Giống na cho trái “khổng lồ” đã được anh Nguyễn Thanh Toàn ở ấp Thạnh Lộc, xã Trung Thạnh, huyện Cờ Ðỏ, TP Cần Thơ đưa về trồng thành công tại địa phương. Ðây là loại na cho trái rất to, trái có gai và hình dáng gần giống trái sầu riêng nên còn được nhiều người gọi là na sầu riêng. Nhờ trồng loại quả này, anh Toàn đã nâng cao thu nhập so với trước đây trồng lúa.
Thu hoạch na sầu riêng tại vườn của anh Toàn ở huyện Cờ Đỏ.
Anh toàn có 4 công đất trồng giống na sầu riêng. Vườn na của anh đã cho thu hoạch vụ đầu tiên, với những quả na to, trọng lượng bình quân từ 1-2 kg/trái. Riêng một số trái lớn hơn có thể đạt trọng lượng lên đến 3kg. Năm nay, dự kiến vườn na cho sản lượng 3 tấn và trong những năm tới cây lớn, sản lượng có thể cao hơn gấp nhiều lần. Giá na sầu riêng đang được anh Toàn bán cho thương lái và các điểm thu mua từ 70.000-90.000 đồng/kg, tùy loại. Dù cây mới cho trái năm đầu tiên nhưng nhờ giá bán cao nên thu nhập của gia đình anh có thể cao hơn gấp 2-3 lần so với những năm còn trồng lúa.
Anh Toàn cho biết: “Tôi chỉ có 4.000m2 đất để canh tác nông nghiệp. Trước đây, diện tích đất này được tôi trồng lúa, mỗi năm chỉ kiếm được thu nhập khoảng 20-30 triệu đồng trở lại. Muốn có thêm thu nhập, tôi phải làm thêm công việc khác hoặc thuê mướn đất để trồng lúa. Qua xem báo đài và internet thấy một số địa phương ở miền Bắc trồng rất thành công và hiệu quả giống na sầu riêng cho trái “khổng lồ” có xuất xứ từ nước ngoài (Ðài Loan - Trung Quốc), tôi đã quyết định tìm mua cây giống về trồng và đã đạt được thành công bước đầu. Hy vọng, những năm tới khi cây na lớn hơn và cho năng suất, sản lượng cao hơn hiện tại, thu nhập sẽ tốt hơn”.
Cách nay hơn 4 năm, khi mới bắt trồng giống na này tại địa phương, anh Toàn cũng gặp rất nhiều khó khăn bởi chưa rành về đặc tính và kỹ thuật chăm sóc cây, phải mày mò tìm hiểu rất nhiều về nó. Ðặc biệt, giá cây giống na sầu riêng vào thời điểm đó khá cao, khoảng 2,5 triệu đồng/cây nên chỉ dám mua một cây về trồng thử nghiệm. Sau thời gian trồng, nhận thấy cây phát triển tốt và cho trái to, ăn ngon nên mới nhân giống ra trồng tổng cộng 350 gốc na trên tổng diện tích 4 công đất. Ðể nhân rộng diện tích trồng na, anh Toàn đã nghiên cứu, học cách nhân giống nhằm tiết kiệm chi phí bằng cách sử dụng giống na truyền thống để làm gốc ghép, sau đó ghép na sầu riêng vào. Cây na sau khi ghép, đem trồng khoảng hơn 2 năm là bắt đầu cho trái. Theo anh Toàn, từ khi cây ra hoa đến lúc có trái cho thu hoạch mất thời gian khoảng 4 tháng 10 ngày. Ðể trái na đảm bảo chất lượng và an toàn cho người sử dụng, phải bao trái vào thời điểm cây ra hoa và đậu trái được khoảng 2 tháng tuổi. Trái na sầu riêng khá lớn và có phần gai nhô ra, để tránh quả na bị tổn hại trong quá trình bao trái, cần bao lớp xốp mềm bên trong, sau đó mới bao thêm phần túi ni lông chuyên dụng bên ngoài để bảo vệ trái na khỏi bị sâu bệnh và các loại sinh vật cắn phá gây hại. Qua đó, cũng giúp hạn chế tối đa việc phun thuốc bảo vệ thực vật. Anh Toàn chia sẻ: “Ngoài việc áp dụng bao trái, trong quá trình canh tác tôi cũng chú trọng sử dụng phân bón hữu cơ và các loại thuốc bảo vệ sinh học để trái na đạt chất lượng tốt và an toàn cho người sử dụng. Việc sử dụng các loại phân hữu cơ là rất quan trọng nhằm giúp cây na phát triển tốt, cho trái to và đẹp tự nhiên”. Cũng theo anh Toàn, anh sẵn sàng chia sẻ thông tin, kiến thức để bà con nông dân cùng phát triển trồng loại na này. Hiện tại, anh cũng đã tiến hành nhân giống cây để đáp ứng theo đơn đặt hàng của một số bà con nông dân tại địa phương.
Na sầu riêng không chỉ cho trái to mà trái cũng đạt chất lượng tốt, ăn thơm ngon, có vị ngọt thanh. Loại na “khổng lồ” này còn có hình dáng trái rất đẹp, phù hợp để làm quà tặng và trưng bày trong các dịp lễ, Tết, đám tiệc và các sự kiện, do vậy có nhiều triển vọng để nhân rộng phát triển sản xuất. Song, đây là loại cây vẫn còn mới và đầu ra sản phẩm chủ yếu phục vụ tiêu thụ tại nội địa. Do vậy, rất cần sự quan tâm hỗ trợ, định hướng và hướng dẫn từ ngành chức năng về kỹ thuật trồng, về quản lý dịch hại, cũng như thúc đẩy kết nối cung - cầu, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG