13/04/2008 - 09:16

Vệ sinh an toàn thực phẩm: Nỗi lo ngày càng lớn !

Bên cạnh nỗi bức xúc do giá cả nhiều loại hàng hóa tăng vọt, giờ đây, nhiều người khi đi chợ còn mang theo nỗi trăn trở vì không biết chọn loại thực phẩm nào đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP). Nhiều nơi, dịch bệnh đang hoành hành, nào cúm gà, dịch heo tai xanh, dịch tiêu chảy cấp... Ăn cá, thịt thì sợ có thuốc tăng trọng; ăn rau, quả lại lo có dùng hóa chất độc hại; uống nước giải khát thì ngán phẩm màu công nghiệp...

CÀNG KIỂM TRA, CÀNG THẤY LO

Theo tài liệu của Cục VSATTP, từ năm 2000 đến nay, bình quân mỗi năm cả nước xảy ra khoảng 200 vụ ngộ độc thực phẩm, gây ảnh hưởng sức khỏe cho khoảng 4.600 người, làm tử vong 54 người. Trên thực tế, tình trạng thiếu VSATTP đang báo động ở tất cả các mặt hàng, từ thực phẩm tươi sống đến thực phẩm khô, phụ gia, nước mắm, bánh kẹo... Tại cuộc hội thảo chuyên đề “Nước mắm chứa Urê - thực trạng và giải pháp” được tổ chức vào cuối tháng 8- 2007, nhiều người không khỏi giật mình khi biết tiêu chuẩn quốc tế cho phép lượng urê trong thực phẩm là dưới 5mg/kg, nhưng ở Việt Nam tỷ lệ này cao gấp 10 lần so với tiêu chuẩn quốc tế (!).

Người tiêu dùng chọn mua rau sạch tại siêu thị Co.opMark Cần Thơ. Ảnh: NAM HƯƠNG 

Cuối tháng 7-2007, đoàn kiểm tra liên ngành của Trung ương về VSATTP gồm 5 Bộ: Y tế, Thương mại, Công nghiệp, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an tiến hành kiểm tra VSATTP tại các chợ đầu mối, siêu thị ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ... và thu được những kết quả hết sức đáng lo ngại.

Tại chợ Kim Biên (TP Hồ Chí Minh), tình trạng kinh doanh tự do các loại hóa chất độc hại như tinh dầu xá xị- chất gây nghiện, hóa chất tạo bọt, hóa chất bột màu công nghiệp, các chất phụ gia thực phẩm diễn ra khá phổ biến. Khoảng 2/3 số sản phẩm này được bày bán không ghi hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc; hiện tượng cạo, sửa tên gọi thành phần, hạn sử dụng cũng khá phổ biến.

Tại Hà Nội, kiểm tra rau an toàn tại các chợ: Thành Công, Kim Liên, Trung Tự, 19-12, cửa hàng B16 Kim Liên... thì hầu hết các chủ quầy hàng chưa có giấy phép kinh doanh, hoặc có hiện tượng hết hạn kinh doanh nhưng vẫn treo biển như thường. Tại siêu thị Big C, Max Trung Hòa - Nhân Chính, Intimex Bờ Hồ có giấy phép kinh doanh về củ, quả, rau nhưng nguồn gốc nhập từ các tỉnh lân cận như: Hải Dương, Hưng Yên, Hà Tây... thì chưa có sự kiểm duyệt chất lượng.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 6 tháng cuối năm 2007 và đầu năm 2008, tình trạng rau nhiễm độc, thịt bẩn đang ở mức báo động. Tại khu vực Nam bộ, kiểm tra 865 hộ nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên rau thì có 111 hộ sử dụng thuốc sai quy định, 32 hộ không đảm bảo thời gian cách ly, 17 hộ sử dụng thuốc hạn chế sử dụng cho rau, 8 hộ dùng thuốc cấm. Tại các chợ đầu mối, kiểm tra 2.069 mẫu rau thì có 71 mẫu có hàm lượng độc hại vượt mức cho phép... Ngay cả gạo, loại thực phẩm mà người Việt Nam cho là bình thường nhưng cũng chứa nhiều hóa chất bảo vệ thực vật Acetamiri ở mức tồn dư 0,03ppm, vượt ngưỡng cho phép 0,01pm. Chất này có khả năng gây ung thư dạ dày, các bệnh về tiêu hóa..

Bên cạnh đó, tình trạng quản lý VSATTP đối với các loại rau, củ, quả tươi nhập từ Trung Quốc cũng đang bị thả nổi. Trong khi nhiều người không thể trả lời được tại sao các loại lê, quýt, táo... của Trung Quốc để 1 - 2 tháng vẫn tươi mới, thì một số cơ quan chức năng chỉ suy đoán rằng có thể những loại trái cây này đã được sử dụng nhiều các loại hóa chất mới không có trong danh mục cho phép sử dụng hoặc hóa chất được pha trộn nên khó tìm ra. Chưa xác định được nguyên nhân thì khó có thể tìm ra cách khắc phục.

ĐÂU LÀ NGUYÊN NHÂN?

Những bất cập về VSATTP được Tiến sĩ Trần Đáng, Cục trưởng Cục VSATTP - Bộ Y tế, cho biết: Quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm (ATTP) là Bộ Y tế nhưng Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý nhà nước về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật. Vì thế dẫn đến việc ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật phải trình Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định mà thời gian thẩm định tới 60 ngày. Thực tế đòi hỏi phải có vài nghìn tiêu chuẩn về thực phẩm, song đến nay mới chỉ ban hành 717 tiêu chuẩn Việt Nam. Do đó, Bộ Y tế kiến nghị Bộ Khoa học và Công nghệ cần nhanh chóng ban hành đầy đủ tiêu chuẩn về thực phẩm để phục vụ cho công tác ATTP.

Hiện nay, do nhiều người tiêu dùng thích thực phẩm giá rẻ, mua hàng tươi sống, hàng ngon nên các chủ kinh doanh bám lấy tâm lý này để tăng dùng các chất bảo quản độc hại như: hàn the, formal, natri, nitrat... Các loại chất này có tác dụng làm cho thực phẩm dai, cứng, giòn, tươi mới... nhưng khi vào cơ thể có thể gây ngộ độc cấp tính, tổn thương thận, hệ thần kinh trung ương, gây bỏng rát cổ, viêm phổi, hại thai nhi và có thể gây ung thư... Việc kiểm soát các hóa chất này, theo Tiến sĩ Trần Đáng, là rất khó vì hệ thống labo kiểm nghiệm so với yêu cầu quá hạn chế- 64 tỉnh, thành trong nước hiện mới có 16 labo có máy sắc ký lỏng. Năng lực xét nghiệm các chỉ tiêu về hóa chất, kháng sinh, hóc- môn, độc tố trong thực phẩm cũng còn rất hạn chế. Do vậy, xác định VSATTP từ các hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vẫn đang trong quá trình nghiên cứu để có đủ trang thiết bị kiểm chứng các loại mặt hàng này. Trên thực tế, tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng tăng ở nhiều nơi cũng là một nguyên nhân dẫn đến mất VSATTP. Trong không khí là khói xăng, khói nhà máy; trong nguồn nước là rác các loại, xỉ, chất than, nước thải từ các khu công nghiệp. Độc tố từ các loại này thâm nhập vào các loại động vật sống dưới nước và rau, củ, quả... đã gây nhiều vụ ngộ độc thực phẩm, thậm chí gieo mầm bệnh cho người sử dụng.

ĐI TÌM GIẢI PHÁP

Theo ý kiến của các chuyên gia, Bộ Khoa học và Công nghệ cần tăng cường kết hợp với Bộ Y tế để sớm cho ra bộ tiêu chuẩn chung về VSATTP, làm cơ sở pháp lý cho việc xử lý các vụ vi phạm nhanh và chặt chẽ hơn. Trước tình hình kinh doanh rau an toàn không có phép tại các chợ, chi cục bảo vệ thực vật, quản lý thị trường, Ban quản lý chợ tại các địa phương... cần tiến hành theo dõi, kiểm tra thường xuyên và yêu cầu cơ sở kinh doanh phải hoàn thành việc xin giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh. Sau đó, qua kiểm tra nếu thấy cơ sở vẫn không đủ điều kiện, cơ quan chức năng đề nghị hạ biển kinh doanh. Nếu cố tình vi phạm, cần xử phạt hành chính ở mức cao hơn theo quy định của pháp luật.

Đối với cơ sở sản xuất rau an toàn, các cơ sở bảo vệ thực vật cần phổ biến kiến thức về sử dụng lượng thuốc bảo vệ thực vật một cách hợp lý và thời gian cách ly trước khi bán ra ngoài thị trường, khuyến cáo trồng rau theo tiêu chuẩn GAP. Đây là mô hình mà Công ty Cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang đã thực hiện thành công ở 22 tỉnh, thành phố phía Nam, 6 tỉnh, thành phố phía Bắc. GAP là hệ thống canh tác trên cơ sở kiểm soát các mối nguy liên quan đến ATTP trong toàn bộ quá trình canh tác- từ việc làm đất đến nguồn nước tưới, giống phân bón, động vật gây hại, vệ sinh đồng ruộng, sức khỏe nông dân... Ngoài ra, để hạn chế nguy cơ các hóa chất từ các loại hoa quả nhập từ Trung Quốc, khi các cơ quan chức năng chưa kiểm nghiệm được thì khuyến cáo người tiêu dùng nên dùng hàng thực phẩm Việt Nam có rõ nguồn gốc xuất xứ. Và nên chăng, cần có một trang Web riêng về VSATTP để người tiêu dùng có thêm nhiều kiến thức cần thiết để có thể tự bảo vệ sức khỏe cho mình.

HOÀNG ANH

Chia sẻ bài viết