25/03/2017 - 15:12

Nhân Hội Sách Cần Thơ 2017

Văn hóa đọc từ thói quen đọc

Hội Sách Cần Thơ đang thu hút khách tham quan, mua sắm. Từ thành công của hoạt động văn hóa định kỳ ở Cần Thơ, câu chuyện gầy dựng văn hóa đọc trong cộng đồng được nhiều người bàn đến, trong đó có việc hình thành thói quen đọc sách ngay từ nhỏ, trong mỗi gia đình.

Đến năm 2020, mỗi người đọc 4 cuốn sách/năm

 Những buổi giao lưu giới thiệu sách sẽ khơi dậy niềm yêu thích đọc sách trong cộng đồng. Trong ảnh: Tác giả Anh Khang ký tặng sách cho bạn đọc Cần Thơ.

Những năm gần đây, việc xây dựng văn hóa đọc được ngành chức năng và xã hội quan tâm. Những hoạt động như hội sách, đường sách, ngày hội sách cũ, triển lãm sách… là minh chứng cụ thể. Ngày 15-3 vừa qua, Thủ tướng đã phê duyệt Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 với những mục tiêu và bước đi cụ thể. Đây thực sự là đòn bẩy để nâng cao dân trí, văn hóa trong cộng đồng.

Mục tiêu chung của Đề án là xây dựng và phát triển thói quen, nhu cầu, kỹ năng và phong trào đọc trong mọi tầng lớp nhân dân; góp phần nâng cao dân trí, phát triển tư duy, khả năng sáng tạo, bồi dưỡng nhân cách, tâm hồn, tăng cường ý thức chấp hành pháp luật, hình thành lối sống lành mạnh trong con người, xã hội Việt Nam, đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập. Mục tiêu cụ thể của Đề án là đến năm 2020, phấn đấu 80% học sinh, sinh viên và người học khác tại các cơ sở giáo dục được tiếp cận, sử dụng thông tin tại các thư viện công cộng, thư viện của các cơ sở giáo dục, khoa học; 20%-25% người dân khu vực nông thôn, 15%-20% người dân ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn được tiếp cận, sử dụng thông tin, tri thức và các dịch vụ liên quan tại các thư viện công cộng… Về hoạt động thư viện, xuất bản, đến năm 2020, phấn đấu đạt mức hưởng thụ bình quân sách là 5 bản/người dân và đạt 1 bản sách/người dân trong hệ thống thư viện công cộng; mỗi người dân trung bình đọc 4 cuốn sách/năm.

Cùng với mục tiêu, Đề án đưa ra lộ trình thực hiện cụ thể như đẩy mạnh tuyên truyền, xây dựng và duy trì thói quen đọc sách trong cộng đồng, huy động nguồn lực xã hội hóa đầu tư cho văn hóa đọc…

Tạo thói quen đọc sách

Vai trò đòn bẩy của Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, là khá rõ nét. Những con số cụ thể, những việc cần làm đã được chỉ ra. Vấn đề là làm sao để văn hóa đọc thực sự bền vững, trở thành nhu cầu thiết yếu của người dân.

Nếp sống của con người hình thành từ thói quen, văn hóa đọc cũng vậy. Nếu như từ nhỏ, cha mẹ tập cho con thói quen đọc sách, từ sách giải trí đến khai phá tư duy, những đứa trẻ ấy sẽ lớn lên cùng những trang sách. Bao nhiêu thư viện, bao nhiêu tủ sách, bao nhiêu tiền… vẫn không quan trọng bằng tạo cho người dân thói quen đọc sách từ gốc rễ: từ bé, trong gia đình, trong nhà trường… Bác Nguyễn Tấn Vĩnh, người dân quận Bình Thủy, nói rằng: "Cha mẹ mê đọc sách thì con cái ít nhiều cũng thích thú. Cầm bằng, cha mẹ cả đời không cầm tới cuốn sách thì trách sao con không chịu đọc sách".

Cũng có tình trạng giới trẻ hiện nay đọc sách để phục vụ nhu cầu nhất thời, đọc "trả nợ quỷ thần". Dĩ nhiên, đọc sách thì "không bổ bề dọc cũng bổ bề ngang" song sự miễn cưỡng sẽ cản trở tư duy, cảm thụ. Như câu chuyện của anh D., chủ một hiệu sách cũ có tiếng ở Cần Thơ với nhiều loại sách nghiên cứu, chuyên ngành hay, sau thời gian dài gắng gượng giờ hầu như chỉ bán sách giáo khoa, tham khảo. Anh D. chia sẻ, người muốn đọc sách nghiên cứu giờ khá hiếm, chủ yếu giới trẻ tìm mua sách tham khảo để đáp ứng yêu cầu học tập trước mắt.

Thư viện TP Cần Thơ là một trong những điển hình của cả nước trong việc đưa sách đến với cộng đồng. Đơn vị đã chú trọng dịch chuyển vùng hoạt động của sách từ thành phố, quận, huyện đến các nhà văn hóa ấp, khu vực, tổ tự quản, khu dân cư… thay vì để sách "ngủ yên" ở khu vực đô thị, thông qua việc luân chuyển sách về thư viện cơ sở. Chia sẻ về một mô hình hoạt động hiệu quả khác, bà Phan Thị Thùy Giang, Giám đốc Thư viện TP Cần Thơ, cho biết, năm 2016, Thư viện đã phối hợp thực hiện thí điểm mô hình "Tiết học Thư viện" dành cho học sinh THCS với các nội dung như: tham quan thư viện, hướng dẫn tìm kiếm tài liệu và sử dụng thư viện, trải nghiệm làm thủ thư… Qua đó, giúp các em học sinh gần gũi, thân thiết hơn với thư viện, tạo tình yêu với sách. Ngoài ra, Thư viện TP Cần Thơ còn mở rộng hình thức phục vụ để bạn đọc tiếp cận với sách thông qua thư viện điện tử, tài liệu số hóa…

Với những nỗ lực của Chính phủ và ngành văn hóa, mong rằng văn hóa đọc sẽ phát triển có chiều sâu, làm nên nét đẹp tâm hồn, trí tuệ cho người Việt.

Bài, ảnh: DUY KHÔI

Chia sẻ bài viết