Bút ký: ĐĂNG HUỲNH
Về quê ăn Tết không chỉ là chung hưởng khí tiết thanh tân của đất trời cùng những người thân yêu, mà còn sẻ chia những điều thiêng liêng nhất của đời người. Về đây, ăn Tết quê nhà, để trả mình về với nguồn cội và tìm cho bản thân những gì lắng đọng nhất.
Cuối năm, nhà nghiên cứu dân gian Nguyễn Hữu Hiệp điện thoại hỏi tôi: “Lối nào về quê ăn Tết?”. Chưa biết trả lời sao thì ông nói tiếp: “Phải về chớ, thiêng lắm à nghen!”. Nghĩ chữ thiêng ông nói, man mác bao điều về cái Tết quê mình.
Cái thiêng đó chẳng thể lý giải đơn thuần theo khoa học rằng Tết là vào mùa xuân- một mùa trong năm. Tết là thời gian thiêng liêng bởi đó là thời khắc của đất trời giao hòa, là thời gian để con người tưởng hướng nguồn cội, thảo kính với tổ tiên. Ở đó, điều nhân văn của một dân tộc, một đời người đằm sâu và lưu dẫn như giề lục bình dẫu phiêu linh cỡ nào cũng mang phù sa vào cội rễ.
Về quê ăn Tết
Gần đây, một phóng sự truyền hình lan truyền trên mạng xã hội làm lay động lòng người- “Vì sao người dân miền Tây đổ xô đi Bình Dương?”. Coi mà thương mấy đứa trẻ nheo nhóc chạy ra ngõ đón mẹ quày quả quà bánh sau thời gian ly hương mưu sinh trở về thăm con. Xứ tôi cũng vậy, người dân biệt xứ mưu sinh khá nhiều. Cô Sáu tôi có mấy người con cũng “đi mần thành phố” gần hết. Bữa tôi về quê, nghe cô điện thoại nói với sắp nhỏ: “Lối nào tụi bây về ăn Tết? Năm nay má cũng gói bánh như mọi năm đặng tụi bây đem đi”. Người mẹ già ngồi bên chái bếp vừa chụm củi nồi cơm đang sôi, vừa cầm điện thoại nói chuyện mà sao tôi nghe giọng buồn hiu như câu vọng cổ xứ này. Cô nói với tôi nhà cửa vắng tanh, chỉ mong được vui trong ba ngày Tết.
Gói bánh tét ăn Tết.
Thằng Hậu, em bà con với tôi, năm nào cũng chở vợ con từ Bình Dương, vượt gần 400 cây số về quê vào ngày cuối năm. Nhìn Hậu cụ bị túi giỏ, vợ ôm con nhỏ mà tôi ngán ngẩm. Vậy mà em cười toe toét: “Phải về mới được chớ, anh. Tết ở quê mình mới vui. Với lại, không về, má em trông dữ lắm!”. Lối nghĩ chín chắn của thằng em mới hơn 20 tuổi làm tôi xúc động. Tôi cứ miên man hình ảnh người mẹ góa mùng Một Tết ngồi bộ vạc ở hàng ba nhìn người ta kẻ qua người lại, mai thì nở vàng mà lòng bà héo sầu trên từng sợi bạc. Đáng sợ lắm!
Cơ hồ trong tôi, lỡ hẹn với Tết quê, chẳng về quê ăn Tết không chỉ đau đáu trong lòng mà còn như có tội với quê, với má, với ba, với chái bếp quê mình. Có câu chuyện như vầy, cách đây hơn 20 năm, vợ chồng chú Ba Rằng gần nhà tôi làm nghề hàng xáo (mua bán lúa gạo) thua lỗ quá nên bể nợ, bỏ đi biệt xứ. Gần chục năm chú Ba mới về khi đã làm ăn khấm khá, trả nợ hết cho lối xóm và dựng lại mái nhà trên nền đất xưa. 30 Tết rước ông bà, chú Ba khóc ròng như một đứa trẻ. Chú Ba Rằng khóc vì hạnh phúc, vì bao năm qua để bàn thờ gia tiên nguội lạnh mà lặn lội mong cầu “đất cũ đãi người mới”. Thím Ba kể cho tôi nghe, mấy năm buôn bán trên ghe, dong ruổi xứ người, 30 Tết năm nào chú Ba cũng nấu mâm cơm, ra trước mũi ghe, cho ghe quay hướng về cố hương, cầm 3 cây nhang mà nước mắt chứa chan tạ tội với ông bà: “Tía má tha tội cho con…”. Nỗi nghẹn ngào của người sa cơ lỡ vận, bỏ Tết quê với tiên tổ là vậy đó.
Điều thiêng liêng
Có lần ngồi nói chuyện chơi, má tôi buộc miệng: “Sao Tết riết không còn thiêng như hồi xưa nữa?”. Hiện đại rồi, nhưng tôi vẫn thích cái thiêng liêng trong hồi ức của má, trong cơ hồ nỗi nhớ niềm thương của đứa con với gia đình mình.
