29/04/2018 - 16:12

Đồng bằng khởi nghiệp

Ươm mầm chờ mùa trái ngọt
Bài 1: “Được mùa” khởi nghiệp 

Kể từ năm 2016, khởi nghiệp, đặc biệt là khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được Đảng và Chính phủ quan tâm hỗ trợ, khuyến khích thông qua các nội dung chỉ đạo điều hành và định hướng chính sách cụ thể. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 35/NQ-CP “Về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020”; Quyết định 844/QĐ-TTg  của Thủ tướng Chính phủ “Phê duyệt Đề án Hỗ trợ Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia đến năm 2025”. Giờ đây, cùng với cả nước, tinh thần “Đồng bằng khởi nghiệp” đã và đang lan rộng. Nhiều chương trình, hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo được các địa phương ở ĐBSCL thực hiện mang đến những thành quả tích cực.

Điểm sáng khởi nghiệp

Đoàn Ngọc Minh Thùy, cô gái trẻ  gầy dựng nên Công ty TNHH tinh dầu Hương Đồng Tháp từ những nguyên liệu có sẵn của quê nhà Đồng Tháp. Với vốn kiến thức sinh học, từ cuối năm 2016, Thùy tiến hành thu gom những trái bưởi non, quýt non, ngọn sả… trong vườn nhà để nghiên cứu, chưng cất thành công 20 loại tinh dầu mang tên “Hương Đồng Tháp”. Trong đó, có 3 loại tinh dầu được thương mại hóa, khách hàng tin dùng là tinh dầu bưởi Cao Lãnh, tinh dầu gió Tràm Chim và tinh dầu quýt Lai Vung. Nhu cầu sử dụng tinh dầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao và nguồn nguyên liệu ở xứ sen hồng còn rất dồi dào, Thùy tiếp tục nghiên cứu đưa ra quy trình trích ly phù hợp, loại bỏ hoàn toàn các tạp chất, thu được tinh dầu tinh khiết.  Nhờ đó, hàng loạt sản phẩm chăm sóc sức khỏe và làm đẹp lần lượt ra đời từ các loại tinh dầu bạc hà, tinh dầu sả chanh đến xà bông tắm thiên nhiên, vòng tay đuổi muỗi, ống hít thông mũi…

 Bí thư Thành ủy Cần Thơ Trần Quốc Trung (thứ 2 từ phải sang) tham quan mô hình nuôi cấy nấm đông trùng hạ thảo của Công ty TNHH Nông nghiệp Sinh học Hà Anh. Ảnh: MINH HUYỀN
Bí thư Thành ủy Cần Thơ Trần Quốc Trung (thứ 2 từ phải sang) tham quan mô hình nuôi cấy nấm đông trùng hạ thảo của Công ty TNHH Nông nghiệp Sinh học Hà Anh. Ảnh: MINH HUYỀN

Nhận thấy người dân xứ Bến Tre thường lấy gáo dừa  làm củi đốt, trong khi đó ở Mỹ hay Nhật đã áp dụng kỹ thuật cao  “biến tấu” gáo dừa thô thành những vật phẩm trang trí có giá trị kinh tế, anh Nguyễn Nhật Luân ở xã Hưng Nhượng, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre nảy sinh ý tưởng nghiên cứu, học hỏi kỹ thuật chế tác gáo dừa thành 1 loại vật liệu xây dựng dùng trong trang trí nội thất. Với ý tưởng này, anh Nguyễn Nhật Luân đã được tỉnh Bến Tre hỗ trợ vốn 100 triệu đồng từ chương trình khuyến công, khởi nghiệp của địa phương để xây dựng cơ sở sản xuất gạch gáo dừa Mộc Lan. Nguồn vốn này  là nguồn năng lượng cho anh Nguyễn Nhật Luân trong hành trình gầy dựng cơ nghiệp; từng bước đầu tư máy móc, nhân lực để sản xuất gáo dừa thô thành gạch ốp tường. Hiện cơ sở Mộc Lan đã hoàn thiện quy trình sản xuất gạch gáo dừa ốp tường cả dạng thô và bóng với màu sắc, hoa văn đặc trưng, có kích thước từ 20-50cm2 hoặc lớn hơn, tùy theo yêu cầu khách hàng.

