01/05/2018 - 17:47

Đồng bằng khởi nghiệp

Ươm mầm chờ mùa trái ngọt
Bài 3: Hiểu đúng về khởi nghiệp 

Nhóm PV Kinh tế

Khởi nghiệp là chặng đường dài và đầy gian nan, vất vả. Đã có nhiều dự án thành công, đưa được sản phẩm ra thị trường, nhưng cũng có không ít những ý tưởng, dự án khởi nghiệp lóe sáng rồi vụt tắt, thậm chí “chết yểu”. Những thách thức trong quá trình khởi nghiệp chính là những bài học kinh nghiệm quý báu cho những doanh nghiệp (DN) trẻ tuổi đời, non tuổi nghề.

Thiếu nguồn lực, lắm rủi ro

Dự án “Sản xuất-kinh doanh thiết bị đo lường và cảnh báo chất lượng không khí” của nhóm 4 sinh viên Trường Đại học Cần Thơ là Dự án đạt giải Nhất tại Diễn đàn Khoa học Công nghệ lần 6 năm 2017. Từ dự án này, các thành viên của nhóm đang chập chững bước trên chặng đường khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Bạn Cao Thanh Hùng, sinh viên Lớp Kỹ thuật điều khiển và Tự động hóa, Khoa Công nghệ, Trường Đại học Cần Thơ, thành viên của Dự án, chia sẻ: Khi lắp đặt trong các nhà máy hoặc văn phòng làm việc, thiết bị này sẽ gửi kết quả qua wifi kết nối với smartphone để người dùng có thể biết tình trạng ảnh hưởng của các loại khí từ xa và có hướng khắc phục trong những trường hợp khẩn cấp. Startup về sản phẩm công nghệ khó hơn các startup software. Các sản phẩm công nghệ thường gặp nhiều khó khăn vì người tiêu dùng thiếu niềm tin vào các sản phẩm “made in Việt Nam” và khó cạnh tranh về giá. Do đó, khi thương mại hóa sản phẩm, nhóm xác định sẽ chú trọng đến tính pháp lý, các thủ tục về thẩm định sản phẩm đề tạo niềm tin với người tiêu dùng. Tuy nhiên, do là sinh viên năm cuối nên nhóm rất cần sự hỗ trợ về những kiến thức kinh doanh và quản trị để khởi nghiệp hiệu quả.

Tại vòng Bán kết cuộc thi Dự án Khởi nghiệp nông nghiệp do BSA tổ chức vào tháng 9-2017 tại tỉnh Đồng Tháp có nhiều dự án nổi bật về khai thác nguồn tài nguyên bản địa tham dự. Ảnh: MỸ THANH

Và trong thực tế có nhiều mô hình khởi nghiệp đã “gãy” giữa chừng. Anh Trương Hữu Thuận ở phường Phú Thứ, quận Cái Răng, TP Cần Thơ là một trong những người tiên phong trong xu hướng trồng khổ qua rừng theo hướng hữu cơ. Đồng thời, thực hiện thương mại hóa các sản phẩm trà khổ qua rừng xắt lát, trà túi lọc và được khách hàng trong và ngoài TP Cần Thơ ưa chuộng, đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Anh Thuận, bộc bạch: “Tôi nghĩ rằng những thành quả bước đầu sẽ tiếp sức cho mình khai phá sản phẩm tinh túy hơn từ loại cây rừng này. Song, ý tưởng này bị tắc “nghẽn” hoàn toàn vì nguồn vốn thực tại của cơ sở không đủ trang trải cho việc mở rộng đầu tư. Trong khi đó, cơ sở cũng không tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ và chưa liên kết được với các đối tác để đầu tư công nghệ chế biến sâu cũng như tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ tiềm năng”. Khó khăn chồng chất khó khăn, sau thời gian cầm cự anh Thuận đành bấm bụng chuyển giao toàn bộ quy trình kỹ thuật chế biến trà khổ qua rừng cho một DN khác vào cuối năm 2017.

Theo các chuyên gia, chúng ta cần hiểu đúng về quá trình khởi nghiệp. Ông Nguyễn Thanh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, chia sẻ: Các mô hình khởi nghiệp hiện nay thường chỉ tập trung vào các lĩnh vực dễ gia nhập thị trường. Trong khi đó, những tổ chức, cá nhân khởi nghiệp còn hạn chế về kỹ năng quản trị DN, quản trị tài chính; chưa tìm kiếm được các nguồn lực hỗ trợ về tài chính. Các hoạt động hỗ trợ của địa phương, ngành chức năng còn mang tính riêng lẻ và lồng ghép vào các chương trình khác có liên quan chứ chưa thực sự có những chính sách cụ thể để thúc đẩy khởi nghiệp. Việc huy động vốn cho các dự án khởi nghiệp cũng gặp khó khăn do rủi ro lớn.

Theo VCCI Cần Thơ, các chương trình khởi nghiệp tại ĐBSCL thời gian qua đạt nhiều kết quả. Cuộc thi khởi nghiệp ĐBSCL thu hút nhiều hồ sơ dự thi và tập trung vào những lĩnh vực như: giải pháp kinh doanh, nông nghiệp, sản xuất thương mại, thủ công mỹ nghệ, công nghệ thực phẩm, môi trường, du lịch trải nghiệm, cơ khí chế tạo, công nghệ thông tin, tự động hóa sản xuất… Tuy nhiên, các dự án này vẫn chưa sát với yêu cầu thực tiễn, chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra của phong trào khởi nghiệp đang được các địa phương khuyến khích là “khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”. Bà Nguyễn Thị Thương Linh, Phó Giám đốc VCCI Cần Thơ, cho biết: Trong số 100 hồ sơ tham gia cuộc thi Khởi nghiệp ĐBSCL thì có đến 32 hồ sơ thuộc lĩnh vực giải pháp kinh doanh. Nghĩa là các thí sinh chỉ đưa ra các ý tưởng về những điều mình phát hiện trên thị trường, những giải pháp liên quan đến sản xuất, thương mại, mua bán thông thường. Còn ở lĩnh vực nông nghiệp, mặc dù là thế mạnh của ĐBSCL nhưng ý tưởng cũng chỉ loay hoay với nuôi trồng thủy sản, nuôi trùn quế, trồng rau sạch, nuôi gà, bò…”.

“Đón đầu” thách thức

Được biết đến như là một DN có nhiều kinh nghiệm trong vấn đề khởi nghiệp tại TP Cần Thơ, ông Nguyễn Hoàng Cung, Giám đốc Công ty TNHH Nông sản sạch Đại Thuận Thiên, chia sẻ: “Nhiều bạn trẻ ảo tưởng khởi nghiệp là ra làm chủ và không có quá trình, không có khâu chuẩn bị kỹ càng. Đối với Đại Thuận Thiên, dù có sự chuẩn bị khá chu đáo; có kiến thức, có khách hàng, có kỹ thuật, am hiểu về lĩnh vực nông nghiệp nhưng đi vào thực tế còn rất vất vả. Trong khi các bạn trẻ mới bước chân ra khởi nghiệp như tờ giấy trắng không có gì ngoài nhiệt huyết. Nếu chỉ làm trong phạm vi nhỏ, trong nhóm khởi nghiệp và theo khả năng, bắt đầu từ những việc đơn giản, quy mô vừa sức thì đó là tập tành vào nghề, còn muốn khởi nghiệp đầu tư lớn sẽ vướng nhiều khó khăn, thậm chí là thất bại nặng nề”.

DN khởi nghiệp hiện nay hầu hết có điểm xuất phát thấp, quy mô nhỏ nên năng lực về vốn, quản trị còn nhiều hạn chế. Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Chủ Cơ sở sản xuất Nông trại sạch Cần Thơ (Cần Thơ Farm), quận Bình Thủy, DN cần phía Nhà nước hỗ trợ về vốn để phát triển và thực hiện ý tưởng; đầu tư hoàn thiện hạ tầng, cơ sở vật chất, kỹ thuật cho việc nghiên cứu, thực nghiệm. Ngoài ra, các sở ngành hữu quan cần phối hợp chặt chẽ với DN trong việc hình thành điểm để giới thiệu, trưng bày và quảng bá sản phẩm. Nhiều ý kiến đề xuất ngành chức năng thực thi mạnh, đồng bộ các chính sách ưu đãi, hỗ trợ trực tiếp cho chủ sở hữu tài sản trí tuệ; thường xuyên tuyên truyền, đào tạo và phổ biến kiến thức SHTT cho các viện, trường và DN…

“Hiện nay, văn hóa khởi nghiệp không phải đơn thuần là giải quyết việc làm cho các sinh viên mới ra trường như trước, mà khởi nghiệp phải là mục tiêu của cả quốc gia, của các DN nhỏ và vừa, các DN lớn, diễn ra không ngừng nghỉ. Đối với khởi nghiệp phải học cách chấp nhận thất bại, chấp nhận rủi ro vì đây là hình thức đầu tư mạo hiểm; là văn hóa chia sẻ-hợp tác của những startup đã thành công với những ý tưởng mới hình thành và tạo dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”- Phó Giáo sư Tiến sĩ Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ nhấn mạnh.

Đồng Tháp là tỉnh đầu tiên ký kết hợp tác với Quỹ đầu tư Startup Việt Nam Foundation (SVF) để thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp tại địa phương. Theo ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, để hiểu đúng về khởi nghiệp, Đồng Tháp học tập từ các chuyên gia, tranh thủ sự hỗ trợ của Câu lạc bộ các DN dẫn đầu, BSA, VCCI để tư vấn, phản biện và hỗ trợ cho các ý tưởng, dự án khởi nghiệp. Các đơn vị này sẽ truyền đạt cả những kinh nghiệm về thành công lẫn bài học thất bại, điều mà các cơ quan chuyên môn không thể hỗ trợ được. Còn các DN dẫn đầu của tỉnh đóng vai trò chính là những mentor (người hướng dẫn) cho các dự án khởi nghiệp, hỗ trợ thẩm định dự án và sau đó có thể liên kết góp vốn cổ phần để tham gia phát triển sản phẩm, thương mại hóa ra thị trường.

“Khởi nghiệp là xu hướng, trào lưu hiện nay. Tuy nhiên, nếu chúng ta chạy theo phong trào, chỉ làm để “có tiếng” thì không bao giờ có thể vượt qua khó khăn, thử thách. Khởi nghiệp từ một ý tưởng độc đáo chỉ là bước khởi đầu và cần phải có niềm đam mê mới có thể đi đến đích cuối cùng. “Với tư cách là đơn vị chủ quản Vườn ươm Công nghệ Công nghiệp Việt Nam-Hàn Quốc, chúng tôi có điều kiện tiếp xúc với nhiều ý tưởng từ các bạn trẻ. Và thực tế cho thấy, tỷ lệ khởi nghiệp thành công chỉ đạt 10%. Quá trình từ ý tưởng triển khai đến thực tế là hết sức khó khăn. Người khởi nghiệp rất cần sự giúp đỡ, hỗ trợ từ những chuyên gia hàng đầu để hoàn thiện ý tưởng, phát triển ý tưởng rồi từ đó ứng dụng khoa học công nghệ, máy móc tiên tiến để làm nên giá trị gia tăng cho sản phẩm ra đời sau này”-  Ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ chia sẻ.

Chia sẻ bài viết