14/06/2015 - 08:38

Vàng trong cát và nhà tù Côn Đảo!

Bài 2: VẦNG DƯƠNG TRONG NGỤC THẤT!

Cho đến giờ, nhiều cựu tù Côn Đảo vẫn khẳng định: Các tổ chức Đảng trong tù đã giúp các ông giữ tròn khí tiết, trưởng thành trong đấu tranh, phương pháp cách mạng. Quan trọng hơn, được trở về, tiếp tục hoạt động, dâng cho Đảng sức chiến đấu và niềm tin tất thắng trên con đường cứu nước...

Từ "chi bộ đặc biệt" đầu tiên....

Theo quyển "Tù chính trị câu lưu Côn Đảo (1957-1975) từ thực tiễn nhìn lại" (sách tham khảo), những năm 1930-1945 là giai đoạn thể hiện sự đấu tranh oanh liệt của thế hệ đảng viên đầu tiên của Đảng. Qua đó, người tù chính trị đã bảo vệ khí tiết, bảo vệ lý tưởng; nêu cao ý chí chiến đấu; và tranh thủ, cảm hóa được kẻ thù trong bối cảnh phức tạp, nghiệt ngã.

Đầu năm 1932, "Chi bộ đặc biệt" ở khám Chỉ Tồn Banh I được thành lập. Đến cuối 1933, thống nhất các đầu mối lãnh đạo thành 1 chi bộ là Chi bộ nhà tù Côn Đảo, do đồng chí Ngô Gia Tự làm bí thư. Dưới sự lãnh đạo của chi bộ, những cuộc đấu tranh của người tù chính trị nổ ra thường xuyên, có tổ chức, bảo vệ được nhân cách người cộng sản. Hòa nhịp với phong trào cách mạng bên ngoài, chi bộ đã đấu tranh đòi đại xá tù chính trị thành công (1936-1937). Bên cạnh đó, đã tổ chức nhiều cuộc vượt ngục - tuy có bại, có thành, nhưng một số đảng viên về được đất liền đã tiếp tục hoạt động cách mạng. Chi bộ đã biến nhà tù thành trường học cách mạng về lý luận chính trị, văn hóa... - nhiều chiến sĩ cộng sản khi về đất liền đã trở thành cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước. Mặt khác, dưới sự lãnh đạo của chi bộ, người tù chính trị còn kịp thời đứng lên giành Côn Đảo ngày Cách mạng Tháng Tám...

Bia mộ Liệt sĩ Lưu Chí Hiếu.

Nổi bật giai đoạn này có các đồng chí: Tôn Đức Thắng, Nguyễn Hới (Bí thư "Chi bộ đặc biệt"), Hoàng Quốc Việt, Ngô Gia Tự, Lê Văn Lương, Trần Văn Giàu, Tống Văn Trân, Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ, Lê Duẫn, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Linh, Phạm Hùng, v.v...

Sau Cách mạng Tháng Tám thành công chưa tròn tháng, giặc Pháp tái chiếm Nam bộ, trong đó có Côn Đảo. Từ 1946, người tù cộng sản bị đày ra đảo ngày càng đông. Đảng ủy Côn Đảo được thành lập năm 1950, do đồng chí Lê Trọng Bộ làm bí thư. Đảng ủy lãnh đạo củng cố Liên đoàn tù nhân kháng chiến (trước đó là Liên đoàn tù nhân) Côn Đảo, đẩy mạnh phong trào đấu tranh đòi cải thiện chế độ nhà tù, tìm cơ hội tổ chức vượt ngục... Qua đó, cuộc vũ trang bạo động vượt đảo lớn nhất trong lịch sử Nhà tù Côn Đảo đã diễn ra ngày 12-12-1952 tại Bến Đầm - tuy không thành công, nhưng đã làm rung chuyển toàn bộ Nhà tù Côn Đảo, buộc địch thay đổi chính sách vô nhân đạo với người tù!

Đến các chi, đảng bộ thời Mỹ - Ngụy...

