02/05/2018 - 21:23

Đồng bằng khởi nghiệp

Ươm mầm chờ mùa trái ngọt
Bài cuối: Giữ “lửa” khởi nghiệp 

Nhóm PV Kinh tế

ĐBSCL đang cho thấy quá trình “truyền lửa” khởi nghiệp đã gặt hái được kết quả ban đầu. Vấn đề còn lại là tạo được mối liên kết và giữ “lửa”  khởi nghiệp để các startup vững quyết tâm, bền ý chí vượt qua thách thức để tiến tới thành công.

Duy trì, phát triển phong trào

Theo nhiều chuyên gia, ĐBSCL đang trong buổi đầu khởi nghiệp. Tuy nhiên, bên cạnh việc truyền cảm hứng khởi nghiệp thì cần có giải pháp để duy trì và phát huy phong trào. Phó Giáo sư Tiến sĩ Võ Thành Danh, Khoa Kinh tế - Trường Đại học Cần Thơ, chia sẻ: “Phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã và đang được phát động rầm rộ. Tuy nhiên, chúng ta đang trong giai đoạn “tạo lửa” và làm sao để “giữ lửa” khởi nghiệp là vấn đề cần phải tính đến. Đó là việc tận dụng các điều kiện, thời cơ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; đề ra chính sách, mô hình tăng trưởng dài hạn để tạo nền tảng phát triển bền vững, lâu dài”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan, tìm hiểu mô hình khởi nghiệp tạo hình cho trái dừa của một bạn trẻ đến từ Bến Tre. Ảnh: MỸ THANH

Vườn ươm được xem là môi trường tốt để hỗ trợ, thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Ông Phạm Minh Quốc, Giám đốc Vườn ươm Công nghệ Công nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc, nói: Các đối tượng tham gia khởi nghiệp, đặc biệt là các sinh viên có ý tưởng khởi nghiệp nên vào vườn ươm hoặc các cơ sở ươm tạo, tiếp cận với không gian làm việc chung, nhận được sự hướng dẫn, hỗ trợ từ các chuyên gia, được đào tạo về marketing, quản trị doanh nghiệp (DN). Điều quan trọng là có thể ngồi chung lại tìm kiếm ý tưởng hoặc hoàn thiện ý tưởng của mình. Trong giai đoạn 3-5 năm đầu, DN khởi nghiệp rất yếu thế do đó cần có các chính sách về thuế, tiền thuê đất, tiếp cận vốn… Mặt khác, phía sau các DN khởi nghiệp cần có những mentor hỗ trợ và đồng thời Nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ lại các mentor này để phong trào khởi nghiệp được thực hiện bài bản và phát triển bền vững.

Nhiều ý kiến cho rằng, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là phong trào khá mới mẻ. Do đó, ngành chức năng không chỉ làm tốt khâu “truyền lửa” mà còn phải hỗ trợ về mặt thông tin; tổ chức các hoạt động đào tạo, tập huấn phù hợp với tình hình thực tế. Theo ông Nguyễn Phương Lam, Phó Giám đốc phụ trách VCCI Cần Thơ, 2 năm gần đây, chúng ta nói nhiều về khởi nghiệp và tổ chức nhiều cuộc thi khởi nghiệp. Tuy nhiên, các cuộc thi chỉ là một phần công việc của khởi nghiệp, là một mấu chốt rất nhỏ. “Một dự án khởi nghiệp muốn thành công phải mất ít nhất từ 3-5 năm, chỉ đến khi nào sản phẩm của DN ra được thị trường mới xem như bước đầu khởi nghiệp thành công. Hiện nay, một số bạn trẻ bước ra từ các cuộc thi khởi nghiệp thường tự tin quá mức với thành quả ban đầu, đến khi có đơn hàng lại không đủ khả năng đáp ứng, không tìm được hướng mở rộng quy mô sản xuất. Lẽ đó, các bạn trẻ khởi nghiệp phải có tư duy và tâm lý đón nhận và xử lý tốt thông tin thị trường”- ông Nguyễn Phương Lam nhấn mạnh.

Liên quan đến vấn đề “tồn tại” của các DN khởi nghiệp, bà Huỳnh Ngọc Đông Giao, Trưởng phòng Truyền thông sự kiện Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển Sinh viên Cần Thơ, thuộc Hội sinh viên TP Cần Thơ, thông tin: “Phải chấp nhận sự thật, trong 100 dự án khởi nghiệp có từ 90 thậm chí 99 dự án thất bại. Trong 2 năm triển khai gầy dựng hệ sinh thái khởi nghiệp “Up Green Life” tại TP Cần Thơ, số dự án còn tồn tại chỉ đếm trên đầu ngón tay. Rất tiếc khi đối diện với khó khăn, các startup lại không vượt qua được và đôi khi tự mâu thuẫn với chính mình trong việc định hướng tương lai. Mặt khác, do còn non kinh nghiệm lại phải xử lý những vấn đề rất lớn về quyền lợi, cổ phần, nên các startup tự tan rã”. Theo bà Huỳnh Ngọc Đông Giao, trong câu chuyện khởi nghiệp yếu tố con người rất quan trọng. Up Green Life chỉ hỗ trợ các startup cơ hội  tiếp cận thông tin, chuyên gia, nhà đầu tư để kêu gọi vốn, định hướng chương trình đào tạo, nhưng việc tiếp nhận như thế nào là sự khôn ngoan, khéo léo của chính các startup. Như vậy, có thể thấy, bản lĩnh của DN khởi nghiệp là cực kỳ quan trọng trong quá trình “vượt vũ môn”.

Theo các chuyên gia, dù Nhà nước và chính quyền địa phương có hỗ trợ hay không, hỗ trợ ở mức độ nào thì hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vẫn phát triển. Và khi được Nhà nước hỗ trợ thêm bằng những tác động về mặt cơ chế, chính sách sẽ giúp cho hệ sinh thái này phát triển nhanh hơn và giúp DN phát triển thuận lợi hơn. Tuy nhiên, tự thân các startup, các DN tổ chức các hoạt động đổi mới sáng tạo, đưa ra mô hình kinh doanh mới, sản phẩm mới để phát triển thị trường. Không chạy theo phong trào, không ngủ quên trên chiến thắng, phải có bản lĩnh và chiến lược để khởi nghiệp thành công.

Chung tay liên kết

Với vai trò kết nối phong trào khởi nghiệp tại ĐBSCL, Mạng lưới khởi nghiệp ĐBSCL (MSN) đã đạt được những thành quả ban đầu. Bà Nguyễn Thị Thương Linh, Phó Giám đốc VCCI Cần Thơ, đánh giá: Sau gần 1 năm thành lập, MSN đã phối hợp tổ chức thành công Cuộc thi Khởi nghiệp ĐBSCL. Ngoài ra, MSN cũng thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn về nâng cao năng lực (tìm ý tưởng, lập kế hoạch kinh doanh và kỹ năng thuyết trình) cho các cán bộ thực hiện nhiệm vụ thúc đẩy khởi nghiệp tại địa phương. Riêng cuộc thi Khởi nghiệp ĐBSCL năm 2018 sẽ khuyến khích, ưu tiên các ý tưởng, dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Trong đó, tập trung vào các lĩnh vực IoT (Internet of Things); ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, công nghệ thực phẩm…

Để khởi nghiệp đồng bằng “thắng lớn”, cần có sự kết nối, chung tay của các tỉnh, thành trong vùng. Và Mạng lưới khởi nghiệp ĐBSCL được kỳ vọng sẽ là nơi tiếp lửa và gắn kết phong trào khởi nghiệp ở ĐBSCL. Theo bà Bùi Thị Dung, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội DN tỉnh An Giang, bên cạnh việc khuyến khích các ý tưởng khởi nghiệp, VCCI Cần Thơ cần kết nối, mời gọi các DN có tiềm năng, hoạt động cùng chung một lĩnh vực để đầu tư, thương mại hóa ý tưởng khởi nghiệp. Mặt khác, MSN cần có giải pháp, kế hoạch kết nối các phong trào khởi nghiệp của các tỉnh, thành vùng ĐBSCL; phát huy vai trò định hướng khởi nghiệp trong việc khai thác tiềm năng, lợi thế của vùng… Nhiều ý kiến đề xuất VCCI Cần Thơ xây dựng cẩm nang cho các tổ chức, cá nhân, DN tham khảo nhằm hoàn thiện hồ sơ tham gia Cuộc thi Khởi nghiệp ĐBSCL đạt yêu cầu.

Trong năm 2018, Mạng lưới khởi nghiệp ĐBSCL (MSN) tập trung vào mục tiêu liên kết tổ chức các hoạt động trong mạng lưới, như: tổ chức Cuộc thi Khởi nghiệp ĐBSCL, kết nối đầu vào cho 10 DN, kết nối 20 DN với các nhà đầu tư. Đồng thời, thiết lập khu ươm tạo khởi nghiệp ĐBSCL (Co-working Space) cho các startup ĐBSCL và startup Nhật Bản; mạng lưới tư vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; tổ chức đào tạo, bổ sung kiến thức, nâng cao năng lực về khởi nghiệp cho 50  cán bộ chuyên trách  về khởi nghiệp tại ĐBSCL…

Hỗ trợ khởi nghiệp là vấn đề rất khó và đòi hỏi phải có một quá trình lâu dài và bền bỉ. Ông Châu Văn Bình, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bến Tre, cho biết: “Để hỗ trợ khởi nghiệp đòi hỏi sự đồng lòng từ cấp tỉnh, huyện đến xã, ấp và quan trọng nhất là nhiệt huyết của chính bản thân người khởi nghiệp. Hỗ trợ khởi nghiệp cần phải linh động, thực hiện theo hướng mở, chứ không thể rập khuôn theo Nghị định này, thông tư nọ thì không ăn thua”. Còn theo bà Võ Thị Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Tháp, thay vì “lủi thủi” làm một mình, khi có ý tưởng các cá nhân, các đối tượng khởi nghiệp nên tham gia vào các cuộc thi để tranh thủ sự hỗ trợ, tư vấn học tập kinh nghiệm từ các DN khởi nghiệp thành công. Bên cạnh đó, các buổi gặp gỡ doanh nhân, họp mặt... là điều kiện thuận lợi để các bên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và nảy sinh nhiều ý tưởng khởi nghiệp độc đáo.

Thực tế cho thấy, hoạt động thành lập DN bước đầu rủi ro rất lớn và xác suất thành công thấp; khả năng tiếp cận nguồn vốn để phục vụ cho ý tưởng khởi nghiệp gần như chưa có. Chính vì vậy, theo chủ trương chung, thời gian tới, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL sẽ thành lập Quỹ Hỗ trợ khởi nghiệp. Ông Nguyễn Thanh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, chia sẻ: Sắp tới đây, Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp TP Cần Thơ sẽ được thành lập với một phần kinh phí trích từ ngân sách và vận động thêm các tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp nhằm hỗ trợ vốn cho các DN ở buổi đầu thành lập. Khởi nghiệp có rất nhiều vấn đề khó khăn, với góc độ quản lý Nhà nước, thành phố sẽ tạo môi trường đầu tư thông thoáng cho các DN khởi nghiệp, hỗ trợ đăng ký thành lập DN, đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, kiến thức về quản trị DN…

Các địa phương đã hình dung rõ nét hơn về bức tranh khởi nghiệp của ĐBSCL và địa phương mình để có kế hoạch, định hướng rõ ràng về phát triển DN, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp. ĐBSCL đang bước vào giai đoạn đầu tiên của khởi nghiệp và tất cả đang nỗ lực ươm mầm, vun xới để chờ đón những mùa “trái ngọt” đầu tiên.

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
khởi nghiệp