01/05/2018 - 09:14

Đồng bằng khởi nghiệp

Ươm mầm chờ mùa trái ngọt
Bài 2: Điểm nhấn đổi mới sáng tạo 

Nhóm PV Kinh tế

Làn sóng khởi nghiệp đã lan tỏa ở các địa phương ĐBSCL. Song, theo các chuyên gia, muốn khởi nghiệp thành công phải mất ít nhất  từ 3-5 năm. Chưa kể trong số các dự án được Nhà nước hỗ trợ ươm tạo khởi nghiệp tỷ lệ thành công có khi chỉ đếm trên đầu ngón tay. Do đó, các tổ chức, cá nhân khởi nghiệp phải chủ động cạnh tranh bằng sự khác biệt cả về ý tưởng lẫn cách thức triển khai.

Cạnh tranh bằng sự khác biệt

DN khởi nghiệp muốn tồn tại phải dựa trên ý tưởng đổi mới sáng tạo, phải tạo được sự khác biệt trong phương thức kinh doanh. Đó là những mô hình kinh doanh mới, hình thức quảng bá sáng tạo và trên hết là tạo ra sản phẩm có giá trị khác biệt... Từ sản phẩm đầu tay là hoa sen sấy, anh Ngô Chí Công, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại và Dịch vụ Khởi Minh Thành Công, TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp đã nghiên cứu, đầu tư ứng dụng thành công công nghệ tạo ra sản phẩm tranh lá sen, khay lá sen, nón lá sen, bóp, ví, sổ tay sen… Anh Ngô Chí Công chia sẻ: Tôi luôn muốn chinh phục khách hàng bằng sự đa dạng của những sản phẩm từ sen mang tính thẩm mỹ cao, đậm bản sắc quê hương hòa quyện với những giá trị tinh thần của đất và người Đồng Tháp. Nhờ sự tiếp sức của chính quyền tỉnh, tôi tham gia các lớp đào tạo CEO, chương trình khởi nghiệp và mang hàng đi tiếp thị ở các hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh. Với những nỗ lực không ngừng, đến nay, sản phẩm của Khởi Minh Thành Công không chỉ góp mặt ở các điểm bán hàng lưu niệm ở tỉnh Đồng Tháp mà còn ở TP Hồ Chí Minh, TP Đà Nẵng và nhiều nơi khác.

Công ty TNHH Nông sản sạch Đại Thuận Thiên tham gia một hoạt động giới thiệu sản phẩm tại TP Cần Thơ. Ảnh: MINH HUYỀN

Tài nguyên bản địa ở ĐBSCL rất phong phú và đa dạng nhưng để khai thác hiệu quả là kỳ công và tâm huyết lớn của các doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp. Anh Nguyễn Nhật Luân, Chủ Cơ sở sản xuất gạch gáo dừa Mộc Lan ở xã Hưng Nhượng, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre, chia sẻ: Gạch ốp tường gáo dừa của Cơ sở Mộc Lan chủ yếu bán theo đơn đặt hàng của khách hàng hoặc bán cho các công trình xây dựng homestay, resort tại tỉnh Bến Tre và Tiền Giang. Để có được 1m2 gạch ốp tường thành phẩm phải cần tới 5kg gáo dừa nguyên liệu đã qua xử lý với nhiều công đoạn khá công phu. Sản phẩm có nhiều điểm ưu việt như không bị mối mọt, ít cong vênh, chất lượng bền, đẹp, chất liệu khác lạ góp phần tạo điểm nhấn kiến trúc cho công trình xây dựng. Từ nền tảng này, Cơ sở Mộc Lan đang nỗ lực tìm kiếm đối tác, liên kết tiêu thụ đầu ra sản phẩm, nhất là tìm cách kết nối với các đơn vị kinh doanh vật liệu xây dựng nhằm ổn định đầu ra, khai thác giá trị bền vững từ tài nguyên bản địa.

Khi đưa sản phẩm mới ra thị trường, các startup sẽ phải cạnh tranh với nhiều sản phẩm cùng loại của nhiều doanh nghiệp đi trước. Anh Phạm Xuân Thành, Giám đốc Công ty TNHH Con Tôm, ở  huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau, chia sẻ: Do giá mặt hàng tôm nuôi thiên nhiên cao gấp đôi so với tôm công nghiệp nên việc thuyết phục khách hàng gặp không ít khó khăn. Tôi kiên trì tham gia các Phiên chợ Xanh tử tế do Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ DN (BSA) tổ chức để giới thiệu về quy trình nuôi tôm sạch. Chính sự khác biệt về chất lượng đã góp phần tạo niềm tin cho khách hàng sau quá trình dùng thử sản phẩm. Nhờ đó sản phẩm tôm khô và tôm đông lạnh của công ty đã dần bước ra thị trường, cạnh tranh với các sản phẩm khác. Công ty cũng đang cải tiến quy trình sản xuất để tăng chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường.

Với nhận định rằng những người trẻ khởi nghiệp có kiến thức và có sức trẻ nhưng vẫn còn thiếu về kinh nghiệm, ông Nguyễn Thanh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, chia sẻ: Để đi hết chặng đường khởi nghiệp các đối tượng khởi nghiệp phải tìm hiểu kỹ về thị trường tiêu thụ, công nghệ hiện có phải được so sánh kỹ về tính sáng tạo, sự khác biệt của sản phẩm mình đưa ra so với những sản phẩm đã có trên thị trường; mức độ chấp nhận của người tiêu dùng về chất lượng và giá sản phẩm. Có nghiên cứu kỹ thị trường, biết mình đang ở vị trí nào sẽ giúp những đối tượng khởi nghiệp giảm bớt rủi ro cũng như tăng khả năng thành công từ những ý tưởng, dự án của mình.