Mà kỳ thật, xóm tôi trong con rạch nhỏ tên gọi Bà Từ, nhà tôi là “ăn Tết” sớm nhất. Bởi lẽ nhà tôi ở đầu con rạch, đón những ngọn gió chướng đầu tiên hanh hao thổi về. Rồi những giề lục bình theo gió tình tang xuôi ngược trổ bông tím ngắt, tấp ngay sàn lãn nhà tôi. Hồi đó, xóm tôi, cửa buồng nhà ai cũng thường là miếng vải thun rẻ tiền, bông bự chảng- mới xem là đẹp. Gió chướng về thổi thốc tháo, cửa buồng tốc trống trơn. Má tôi lấy hai cục gạch cột treo lủng lẳng dưới miếng vải thun để đừng bay. Má nói: “Để trống huơ, người ta thấy kỳ”. Tôi cũng chẳng hiểu má kỳ vì lẽ nào, sợ người ta thấy trống hay vì cái buồng không có gì ngoài cái chõng tre?
Gần Tết, má chèo xuồng chở tôi đi chợ cắt tóc, mua đôi dép mới, mua 2 bộ đồ mới- cái mùi vải thơm phức, tôi nhớ tận bây giờ. Năm lúa trúng, má mua cho tôi chiếc cà rá 60 ngàn đồng thời đó. Đeo vào, tay tôi vo vảnh! Má mua giấy bông về dán vách buồng và bàn thờ ông bà nội, mấy nhánh bông vải má chọn miết vì thứ nào cũng đẹp mà mắc tiền quá. Xuồng đi chợ Tết về xôn xao trên con kinh, ai cũng lần lục bình mà đi vì trôi dạt dày đặc như chở mùa xuân về. Ai cũng hối hả mà vui, rồi hỏi: “Ủa, chị mua cặp vạn thọ đó bao nhiêu tiền”, “Trời, cặp dưa đều quá, chị Tư!”, “Thịt heo bữa nay hút quá, mắc như vàng”… Thiệt là… vui như Tết!
Bên nồi bánh tét chiều 30 Tết. Ảnh: DUY KHÔI
Ngày Tết quê em. Ảnh: DUY KHÔI
Ngày Tết điều gì cũng thiêng liêng. Chuyện quần áo, chuyện các chị giặt giũ mùng mền, màn cửa… rồi chuyện năn nỉ chị Ba ủi giùm em bộ đồ đặng đi chơi mùng Một cũng thiêng. Thiêng vì một năm mới có một lần. Ba tôi thì kỹ chuyện bàn thờ ông bà. Năm nào cũng vậy, ba khuấy nồi hồ lớn rồi dán giấy bông, nhổ chưn nhang quăng vô bếp lửa, chưng cặp dưa cho thật đều, dán miếng giấy hồng đơn lên trái dưa cho thật đẹp… mọi việc ba chỉn chu đến từng chi tiết dù ngày thường ba xuề xòa của người đàn ông chân đất.
Cái thiêng của Tết còn ở điều kiêng cử, niềm tin siêu nhiên. Tết năm nào, ngày 30 Tết má “cắt cử” tôi chụm nồi bánh tét còn anh Hai thì xách nước đổ cho đầy hàng lu (mệt hết hơi chớ chẳng chơi). Má biểu chị Ba với chị Tư bơi xuồng đi chà gạo về đổ đầy khạp. Má tin rằng, nước đầy lu, gạo đầy khạp sẽ hứa hẹn một năm mới đủ đầy. Mấy ngày Tết má không quét nhà, có quét thì quét trở vô buồng, gom đống trong đó. Chị Tư vui tánh, chọc má: “Tiền của má đó!”. Ngày Tết, ai nói gì cũng “nở bông nở hoa”, “nói rồng nói phượng”, đừng nói điều xui rủi, không may, kể cả cái tên xấu cũng đừng kêu. Gặp con mèo, con rùa… thì tránh đàng khác mà đi. Cái gì tươi tắn, vui vẻ hãy dành cho ba ngày Tết. Đó là khát vọng truyền đời về sung túc đầu năm, cầu mong một năm hanh thông, như ý.
Viết tới đây tôi nghĩ đến ba tôi. Mấy chục năm qua, năm nào cũng vậy, Giao thừa ba lại tinh tươm quần áo, dọn mâm đồ ăn với những món mà hồi đó ông bà nội ưa ăn, thắp nhang khấn nguyện: “Ba má về ăn Tết với nhà mình nghen ba má!”. Mứt dừa và bánh bông lan là hai món Tết năm nào nhà tôi cũng có. Gần Tết, ba nói với má nhẹ tênh: “Bà với sắp nhỏ sên mứt dừa với nướng ít bánh bông lan. Ba với má hồi đó ưa lắm!”. Mái lá nghèo thơm tho lòng thảo hiếu trong làn hương khói quyện, trong ước nguyện đầu xuân đã dung dưỡng tuổi thơ tôi, đến tận bây giờ.
* * *
Kể ra những dòng này, tôi không dành cho riêng tôi bởi tôi tin rằng đó cũng sẽ là ký ức, là tuổi thơ của nhiều người. Kể, để rồi lòng nôn nao Tết khi ngoài kia, dòng người đang hối hả về quê. Có ai đang xa quê, đã nghe ba má điện hỏi như hối: “Bữa mấy về quê ăn Tết, hả con?”. Tranh thủ về đi, để tìm điều thiêng liêng Tết này.
Cần Thơ, cuối năm Đinh Dậu.