22/08/2019 - 09:33

Úc hỗ trợ Mỹ tại Eo biển Hormuz 

Hôm qua 21-8, Thủ tướng Úc Scott Morrison tuyên bố nước này sẽ tham gia sứ mệnh do Mỹ dẫn đầu bảo vệ tuyến vận tải biển qua Eo biển Hormuz.

Vì lợi ích của Úc

“Hành động gây bất ổn liên quan tới tuyến hàng hải huyết mạch ở Eo biển Hormuz trong vài tháng qua là mối đe dọa đối với lợi ích của Úc trong khu vực. Sự đóng góp của chúng tôi sẽ giới hạn về phạm vi cũng như thời gian” - Thủ tướng Morrison phát biểu tại cuộc họp báo. Ông nói khoảng 15% dầu thô và 30% dầu tinh luyện đến Úc đi qua eo biển rộng 33km này.

Theo kế hoạch, Canberra sẽ triển khai một tàu khu trục nhỏ đến Vùng Vịnh vào tháng 1-2020 và tham gia sứ mệnh trong vòng 6 tháng. Trước đó, một máy bay giám sát P-8A Poseidon sẽ được điều đến đây để tuần tra trong một tháng trước cuối năm nay. Trong vài tuần tới, các binh sĩ Úc cũng sẽ có mặt tại trung tâm điều phối hoạt động an ninh ở Bahrain- nơi đặt Bộ Chỉ huy trung tâm lực lượng Hải quân và Hạm đội 5 của Mỹ.

Động thái trên diễn ra sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper thăm xứ chuột túi hồi đầu tháng này để đề nghị Úc hỗ trợ tuần tra eo biển chiến lược ngoài khơi Iran. Sáng kiến Liên minh An ninh Hàng hải được Washington đưa ra hồi tháng 7, trong đó kêu gọi các đồng minh đưa tàu chiến tới Trung Đông để cùng tuần tra tại Eo biển Hormuz, đối phó với mối đe dọa từ Tehran. Mỹ hy vọng tập hợp được lực lượng hùng hậu đến từ nhiều nước đồng minh ở châu Âu và châu Á, nhưng đến nay mới chỉ có Anh, Úc và Bahrain đồng ý. Nhiều đồng minh của Washington lo ngại bị kéo vào cuộc xung đột với Iran, trong khi các nước châu Âu đang ra sức cứu vãn thỏa thuận hạt nhân (JCPOA) mà Cộng hòa Hồi giáo ký với các cường quốc Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp, Đức và Anh hồi năm 2015.

Mỹ muốn gia hạn lệnh cấm vận vũ khí Iran

Trước đó tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ), Ngoại trưởng Pompeo đã thúc giục cộng đồng quốc tế tăng cường hợp tác nhằm ngăn Iran “được cởi trói để gây ra cuộc hỗn loạn mới” khi lệnh cấm vận vũ khí nước này và cấm đi lại đối với chỉ huy lực lượng tinh nhuệ Quds sẽ hết hạn vào tháng 10-2020.

Lệnh trừng phạt hết hạn theo kế hoạch là một phần trong JCPOA. Nay Mỹ muốn kéo dài nó, song nhiều khả năng HĐBA LHQ không thể đưa ra bất cứ hành động nào đối với Iran. Các quốc gia châu Âu đang tìm cách cứu lấy JCPOA, trong khi Nga và Trung Quốc được cho là có thể sẽ dùng quyền phủ quyết tại HĐBA để bảo vệ Iran.

Một trực thăng cất cánh từ tàu đổ bộ tấn công USS Boxer của Hải quân Mỹ khi di chuyển qua Eo biển Hormuz.  Ảnh: Reuters

Nỗ lực trên là một phần trong chiến dịch gây “sức ép tối đa” lên Iran của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm buộc nước này hạn chế các hoạt động quân sự và chương trình hạt nhân. Đáp lại, hồi tháng 5, Tehran chính thức ngừng thực hiện một số cam kết trong JCPOA. Tình hình sau đó có nguy cơ vượt ngoài tầm kiểm soát khi xảy ra các vụ tấn công tàu, Mỹ và Iran bắn rơi máy bay không người lái của nhau và các tàu chở dầu của Anh và Iran bị bắt.

Cũng liên quan đến vấn đề dầu mỏ, trong cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình MSNBC, ông Pompeo “khoe” rằng Mỹ đã loại bỏ gần 2,7 triệu thùng dầu của Iran ra khỏi các thị trường trên toàn cầu mỗi ngày. Do vậy, vị này tin rằng Chính phủ Mỹ có thể duy trì chiến lược trên. Tháng rồi, Iran chỉ xuất khẩu được khoảng 100.000 thùng dầu thô/ngày.

Ngoại trưởng Mỹ cũng nói rõ nước này sẽ hành động trong khả năng cho phép để ngăn tàu Iran vận chuyển dầu đến Syria, vi phạm lệnh trừng phạt của Washington. “Bất cứ ai ủng hộ và cho phép nó cập cảng sẽ có nguy cơ nhận lệnh trừng phạt của Mỹ”- ông Pompeo phát biểu trước báo giới.

Lời cảnh báo trên được đưa ra trong bối cảnh các dữ liệu hàng hải cho thấy siêu tàu chở dầu Adrian Darya 1 của Iran (trước đây có tên Grace 1) đang hướng thẳng đến cảng Kalamata, Hy Lạp. Sau khi không thể tác động để chính quyền vùng lãnh thổ Gibraltar của Anh tiếp tục giữ Adrian Darya 1, Mỹ cảnh báo Hy Lạp không được giúp tàu Iran. Phương tiện này đã rời khỏi Gibraltar hôm 18-8, sau khi bị bắt và giam tại đây từ ngày 4-7 với cáo buộc chở khoảng 2 triệu thùng dầu tới Syria, vi phạm lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu.

THANH BÌNH (Theo Reuters, AFP)

Chia sẻ bài viết