Chấm dứt 93 năm cai trị của Pháp với 39 đời Chúa đảo thực dân, thời kỳ 1954-1975, Nhà tù Côn Đảo được mệnh danh "Địa ngục trần gian" với chính sách cai trị tù thâm hiểm, tàn bạo hơn cả thời Pháp thuộc - mục tiêu đánh gục, tước đoạt sinh mạng chính trị lẫn tính mạng tù chính trị!

Năm 1960, Nhà tù Côn Đảo trở thành Trung tâm Cải huấn Côn Sơn, bao gồm Trung tâm I, Trung tâm II; người phụ trách là Trưởng trung tâm. Dưới trung tâm là các Trại, có Trưởng trại. Có thời kỳ, mỗi trại có tới 3 trưởng trại, phụ trách: quân đội (quản lý); công an (an ninh); cải huấn (cải tạo tư tưởng). Khoảng đầu năm 1975, bộ máy địch nơi đây gồm 1 tiểu đoàn bảo an, 1 đại đội cảnh sát, 89 giám thị, và gần 1.000 trật tự an ninh được tuyển từ tù thường phạm - tính chung, khoảng 2.000 quân (1 quân địch kèm 2 tù chính trị).

Với quốc sách "tố Cộng, diệt Cộng", Mỹ - Diệm buộc người kháng chiến phải đầu thú quốc gia, ai không khuất phục bị thủ tiêu, hoặc đày ra Côn Đảo. Nơi đây, chính sách này được thực hiện quyết liệt hơn các nhà tù nơi đất liền. Với tù chính trị câu lưu (tù không án, hoặc đã mãn án nhưng không được thả) chúng phân hóa, giam người không ly khai cộng sản (995 người, trong đó có 41 nữ) vào trại I (trại cộng sản); số chấp nhận ly khai (269 người, có gần 50 nữ) giam ở trại II (trại quốc gia).

Từ tháng 1-1957 đến tháng 3-1960, ở trại I, về công khai có ban đại diện phòng, trại; về bí mật có ban lãnh đạo trại, ban lãnh đạo các phòng (nhưng từ tháng 4-1957, tù nhân toàn trại I bị cấm cố, không còn ban lãnh đạo trại. Đến tháng 4-1960, trại I bị đánh rã, địch phân tán tù nhân về trại III, trại IV (Banh III chính cũ), và chuồng cọp. Lúc này thì ban đại diện cả phòng lẫn trại đều không hoạt động được. Riêng bộ phận bị giam chuồng cọp thì vận dụng lãnh đạo theo mô hình "những người có trách nhiệm"...

Giai đoạn 1960-1964 là giai đoạn đấu tranh, chiến đấu ác liệt một mất một còn của tù nhân ở chuồng cọp thông qua hô, la, tuyệt thực, mổ bụng... Nổi bật là cuộc tuyệt thực lịch sử dài ngày nhất, đông người tham gia nhất, và có nhiều người hy sinh nhất (từ 6-6 đến 28-6-1964). Lúc này, tổng số tù nhân tại chuồng cọp là 167 người (trong tổng số 290 người tù chính trị câu lưu toàn đảo). Đợt đấu tranh này có 59 người trại I và 44 người trại II (trong vụ "lộ" Đảo ủy, do tin mật của địch từ đất liền gửi Chúa đảo) bị đưa xuống chuồng cọp đã "trụ" vững; nổi lên "5 ngôi sao sáng"...

Nói về trại II. Giai đoạn 1957-1960, sau khi địch phân hóa, "tù quốc gia" bao gồm nhiều thành phần, phức tạp... Trong bối cảnh ấy, những người tù cộng sản ở Trại II kết hợp nhau, lần lượt hình thành các tổ chức lãnh đạo nhằm thống nhất mục tiêu, phương pháp đấu tranh. Từ Trại ủy, rồi đến Đảo ủy Côn Đảo (cuối 1958 – 11/1959). Đảo ủy đề ra nhiệm vụ lãnh đạo: chăm lo xây dựng tổ chức Đảng ở cả hai trại II, III (nơi giam tù án); đấu tranh chống âm mưu, thủ đoạn chính trị của địch, bảo vệ quyền dân sinh dân chủ; huy động tinh thần vật chất của trại II và III ủng hộ Trại I đang bị địch khủng bố, đàn áp dã man; tìm cơ hội giải thoát khỏi tay giặc trở về hoạt động cách mạng.

Sau cuộc tuyệt thực 23 ngày tại chuồng cọp, trại II có vài người hy sinh, 44 người kiệt quệ, địch đưa vào Bệnh xá. Vài đồng chí cơ sở được bảo vệ còn lại trong trại (do không bị khai báo) tiếp tục lãnh đạo đấu tranh. Cho đến lúc địch thanh lọc, đưa 285 người tù trại II về cấm cố ở trại III (đầu năm 1960).

Giai đoạn 1960-1964, tù chính trị trại II ở xu thế đấu tranh vươn lên khôi phục khí tiết, không hoàn toàn chấp hành nội qui của địch. Ngày 1-5-1963, sau khi bị phân tán về trại IV, một số tù cộng sản trại II cũ thành lập Chi bộ Lê Hồng Phong tại phòng 4 trại IV. Chi bộ đề ra nhiệm vụ chủ yếu là: tranh thủ, phân hóa hàng ngũ địch (nhân viên, công chức, trật tự tay sai); hạn chế hoạt động gian ác của chúng, tạo điều kiện thuận lợi cho đấu tranh; chống hô khẩu hiệu phản động, chống chào cờ.

Đầu năm 1964, 100 tù nhân trại IV lại bị phân tán đều đi 4 nơi: trại I, II, III và chuồng cọp. Đảng viên chi bộ Lê Hồng Phong phân tán theo quần chúng, lãnh đạo đấu tranh tiếp tục. Ở trại II, III, sau 70 ngày đấu tranh quyết liệt chống chào cờ, đến 1-4-1964, địch đưa anh em về trại I. Cùng ngày, 25 người phân tán về chuồng cọp tuyệt thực – sau 7 ngày tuyệt thực, yêu sách của tù nhân được giải quyết...

Thời Mỹ-Thiệu, ngày 3-2-1972, tại phòng 3 trại VI khu vực B, đại hội đại biểu các chi bộ phòng được tiến hành để thành lập Đảng bộ trại, mang tên Lưu Chí Hiếu. Đồng chí Lưu Chí Hiếu là tấm gương chiến đấu kiên cường, là ngọn cờ cổ vũ tù nhân Côn Đảo trong cuộc đấu tranh chống ly khai cộng sản, bảo vệ khí tiết cách mạng- đã hy sinh đêm 24-12-1961.

Đến tháng 10-1972, Đảng bộ tiến hành Đại hội nhiệm kỳ 2 (trễ 2 tháng do trại vừa tiến hành đợt tuyệt thực 19 ngày), Cấp ủy có thay đổi, bổ sung. Sau, đồng chí Bí thư được trao trả theo Hiệp định Paris, đồng chí Trịnh Văn Tư (Trịnh Văn Lâu, Tư Cẩn) từ là Đảng ủy viên, rồi Phó bí thư - được phân công thay thế nhiệm vụ Bí thư, cho đến ngày giải phóng..."Lịch sử đấu tranh của các chiến sĩ yêu nước và cách mạng nhà tù Côn Đảo (1862-1975)" đã ghi nhận: "Chi bộ đặc biệt (1932-1935); Đảng ủy, Đảo ủy Côn Đảo (1950-1954); Chi bộ Lê Hồng Phong (1963); Đảng bộ Lưu Chí Hiếu (1972-1975) là những mô hình sáng tạo độc đáo của tù chính trị Côn Đảo".

Bài, ảnh: NHƯ BĂNG

Bài 3: LÀM BÁO CHỐN LAO TÙ...

Chia sẻ bài viết