kỹ thuật hoặc công nghệ quân sự quan trọng từ Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Theo các chuyên gia nghiên cứu của châu Âu, bí quyết thành công của hệ thống Bắc Đẩu chủ yếu dựa vào quan hệ đối tác công nghệ giữa EU và Bắc Kinh bởi quan điểm kết hợp với công nghệ nước ngoài luôn là ưu tiên hàng đầu đối với các nhà sản xuất vệ tinh trong nước.

Được biết trước đó vào những năm 1980 và 1990, Trung Quốc sau hàng loạt thất bại trong việc phóng vệ tinh đã chuyển sang nhờ cậy sự hỗ trợ về mặt kỹ thuật từ một số công ty hàng không vũ trụ hàng đầu của Mỹ. Có thể nói quyết định trên ngay lập tức mang lại thành công cho ngành công nghiệp không gian và tên lửa của Trung Quốc, nhưng đồng thời cũng tạo nên làn sóng phản đối dữ dội từ Washington. Báo cáo của một ủy ban Quốc hội Mỹ chuyên thăm dò các vụ chuyển giao công nghệ nhạy cảm của Mỹ sang Trung Quốc hồi năm 1999 cho thấy chính Mỹ, Đức và Pháp là những nước hỗ trợ đáng kể các chương trình truyền hình vệ tinh của Trung Quốc. Sau giai đoạn này, Washington bắt đầu hạn chế sự tiếp cận của nước ngoài đối với công nghệ vệ tinh, đặc biệt cấm xuất khẩu, tái xuất khẩu, chuyển giao thiết bị hoặc bí quyết công nghệ cho Trung Quốc. Thậm chí, việc phóng các vệ tinh Mỹ từ lãnh thổ Trung Quốc cũng bị cấm.

Trước sự ngăn chặn từ Mỹ, Bắc Kinh bắt đầu chuyển sang châu Âu với mối quan hệ hợp tác cùng các công ty không gian. Việc chuyển giao công nghệ đặc biệt gia tăng khi Bắc Kinh cam kết đóng góp 228 triệu USD để tham gia chương trình vệ tinh định vị Galileo của EU vào năm 2003.

Sau khi ký hợp đồng, Trung Quốc bắt đầu chiến dịch "mua sắm" trang thiết bị tại các công ty hoặc viện nghiên cứu trên khắp châu Âu dựa trên các thỏa thuận chuyển giao công nghệ. Tuy nhiên, mâu thuẫn nảy sinh giữa 2 bên bởi EU luôn hiểu Bắc Kinh có kế hoạch xây dựng riêng cho mình một mạng lưới định vị quân sự cũng như nhận thấy rõ Trung Quốc muốn bòn rút công nghệ tiên tiến càng nhiều càng tốt để ứng dụng cho các vệ tinh "cây nhà lá vườn". Và một trong những thành công lớn nhất của Trung Quốc là tiếp cận được với đồng hồ nguyên tử - công nghệ chủ chốt đo thời gian để xác định khoảng cách trên vệ tinh trong các hệ thống định vị. Mặc dù trước đó từng thất bại trong nỗ lực mua thiết bị này từ Tập đoàn hàng không và quốc phòng châu Âu (EADS), nhưng theo các chuyên gia trong lĩnh vực này thì Trung Quốc từ năm 2003 đến 2007 đã mua tới 20 đồng hồ nguyên tử rubidium có độ chính xác cao của một hãng sản xuất Thụy Sĩ. Theo phỏng đoán của các tạp chí kỹ thuật Trung Quốc thì các đồng hồ Thụy Sĩ đã được dùng trang bị cho hệ thống vệ tinh Bắc Đẩu.

MAI QUYÊN (Theo Reuters)

Trung Quốc đóng "siêu tàu sân bay"

Báo Nước Nga Ngày nay số ra ngày 22-12 dẫn trang web Qianzhan.com bằng tiếng Hoa cho biết tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân tự chế đầu tiên của Trung Quốc đang được kỳ vọng sẽ hạ thủy vào năm 2020, đủ sức cạnh tranh và đương đầu với các hàng không mẫu hạm tiên tiến nhất của Mỹ tại các vùng biển nước sâu. Dẫn các nguồn tin cấp cao của Quân Giải phóng Nhân dân (PLA), website này cho hay tàu sân bay mới sẽ dựa theo kiểu mẫu nhưng lớn hơn tàu sân bay Liêu Ninh vốn được tân trang từ tàu cũ hồi thời Xô-viết mua của Ukraina. Cụ thể, "siêu tàu sân bay" mới sẽ nặng 110.000 tấn, so với 80.000 tấn chở 60 máy bay của Liêu Ninh.

Trong khi đó, hải quân Trung Quốc hôm 22-12 tuyên bố tàu Liêu Ninh cho đến nay đã tiến hành hơn 100 cuộc thử nghiệm và huấn luyện, trong đó có thử nghiệm tính năng chiến đấu và tổ chức huấn luyện chiến đấu toàn diện, kể từ khi nó được đưa tới biển Đông hồi đầu tháng 12.

Những tiết lộ trên diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc chỉ trích Nhật Bản gia tăng chi tiêu quân sự và Mỹ chuyển trọng tâm sang châu Á bằng việc tăng cường sự hiện diện quân sự trên biển Hoa Đông và khu vực Đông Nam Á.

V.P (Theo RT, Chinadaily)

 

Chia sẻ bài viết