27/09/2023 - 23:13

Uzbekistan nỗ lực nâng cao vị thế toàn cầu 

Tổng thống Uzbekistan Shavkat Mirziyoyev hôm 19-9 có bài phát biểu tại khóa họp Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ) lần thứ 78 ở thành phố New York (Mỹ), nơi ông trấn an cộng đồng quốc tế về cam kết cá nhân đối với những cải cách kinh tế ở Uzbekistan.

Là chủ thể độc lập

Những cải cách trên có mục tiêu đầy tham vọng là tăng gấp đôi quy mô nền kinh tế Uzbekistan vào năm 2030. Ngoài ra, Tổng thống Mirziyoyev cũng đã có cuộc hội đàm đầu tiên với người đồng cấp Mỹ Joe Biden. Theo tờ Asia Times, cuộc gặp cấp cao giữa ông Mirziyoyev và ông Biden giúp củng cố vị thế toàn cầu của Uzbekistan và truyền tải thông điệp rằng Uzbekistan không chỉ là một quốc gia Trung Á thời hậu Xô Viết mà còn là một nước đầy triển vọng trên bản đồ chính trị, đầu tư và thương mại toàn cầu.

Không riêng gì Uzbekistan, các quốc gia Trung Á như Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Turkmenistan (gọi tắt là C5) hiện đang dần nổi lên với tư cách là những chủ thể độc lập trên chính trường toàn cầu, thu hút sự quan tâm từ các cường quốc kinh tế lớn. Là nhà lãnh đạo của quốc gia đông dân nhất khu vực, ông Mirziyoyev đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành chính sách đối ngoại của các nước C5. Kể từ khi ông Mirziyoyev trở thành tổng thống Uzbekistan cách đây 7 năm, quan hệ giữa các nước C5 dần trở lại bình thường. Không những vậy, ông Mirziyoyev còn đặt mục tiêu đưa Uzbekistan gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), qua đó cho thấy việc thúc đẩy thương mại toàn cầu là nhiệm vụ quan trọng đối với Uzbekistan.

Tổng thống Mirziyoyev phát biểu tại khóa họp Đại Hội đồng LHQ hôm 19-9. Ảnh: AP

Asia Times cho hay, một vấn đề cấp bách mà Uzbekistan đã thành công giải quyết dưới sự lãnh đạo của ông Mirziyoyev là lao động cưỡng bức, gồm lao động trẻ em, trong ngành bông sợi, nơi chiếm phần lớn trong kim ngạch xuất khẩu của Uzbekistan. Thay vào đó, Uzbekistan đã chuyển trọng tâm từ xuất khẩu bông thô sang ưu tiên chế biến trong nước với sự hợp tác của các nhà đầu tư nước ngoài. Nhờ đó mà công nhân tham gia thu hoạch bông hiện nhận được mức lương cạnh tranh trong khi nông dân giành được quyền trồng và xuất khẩu bông. Không những vậy, liên minh bông quốc tế hồi năm 2022 còn dỡ bỏ lệnh tẩy chay bông của Uzbekistan, qua đó chấm dứt lệnh hạn chế đã tồn tại hơn một thập niên trước đó.

Cải cách sâu rộng

Uzbekistan như được khoác chiếc áo mới kể từ khi ông Mirziyoyev nhậm chức tổng thống hồi năm 2016. Sau khi nắm quyền lãnh đạo đất nước, ông Mirziyoyev đã vạch ra con đường chuyển đổi. Ông khởi xướng một số thay đổi quan trọng, gồm việc tự do hóa tỷ giá hối đoái của đồng Som, thả tù nhân chính trị, giảm bớt các rào cản quan liêu đối với doanh nghiệp và mở cửa chào đón các nhà đầu tư nước ngoài và khách du lịch.

Một cuộc trưng cầu dân ý hồi tháng 4 cho thấy hơn 90% cử tri bày tỏ sự ủng hộ đối với hiến pháp Uzbekistan, vốn thường được gọi là “Hiến pháp nhân dân”, kết hợp các ưu tiên phát triển quan trọng, gồm nâng cao phúc lợi của người dân, đảm bảo khả năng tiếp cận giáo dục và chăm sóc sức khỏe có chất lượng, đồng thời cấm lao động cưỡng bức. Dựa trên khuôn khổ hiến pháp, ông Mirziyoyev đã đưa ra chiến lược mới của Uzbekistan với mục tiêu tăng gấp đôi tổng sản phẩm quốc nội vào năm 2030 và tăng GDP bình quân đầu người lên 4.000USD, đưa Uzbekistan trở thành một trong những quốc gia có thu nhập trung bình cao. Tổng thống Mirziyoyev còn đặt mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bằng cách thu hút 110 tỉ USD đầu tư nước ngoài trong 7 năm tới và tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước.

Về đối ngoại, những cách cải cách của ông Mirziyoyev được xem là cách tiếp cận nhiều mặt. Ông đã thúc đẩy hợp tác với các tổ chức quốc tế như Quỹ Tiền tệ Quốc tế và phát hành trái phiếu USD để củng cố vị thế tài chính của Tashkent. Đáng chú ý, Uzbekistan hồi năm ngoái còn tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải tại thành phố Samarkand, qua đó thể hiện cam kết hợp tác khu vực. Ngoài ra, các cuộc triển lãm trưng bày nghệ thuật và văn hóa của người Uzbekistan cũng đã xuất hiện ở các thành phố lớn như Berlin (Đức) và Paris (Pháp). Với việc ông Mirziyoyev vừa tái đắc cử nhiệm kỳ tổng thống 7 năm, giới chuyên gia dự đoán rằng Tashkent sẽ tiếp tục nỗ lực cải cách và tăng cường hơn nữa quan hệ với các nền kinh tế lớn.

Và để phù hợp với xu hướng toàn cầu hướng tới là trung hòa carbon, Tổng thống Mirziyoyev đang thực hiện chương trình phát triển năng lượng tái tạo với mục tiêu nâng tỷ trọng các nguồn năng lượng tái tạo trong cơ cấu năng lượng của Uzbekistan lên 30% vào năm 2030. Để đạt được mục tiêu đầy tham vọng này, Uzbekistan thúc đẩy quan hệ đối tác với các nước từ Trung Đông, châu Âu và cả Trung Quốc để xây dựng các nhà máy năng lượng mặt trời và năng lượng gió ở Uzbekistan.

TRÍ VĂN

Chia sẻ bài viết