23/12/2007 - 00:07

Ngoại trưởng Mỹ Rice:

Ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Mỹ năm 2008 là "chấm dứt xung đột và đối đầu"

* Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ lạc quan về Iraq, lo ngại về Afghanistan

(TTXVN)- Trong cuộc họp báo cuối năm của Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 21-12, Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice đã đặt ra những ưu tiên của bà trong năm cuối cùng trên cương vị nhà ngoại giao hàng đầu của Washington là thực hiện chính sách “chấm dứt xung đột và đối đầu” ở bất cứ nơi nào trên thế giới.

Ngoại trưởng Rice (trái) và Bộ trưởng Gates.
Ảnh: Reuters 

Trả lời câu hỏi của phóng viên về khả năng tới thăm CHDCND Triều Tiên, Iran và Syrie, bà Rice nói “nước Mỹ không có những kẻ thù vĩnh viễn. Chúng tôi có chính sách mở để chấm dứt xung đột và đối đầu với bất kỳ nước nào sẵn sàng đáp ứng các điều kiện của chúng tôi”. Về quan hệ với Triều Tiên, Ngoại trưởng Mỹ nói rằng nỗ lực vô hiệu hóa các chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng đã tiến triển “khá trôi chảy” và những “quan hệ chính trị sẽ thực sự được xúc tiến” một khi các bước về vấn đề hạt nhân được thực hiện. Còn về quan hệ với Iran và Syrie, bà cho biết Mỹ vẫn duy trì một chính sách mở để cải thiện quan hệ với hai nước này, nhưng đòi “họ phải chọn hợp tác chứ không phải đối đầu với cộng đồng quốc tế”. Bà khẳng định Mỹ tiếp tục gây sức ép mạnh mẽ hơn nữa đối với Iran trong năm 2008 nếu nước này tiếp tục chương trình hạt nhân.

Liên quan đến tiến trình hòa bình Trung Đông vừa được chính quyền Tổng thống Mỹ George Bush tái khởi động ở Hội nghị Annapolis sau 7 năm “bỏ bẵng”, bà Rice nói trong năm 2008, Tổng thống Bush và bà sẽ tiếp tục can dự tích cực và ủng hộ các cuộc thương lượng hòa bình giữa hai bên xung đột Palestine và Israel. Ngoại trưởng Mỹ cũng để ngỏ khả năng đi thăm Libye, đất nước đã nối lại quan hệ với Mỹ sau khi triệt thoái chương trình vũ khí hủy diệt hàng loạt năm 2003.

* Ngày 21-12, phát biểu trong cuộc họp báo cuối năm tại Lầu Năm Góc Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates bày tỏ lạc quan về tình hình chiến sự tại Iraq và cho biết nếu đà cải thiện an ninh như hiện nay được tiếp tục thì đến cuối năm 2008, Mỹ có thể giảm số quân tham chiến tại quốc gia Trung Đông này xuống 100.000 từ mức 158.000 quân hiện nay.

Trong khi đó, ông Gates tỏ ra lo ngại về Afghanistan khi cho rằng tàn quân Taliban và những kẻ buôn bán ma túy vẫn là những thế lực đe dọa quốc gia Nam Á vừa trải qua năm bạo lực đẫm máu nhất kể từ khi Taliban bị đánh đổ năm 2001. Trong cuộc họp báo, ông Gates tiếp tục hối thúc các đồng minh NATO thực hiện cam kết tăng quân và trang thiết bị cho chiến trường Afghanistan và không loại trừ khả năng Mỹ sẽ điều thêm quân vào Afghanistan trước xu thế bạo lực đang gia tăng tại đây.

Chia sẻ bài viết