Khai thác các nguồn lực

Theo các chuyên gia để khởi nghiệp thành công, một trong các yếu tố then chốt là DN phải có trong tay tài sản trí tuệ như: sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thương hiệu (nhãn hiệu) cho loại sản phẩm, dịch vụ mà mình thực hiện. Điều này không chỉ giúp DN khẳng định vị thế, nâng cao giá trị sản phẩm, hạn chế cạnh tranh từ các đối thủ mà còn thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo trong kinh doanh. Ông Trần Giang Khuê, Phó Trưởng đại diện phụ trách Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) tại TP Hồ Chí Minh, chia sẻ: Sự độc quyền dựa trên quyền SHTT sẽ làm tăng tính cạnh tranh và nâng giá trị của sản phẩm, dịch vụ. Trong bối cảnh khó khăn trong buổi đầu khởi nghiệp, DN cần có kế hoạch, chiến lược khởi nghiệp gắn chặt với chiến lược khai thác tài sản trí tuệ của DN; tận dụng, khai thác thế mạnh của doanh nghiệp, lợi thế của địa phương gắn với chủ trương, chính sách chung của Nhà nước. Song song đó, DN cần phải tập trung vào chất lượng sản phẩm, dịch vụ bởi đây là gốc rễ của xây dựng và phát triển thương hiệu bền vững" - ông Trần Giang Khuê, Phó Trưởng đại diện phụ trách Văn phòng đại diện Cục SHTT tại TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh.

Anh Phạm Xuân Thành, Giám đốc Công ty TNHH Con Tôm giới thiệu sản phẩm tại Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2018 ở tỉnh An Giang. Ảnh: MỸ HOA

Đối với các DN khởi nghiệp, nhất là DN khởi nghiệp sáng tạo, khi đưa sản phẩm hay dịch vụ ra thị trường, phải quan tâm ngay đến việc bảo vệ quyền SHTT, bảo hộ bản quyền để tránh những tranh chấp về thương hiệu, quyền tác giả, thậm chí là tránh bị đối thủ cạnh tranh sao chép, đánh cắp ý tưởng. Đa phần DN khởi nghiệp chỉ tập trung phát triển sản phẩm, thu hút vốn mà quên vấn đề SHTT, bảo vệ ý tưởng. Theo ông Nguyễn Hoàng Cung, Giám đốc Công ty TNHH Nông sản sạch Đại Thuận Thiên, quận Ninh Kiều, đây là lối suy nghĩ sai lầm. "Khi bắt đầu khởi nghiệp trong lĩnh vực nông sản sạch, chúng tôi cứ nghĩ là hãy làm đi, hoàn thiện quy trình canh tác, sản xuất thành công sản phẩm rồi hãy đăng ký thương hiệu. Tuy nhiên, đến khi có kết quả, chúng tôi đăng ký thương hiệu là "Thuận Thiên" với ý nghĩa sản xuất theo quy trình tự nhiên thì đã có người đăng ký trước và buộc lòng phải chuyển sang "Đại Thuận Thiên". Tôi cho rằng đây là bài học cho những DN khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo" - ông Nguyễn Hoàng Cung chia sẻ.

Nguồn lực để thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo bao gồm nội lực tự thân của các startup và cả nguồn lực bên ngoài. Các startup có ý tưởng khởi nghiệp, phát triển những dự án khởi nghiệp nhưng lại thiếu nguồn vốn kinh nghiệm, vốn tri thức và cả vốn đầu tư. Trong giai đoạn phong trào khởi nghiệp đang lan tỏa và hệ sinh thái khởi nghiệp đang dần hình thành, các startup cần tranh thủ huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực này. Bà Trần Hoài Phương, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ, chia sẻ: Các startup hiện nay thường tìm kiếm các nhà đầu tư để phát triển ý tưởng khởi nghiệp. Thực tế, các nhà đầu tư cũng tương tự như "những con cá mập", các ý tưởng khởi nghiệp phải có giá trị, đem lại lợi nhuận, nhà đầu tư mới sẵn lòng bỏ tiền vào đầu tư. Và các ý tưởng càng giá trị thì nhà đầu tư mới rót vốn tương xứng cho dự án đó. Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Phương Lam, Phó Giám đốc phụ trách VCCI Cần Thơ, nhấn mạnh: "Chúng tôi khuyến khích những ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với những sản phẩm mới, dịch vụ mới đi kèm yếu tố về công nghệ cao. Thực tế cho thấy, giai đoạn hiện nay những sản phẩm gắn liền với yếu tố công nghệ kỹ thuật càng cao, thì sẽ tạo ra giá trị gia tăng và thu được lợi nhuận càng lớn".

Bài học về vận dụng tư duy sáng tạo trong khởi nghiệp được ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, chia sẻ đầy tâm huyết: Khi khởi nghiệp, các startup phải nghĩ rằng những gì mình làm được người khác cũng sẽ làm được nên phải có tư duy sáng tạo, phải đổi mới liên tục. Bên cạnh đó, thay vì "lủi thủi đi một mình", sợ người khác ăn cắp nghề, sao chép ý tưởng, các bạn có thể mạnh dạn huy động nhiều nguồn lực để có hướng phát triển hiệu quả. Phải xem sản phẩm của mình đã thuyết phục được người cần huy động vốn hay chưa, nếu chưa thuyết phục được sẽ có khả năng không thuyết phục được người tiêu dùng. Còn nếu thuyết phục được thì sẽ có cơ hội được đóng góp ý tưởng để hoàn thiện sản phẩm.

Bài 3: HIỂU ĐÚNG VỀ KHỞI NGHIỆP

Chia sẻ bài viết