01/04/2021 - 08:56

Úc muốn tự chế tạo tên lửa 

Trong bối cảnh an ninh thế giới diễn biến phức tạp, Chính phủ Úc sẽ hợp tác với Mỹ sản xuất tên lửa và vũ khí dẫn đường riêng nhằm tăng cường năng lực quân sự, chuẩn bị cho những căng thẳng lớn hơn ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Tên lửa đất đối không tầm trung hiện đại của Tập đoàn Raytheon (Mỹ). Ảnh: Financial Times

Tên lửa đất đối không tầm trung hiện đại của Tập đoàn Raytheon (Mỹ). Ảnh: Financial Times

Đây là một phần trong kế hoạch chi 186 tỉ USD cho ngân sách quốc phòng mà chính quyền Thủ tướng Scott Morrison dự kiến trong 10 năm tới, tiếp tục đầu tư vào năng lực vượt bậc để lực lượng phòng vệ có thêm lựa chọn khi đối đầu với sự gây hấn chống lại lợi ích quốc gia. Năm ngoái, Canberra đã bắt tay với Mỹ phát triển tên lửa hành trình siêu thanh để cạnh tranh cùng Nga và Trung Quốc vốn đang sản xuất loại vũ khí tương tự.

Trong dự án chế tạo tên lửa mới trị giá 712 triệu USD, Thủ tướng Morrison nhấn mạnh liên minh Mỹ - Úc vẫn là nền tảng hợp tác cơ bản với nhà thầu quốc phòng Raytheon, Lockheed Martin là những lựa chọn ưu tiên bên cạnh các tập đoàn lớn khác. “Chúng tôi sẽ tham vấn chặt chẽ với Washington trong sáng kiến ​​quan trọng này, đảm bảo nhu cầu của Canberra cũng như đòi hỏi ngày càng tăng từ một trong những đối tác quân sự quan trọng nhất của chúng tôi” - Bộ trưởng Quốc phòng Peter Dutton cho biết.

Trước mắt, Úc sẽ tập trung vào lĩnh vực sản xuất tên lửa không đối không, tên lửa phóng từ mặt đất cùng nhiều loại vũ khí dẫn đường khác để cải thiện khả năng phòng thủ trước các mối đe dọa trên biển. Theo trang Financial Times, Canberra tự tăng cường năng lực chế tạo vũ khí không chỉ mang đến hàng ngàn cơ hội việc làm trong nước, mở rộng thị phần xuất khẩu vũ khí mà còn đảm bảo duy trì hoạt động chiến đấu nếu có bất kỳ sự gián đoạn nào đối với chuỗi cung ứng toàn cầu. “Phát triển năng lực tự chủ quốc gia là điều cần thiết để giữ cho người dân Úc được an toàn” - Thủ tướng Morrison nhấn mạnh sau cảnh báo về “môi trường toàn cầu đang thay đổi”.

Theo chuyên gia phân tích quốc phòng Marcus Hellyer thuộc Viện nghiên cứu chính sách chiến lược Úc (ASPI), nhu cầu về khả năng tự cung tự cấp được phản ánh rõ từ tháng 7 năm ngoái sau khi Úc cho công bố Kế hoạch cơ cấu lực lượng và Cập nhật chiến lược quốc phòng. Với căng thẳng gia tăng trên các tuyến đường biển khu vực, chính quyền Morrison theo đó chú trọng khả năng “tấn công tầm xa” bằng cách sử dụng nhiều hơn các loại vũ khí dẫn đường, ưu tiên xây dựng mạng lưới vệ tinh do Úc điều hành bên cạnh mục tiêu mở rộng hệ thống radar giám sát khu vực phía Đông.

Giám đốc chương trình quốc phòng tại ASPI Michael Shoebridge cho biết chiến lược của Úc đầu tư ngành công nghiệp tên lửa phù hợp cách tiếp cận của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden vốn cam kết hợp tác chặt chẽ với các đồng minh về quốc phòng. Mối quan tâm này đồng thời cho thấy lo ngại của quốc gia châu Đại Dương trước sự mở rộng hiện diện của các cường quốc đang lên như Trung Quốc. Theo ông Shoebridge, chính sách “cưỡng bức kinh tế” của Bắc Kinh đối với Úc hiện nay là minh chứng cho việc họ sẵn sàng “vũ khí hóa” thương mại và chuỗi cung ứng để gây sức ép. Đặc biệt với “chủ nghĩa dân tộc vaccine” dẫn đến tình trạng khan hiếm thuốc chủng ngừa COVID-19, ông Shoebridge coi đây là cảnh báo điển hình cho “chủ nghĩa dân tộc tên lửa” trong tương lai khi các quốc gia tranh giành kiểm soát công nghệ quân sự tiên tiến.

Thương vụ vũ khí đáng chú ý của Úc trong mấy năm gần đây là hợp đồng mua 12 tàu ngầm tấn công tối tân của Pháp trị giá 40 tỉ USD nhưng hiện đã đội giá lên hơn 70 tỉ USD.

MAI QUYÊN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết