17/08/2010 - 09:01

Vai trò của Trung Quốc tại Sri Lanka

Tổng thống Sri Lanka Rajapaksa tại lễ khánh thành cảng Hambantota. Ảnh: Daily News

Tổng thống Sri Lanka Mahinda Rajapaksa ngày 15-8 đã làm lễ khánh thành công trình xây dựng cảng nước sâu Hambantota giai đoạn đầu do Trung Quốc tài trợ. Trong bối cảnh vai trò và ảnh hưởng của Trung Quốc trên thế giới ngày càng lớn và gây quan ngại nhiều nước cạnh tranh, sự kiện này lại thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế về mối quan hệ gắn kết giữa Colombo và Bắc Kinh.

Dự án cảng biển nằm ở phía Nam thành phố Hambantota giai đoạn đầu có tổng vốn đầu tư 550 triệu USD, trong đó Ngân hàng Exim của Trung Quốc đóng góp khoản vay ưu đãi 85%, và được thực hiện bởi liên doanh hai nhà thầu của Trung Quốc là China Harbor Engineering Company và Sino Hydro Corporation. Dự kiến, sau khi chính thức được đưa vào hoạt động vào tháng 11 tới, cảng Hambantota gồm 2 cầu phục vụ hàng hóa và 2 cầu tiếp nhiên liệu sẽ được mở rộng gấp đôi trong giai đoạn hai và dự kiến hoàn thành vào năm 2014. Phía Trung Quốc bước đầu cam kết ủng hộ 200 triệu USD trong tổng số chi phí mới 950 triệu USD. Theo tờ Thời báo châu Á ngày 13-8, cảng Hambantota một khi hoàn tất có thể giúp Sri Lanka trở thành trung tâm quá cảng quan trọng của khu vực, vì chỉ cách vài hải lý là tới tuyến đường biển quốc tế quan trọng nối Kênh đào Suez với Eo biển Malacca, nơi mỗi năm có khoảng 36.000 lượt tàu vận chuyển hàng hóa qua lại.

Chính quyền Colombo hy vọng cảng Hambantota sau khi hoàn thành sẽ thu hút mỗi năm khoảng 2.500 trong số 70.000 lượt tàu chở hàng tuyến Đông-Tây lưu thông trên Ấn Độ Đương đến neo đậu, biến nơi đây thành “cục nam châm” thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Theo Tổng thống Sri Lanka Rajapaksa, cảng Hambantota không chỉ là một cảng biển đơn thuần, mà là vùng phát triển kinh tế vì sự thịnh vượng chung của quốc gia Nam Á này với kế hoạch xây dựng một nhà máy khí đốt hóa lỏng, các trạm dự trữ nhiên liệu máy bay và tàu biển, các trung tâm xây dựng, nâng cấp và sửa chữa cầu cảng, tàu vận tải.

Và không chỉ có cảng Hambantota, nhiều cơ sở hạ tầng khác của Sri Lanka cũng do Trung Quốc tài trợ. Chẳng hạn, nhà máy nhiệt điện Norochcholai trị giá 855 triệu USD; đường cao tốc nối Colombo với cảng sân bay Katanyayake trị giá 248 triệu USD; cảng sân bay quốc tế thứ hai tại Hambantota trị giá 209 triệu USD... Trung Quốc đang là nhà cho vay phát triển cơ sở hạ tầng lớn nhất của Sri Lanka với số tiền lên tới 6 tỉ USD, hơn phân nửa tổng viện trợ của nước ngoài dành cho đảo quốc này.

Theo các nhà phân tích, Sri Lanka “chuộng” các nhà đầu tư Trung Quốc vì “vai trò đặc biệt” của Bắc Kinh trong cuộc chiến đánh bại tổ chức ly khai Những con hổ giải phóng Tamil (LTTE) năm 2009. Mặt khác, Sri Lanka muốn tăng cường quan hệ với Trung Quốc nhằm giảm bớt sự phụ thuộc và tầm ảnh hưởng lịch sử từ nước láng giềng Ấn Độ. Trong khi đó, Trung Quốc chủ trương đẩy mạnh mối quan hệ gắn kết với Sri Lanka bởi lợi ích kinh tế và chiến lược. Kim ngạch thương mại giữa hai nước tăng gấp đôi trong 5 năm qua và Trung Quốc là nhà xuất khẩu lớn thứ hai của Sri Lanka, sau Ấn Độ, một đối thủ đáng gờm khác của Trung Quốc trong cuộc cạnh tranh ảnh hưởng tại châu Á.

KIẾN HÒA (Theo Atimes, BBC, PTI)

Tổng thống Sri Lanka Rajapaksa tại lễ khánh thành cảng Hambantota. Ảnh: Daily News

Chia sẻ bài viết