10/01/2019 - 06:44

Uống nước nhớ nguồn 

Thực hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, các cấp, các ngành trên địa bàn TP Cần Thơ đã tích cực đẩy mạnh thực hiện phong trào đền ơn đáp nghĩa, chăm lo các gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công (NCC) với cách mạng... Qua đó, đưa phong trào ngày càng lan tỏa sâu rộng, góp phần ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần các đối tượng...

Lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH thành phố thăm hỏi, tặng quà cho gia đình chính sách ở Thới Lai. Ảnh: CHẤN HƯNG

 

Nghĩa cử ấm lòng

Những ngày cận Tết, không khí gia đình bà Nguyễn Thị Thê (91 tuổi, người hoạt động kháng chiến bị địch bắt, tù đày), ngụ tại ấp Trường Đông A, xã Tân Thới, huyện Phong Điền thêm phần tươi vui, ấm cúng khi có được căn nhà mới. Trong năm 2018, với số tiền 70 triệu đồng do Trung tâm Phát thanh Truyền hình Quân đội, Hội Cựu Chiến binh Tập đoàn Dầu khí hỗ trợ, gia đình bà Thê đã cất được căn nhà khang trang. Chị Nguyễn Hồng Phượng, con dâu bà Thê, chia sẻ: “Căn nhà cũ trước đây đã bị xuống cấp, mưa dột, ẩm thấp. Vợ chồng tôi làm thuê mướn nên thu nhập kinh tế không cao. Được chính quyền quan tâm, giúp mẹ tôi có căn nhà lành lặn, gia đình tôi tha thiết biết ơn…”.

Tương tự, cô Trần Thị Thường (70 tuổi, thương binh ¾), ngụ tại ấp Trường Đông B, xã Tân Thới, huyện Phong Điền cũng vừa được địa phương hỗ trợ 20 triệu đồng để sửa chữa nhà ở. Tiếp chúng tôi trong căn nhà vừa được sơn mới, cô Thường bày tỏ: “Con trai tôi bị tai nạn giao thông không làm được việc nặng nhọc. Mọi chi phí đều phải do con dâu gánh vác nên thu nhập ít ỏi, thiếu thốn. Nhờ địa phương hỗ trợ mà gia đình tôi mới có thể sửa chữa lại nhà ở, không còn lo sợ nhà bị sập đổ. Hàng năm, vào các dịp lễ, Tết, địa phương luôn quan tâm hỗ trợ tôi đầy đủ các chế độ chính sách”.

Theo ông Nguyễn Văn Sử, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, cùng với việc thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước, Huyện ủy, UBND huyện thường xuyên chỉ đạo các cấp, các ngành, đoàn thể tuyên truyền về truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”. Từ nhiều nguồn vận động, 15 năm qua, huyện đã xây dựng và sửa chữa 1.087 căn nhà, với số tiền trên 29 tỉ đồng. Trong đó, hỗ trợ nhà theo Quyết định 22/2013/QĐ-TTg xây mới 143 căn, sửa chữa 111 căn. Thực hiện sự chỉ đạo huyện, các xã, thị trấn đều tiến hành rà soát, xác minh giải quyết chế độ, chính sách cho NCC theo chủ trương của Đảng và Nhà nước theo đúng quy định. Hiện nay, toàn huyện có 985 đối tượng hưởng trợ cấp thường xuyên; tổng số tiền chi trợ cấp thời gian qua trên 180 tỉ đồng. Vào các dịp lễ, Tết, những ngày kỷ niệm lớn của đất nước, huyện tổ chức các đoàn đến thăm hỏi, tặng quà và động viên các gia đình chính sách (GĐCS) tiêu biểu. 15 năm qua, từ các nguồn vận động, huyện đã tặng 87.257 phần quà với số tiền 22 tỉ đồng vào các dịp Tết Nguyên đán và tặng 69.073 phần quà với số tiền trên 15 tỉ đồng cho các GĐCS, NCC vào dịp 27-7; cấp khoảng 33.717 thẻ bảo hiểm y tế cho các đối tượng…

Chung tay chăm lo 

Thời gian qua, công tác chăm lo GĐCS và NCC với cách mạng được Thành ủy, HĐND, UBND, các sở, ban, ngành và nhân dân TP Cần Thơ quan tâm thực hiện. Theo Sở Lao động -Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) thành phố, toàn thành phố hiện có 6.774 NCC với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi thường xuyên; trong đó, có 49 Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống, có khoảng 37.300 GĐCS. Đối với công tác quản lý đối tượng và giải quyết hồ sơ sau chiến tranh, trên phương châm là giải quyết đúng, nhanh, không sai sót, nhầm lẫn để giải quyết chính sách cho đối tượng theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, Sở LĐ-TB&XH thành phố đã chỉ đạo phối hợp từ cấp thành phố đến tận khu vực, ấp, sâu sát, thanh tra định kỳ, kiểm tra kịp thời nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác chăm sóc NCC với cách mạng. Bên cạnh, công tác quản lý, chi trả trợ cấp đối với đối tượng chính sách được thực hiện trên phần mềm “Quản lý chi trả trợ cấp NCC với cách mạng” nên việc chi trả được thực hiện một cách chu đáo, chính xác và nhanh chóng; tránh được những sai sót cũng như quản lý tốt nguồn kinh phí, không để xảy ra thất thoát; tìm kiếm hồ sơ đối tượng chính sách, thực hiện chế độ báo cáo nhanh và chính xác.

Công tác xã hội hóa công tác chính sách xã hội được Thành ủy, UBND thành phố quan tâm chỉ đạo. Bà Trần Thị Xuân Mai, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH thành phố Cần Thơ, cho biết: “Thực hiện phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” trong 15 năm qua Cần Thơ, từ các nguồn vận động, thành phố đã xây dựng 3.864 căn nhà tình nghĩa, sửa chữa 1.898 căn nhà với tổng số tiền trên 170.050 triệu đồng. Các Mẹ Việt Nam Anh hùng đều được các đơn vị nhận phụng dưỡng, 100% đối tượng NCC với cách mạng được cấp thẻ bảo hiểm y tế và được trợ cấp ưu đãi giáo dục, các ngày lễ, Tết… Để đạt được kết quả trên chính nhờ vào sự quan tâm của cả hệ thống chính trị và nhân dân TP Cần Thơ chung tay thực hiện phong trào đền ơn đáp nghĩa”.

Theo bà Trần Thị Xuân Mai, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH thành phố Cần Thơ, để phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” ngày càng đi vào chiều sâu, ngành LĐ-TB&XH tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về ưu đãi NCC với cách mạng; tiếp tục đẩy mạnh các phong trào đền ơn đáp nghĩa, thực hiện tốt công tác xã hội hóa, huy động nguồn lực từ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân... hỗ trợ cho các GĐCS, NCC khó khăn, neo đơn,… Qua đó, tiếp thêm động lực giúp các gia đình vươn lên, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần; thể hiện truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.

HỒNG VÂN

Chia sẻ bài viết