Tiêu biểu cho tinh thần “đồng bằng khởi nghiệp” phải nhắc đến là anh Phạm Xuân Thành, một thanh niên trẻ ở Cà Mau quyết định bỏ việc ở công ty kiến trúc để trở về quê nuôi tôm sinh thái và gầy dựng nên Công ty TNHH Con Tôm với sản phẩm tôm khô và tôm đông lạnh. Bây giờ, anh Phạm Xuân Thành đã là Giám đốc Công ty TNHH Con Tôm có tiếng ở huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. Anh chia sẻ: Người dân Cà Mau thường nuôi tôm tự nhiên trong rừng ngập mặn với nguồn thức ăn chủ yếu là rong, tảo- nên là điều kiện tốt để phát triển nghề nuôi tôm sạch. Để thuyết phục khách hàng tin dùng sản phẩm, tôi không chỉ chứng minh với khách hàng bằng những chứng nhận an toàn thực phẩm của ngành chức năng mà còn phát triển dịch vụ du lịch sinh thái để khách hàng trải nghiệm thực tế về quy trình nuôi tôm sinh thái của người dân quê mình... Hiện Công ty TNHH Con Tôm đạt doanh thu bình quân 100 triệu đồng/tháng, vừa góp phần giúp các hộ nuôi tôm sinh thái giữ vững nghề nuôi truyền thống, vừa giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Công ty TNHH Nông nghiệp Sinh học Hà Anh (đặt tại Vườn ươm Công nghệ Công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc) là một trong số các DN nuôi cấy nấm đông trùng hạ thảo để cung ứng cho các công ty chuyên sản xuất dược liệu. Ông Lê Tuấn Anh, Giám đốc Công ty TNHH Nông nghiệp Sinh học Hà Anh, cho biết: Công ty nuôi cấy nấm đông trùng hạ thảo để cung ứng cho một số công ty dược phẩm trong nước và xuất khẩu sang Ấn Độ, Malaysia. Hiện nay sản phẩm của công ty chủ yếu xuất khẩu thô; quy mô sản xuất còn hạn chế. Do đó, công ty đang nghiên cứu hoàn thiện quy trình nuôi cấy nấm đông trùng hạ thảo để tăng sản lượng; hướng đến phát triển các sản phẩm giá trị gia tăng để tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Đồng hành khởi nghiệp

Thời gian gần đây, nhiều địa phương ĐBSCL đã tiên phong trong phong trào phát triển doanh nghiệp (DN), đặc biệt là hỗ trợ khởi nghiệp như Đồng Tháp, Bến Tre, Vĩnh Long, TP Cần Thơ... Giai đoạn 2016-2020, tỉnh Vĩnh Long phấn đấu đến cuối năm 2020 trên địa bàn có khoảng 4.200 DN còn hoạt động. Trong đó phát triển mới 1.500 DN và có khoảng 20-25% DN sản xuất công nghiệp, nông nghiệp thuộc khu vực nông thôn theo hướng áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất... TP Cần Thơ đã xây dựng giải pháp phát triển DN đến năm 2020 theo hướng đạt về số lượng và chất lượng; phấn đấu tăng gấp đôi số doanh nghiệp hiện có và vận động chuyển đổi từ 10% số hộ kinh doanh cá thể chuyển sang hoạt động theo loại hình DN. Đồng thời, ban hành Kế hoạch số 175/KH-UBND ngày 12-12-2017 về việc Hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành phố đến năm 2020, định hướng đến năm 2025... Để kết nối phong trào khởi nghiệp tại ĐBSCL, năm 2016, VCCI xây dựng Đề án Khởi nghiệp ĐBSCL trong đó lấy TP Cần Thơ làm trung tâm triển khai các hoạt động phục vụ DN. Ngày 24-5-2017, VCCI thành lập Mạng lưới khởi nghiệp ĐBSCL (MSN). Thành viên sáng lập MSN là đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Công thương, Hiệp hội DN… 12 tỉnh, thành vùng ĐBSCL.

Trưng bày sản phẩm của các dự án vào vòng Bán kết cuộc thi Dự án Khởi nghiệp nông nghiệp do BSA tổ chức vào tháng 9-2017 tại tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: MỸ THANH
Trưng bày sản phẩm của các dự án vào vòng Bán kết cuộc thi Dự án Khởi nghiệp nông nghiệp do BSA tổ chức vào tháng 9-2017 tại tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: MỸ THANH

  Ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, chia sẻ: “Đồng Tháp đã hình thành được nhóm DN hỗ trợ đến từ TP Hồ Chí Minh và một số nơi khác, tranh thủ sự hỗ trợ của Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp Việt Nam đặt văn phòng đại diện tại Đồng Tháp để hỗ trợ các hoạt động khởi nghiệp trong sinh viên, thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ… Đồng Tháp cũng đã hình thành Câu lạc bộ DN dẫn đầu và hình thành Tổ tư vấn hỗ trợ khởi nghiệp, tổ chức chương trình “Đàn sếu khởi nghiệp”… Có thể khẳng định, Đồng Tháp là 1 tỉnh “rất máu” về khởi nghiệp và luôn xác định lãnh đạo khởi nghiệp là phải thoát khỏi tư duy nhiệm kỳ, xem đầu tư cho khởi nghiệp là đầu tư cho tương lai”.

Cùng với VCCI, Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ DN (BSA) cũng là một đơn vị đã góp phần “thổi lửa” cho phong trào khởi nghiệp ở ĐBSCL. Qua 3 Cuộc thi khởi nghiệp do BSA chủ trì, tổ chức đã tập hợp những bạn trẻ khởi nghiệp dựa vào sản phẩm địa phương khắp các vùng miền trong cả nước. Trong đó, có nhiều dự án khởi nghiệp tiêu biểu của những người trẻ ở miền Tây đã dám nghĩ-dám làm, quyết chí làm giàu trên quê hương mình bằng trí tuệ của mình. Theo bà Vũ Kim Anh, Phó Giám đốc BSA, để các dự án tham gia cuộc thi khởi nghiệp có đủ sức bước ra thế giới bên ngoài, qua mỗi mùa thi, BSA đều triển khai các chương trình tập huấn với sự tham gia của các chuyên gia nhằm chia sẻ kinh nghiệm thực tế về khởi nghiệp, cách khai thác thị trường, marketing... Ngoài ra, các DN khởi nghiệp được BSA hỗ trợ tham gia giới thiệu sản phẩm đến khách hàng ở “Phiên chợ xanh tử tế” tại TP Hồ Chí Minh; tạo điều kiện trưng bày hàng hóa tại các hội chợ thương mại,… Qua đó, giúp DN khởi nghiệp từng bước thâm nhập thị trường, tìm kiếm các cơ hội kết nối với các DN đối tác.

Hưởng ứng và tham gia vào hệ sinh thái khởi nghiệp ở ĐBSCL, nhiều tỉnh thành đã tiếp sức, dẫn dắt các dự án khởi nghiệp và xây dựng chương trình khởi nghiệp của riêng địa phương mình. Ông Châu Văn Bình, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bến Tre, cho biết: “Bến Tre phát động phong trào “Đồng khởi khởi nghiệp”, thành lập Ban Cố vấn khởi nghiệp và hằng tháng tổ chức “Bàn tròn khởi nghiệp”. Hiện tại chúng tôi thực hiện hỗ trợ các ý tưởng khởi nghiệp, tạo điều kiện để các em học sinh trải nghiệm về khởi nghiệp tại một số trường học trên địa bàn. Để nâng cao chất lượng các cuộc thi khởi nghiệp, chúng tôi mở các buổi tập huấn theo chiều rộng và chiều sâu để làm nền tảng nâng chất các dự án khởi nghiệp từ cấp huyện đến cấp tỉnh”.

Nhóm PV Kinh tế

Bài 2: Điểm nhấn đổi mới sáng tạo

Chia sẻ bài viết