26/03/2022 - 20:20

UAV tái định hình địa chính trị Trung Đông 

Trung Đông đang trải qua cơn địa chấn địa chính trị khi mà từ Syria, Libya, Yemen cho đến Iraq, máy bay không người lái (UAV) đang làm thay đổi cục diện chiến trường. Trong khi Thổ Nhĩ Kỳ và Iran mở rộng sản xuất UAV nội địa, chi phí thấp, cho phép Ankara và Tehran thúc đẩy chính sách đối ngoại bất chấp những hạn chế về kinh tế, các quốc gia Arab như Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đang nhanh chóng phát triển các phi đội UAV của riêng mình.

Cuộc cách mạng UAV

UAV Bayraktar TB2 của Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: AFP

UAV Bayraktar TB2 của Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: AFP

Nhanh nhẹn và với giá cả phải chăng, UAV không chỉ là mối đe dọa đối với các khu vực xung đột xa xôi mà còn đối với những nơi không chìm trong chiến tranh. Trong những năm 2010, UAV nổi lên là loại vũ khí giá rẻ, có khả năng gây bất ổn rất lớn. Chúng được các nước ngoài phương Tây kết hợp với khả năng tình báo, giám sát, thu thập mục tiêu, trinh sát tiên tiến và khả năng tác chiến điện tử để áp đảo hệ thống phòng không của kẻ thù.

Ví dụ, Azerbaijan từng sử dụng thành công UAV do Thổ Nhĩ Kỳ và Israel sản xuất để phá vỡ thế bế tắc trong cuộc xung đột Nagorno - Karabakh, giành lợi thế trước Armenia. Trong khi đó, lực lượng nổi dậy Houthi do Iran hậu thuẫn ở Yemen hay phong trào Hồi giáo Hezbollah ở Lebanon sử dụng UAV để thúc đẩy ảnh hưởng chính trị và chiến lược trên chiến trường. Hồi tháng 1 vừa qua, Houthi tiến hành một vụ tấn công bằng UAV vào sâu bên trong UAE để trả đũa vụ tấn công của lực lượng do Abu Dhabi hậu thuẫn nhằm vào lãnh thổ do lực lượng này kiểm soát ở Yemen. Dù vụ tấn công ít gây thiệt hại về vật chất nhưng nó đã cho thấy sức mạnh của Houthi trong chiến tranh phi đối xứng và làm suy yếu danh tiếng của UAE.

UAV và sự thay đổi cục diện tại khu vực

Thật ra, UAV không phải là cái gì đó mới mẻ ở Trung Đông. Israel lần đầu phát triển ra những chiếc UAV vào những năm 1970, trong khi Ai Cập mua phi đội UAV từ Mỹ trong những năm 1980. Trong cuộc chiến Lebanon năm 1982, Israel đã bắt đầu sử dụng UAV, còn Mỹ triển khai loại vũ khí này trong Chiến tranh Vùng Vịnh lần thứ nhất và thứ hai. Song, sự nổi lên gần đây của UAV là hệ quả trực tiếp của “Mùa xuân Arab”, khi Libya, Syria, Yemen và Iraq trở thành chiến trường của các cường quốc quốc tế và khu vực. Nói một cách đơn giản, chiến tranh bằng UAV và cuộc đua phát triển UAV đã dẫn đến sự thay đổi đối với cục diện sức mạnh quân sự sau hàng thập niên.

Viện Nghiên cứu Chính trị Quốc tế ước tính, các cường quốc Trung Đông, trừ Israel, chi ít nhất 1,5 tỉ USD cho UAV quân sự trong vòng 5 năm qua. Trong đó, Thổ Nhĩ Kỳ có lẽ là quốc gia thành công nhất tại khu vực khi sử dụng UAV, tích hợp chúng vào các hoạt động quân sự quy mô lớn để thúc đẩy tham vọng trên một loạt chiến trường chiến lược từ Syria, Libya đến Azerbaijan. Do hạn chế về mặt kinh tế, Thổ Nhĩ Kỳ chỉ “chuộng” dùng UAV nội địa trong việc theo đuổi các mục tiêu chiến lược của nước này. Lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ đã làm chủ hoạt động tác chiến trên không ở Libya, Syria và Azerbaijan bằng cách triển khai các UAV hàng đầu như Bayraktar TB2 hay TAI Anka-S, kết hợp với hệ thống tác chiến điện tử tầm xa KORAL. Chiến lược của Ankara vô hiệu hóa nhiều hệ thống phòng không, chẳng hạn như hệ thống Pantsir của Nga, cho phép UAV giành được ưu thế trên không.

Về phần mình, kể từ cuộc cách mạng Hồi giáo Iran năm 1979, Tehran tập trung xây dựng năng lực quân sự và phát triển UAV. Do liên tục bị các lệnh trừng phạt quốc tế cản trở và thiếu lực lượng không quân hiện đại sau cuộc cách mạng này, UAV giúp thúc đẩy sức mạnh không quân của Iran và các lực lượng ủy nhiệm trong khu vực, chẳng hạn như Hezbollah và Houthi. Trong nhiều thập niên, Iran không những tăng cường sản xuất UAV cho cả hoạt động giám sát và tấn công, mà còn trang bị UAV do chính nước này sản xuất cho Hezbollah, Houthi cũng như lực lượng dân quân ở Iraq, Syria và Yemen.

Các cường quốc Arab “lên tiếng”

Do các phi đội UAV của Thổ Nhĩ Kỳ và Iran làm suy yếu thế trận chiến lược của các quốc gia Arab, Saudi Arabia và UAE đang đẩy mạnh phát triển các đội UAV riêng và tăng cường khả năng chống UAV. Sở hữu kiến thức về công nghệ, nguồn tài chính mạnh mẽ cũng như có nhiều đối tác quân sự và an ninh, UAE đã xây dựng ngành công nghiệp UAV hùng hậu, mang đến cho Abu Dhabi chiều sâu chiến lược trong khu vực. Đơn cử, UAE hồi năm 2011 đã mua 5 UAV Dực Long I của Trung Quốc và sau đó đặt mua UAV Dực Long II hồi năm 2017. Ngoài ra, Abu Dhabi còn mua 500 tên lửa không đối đất Blue Arrow 7 để trang bị cho các UAV Dực Long II, được sử dụng trên chiến trường ở Libya và Yemen.

Đáng chú ý, Saudi Arabia ưu tiên đầu tư vào công nghệ và phát triển UAV thương mại, giúp Riyadh cạnh tranh với Abu Dhabi và định hình họ như là trung tâm công nghệ đang lên. Cụ thể, Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 của Saudi Arabia đang nghiên cứu thiết kế, sản xuất và vận hành UAV hạng nặng. Vụ UAV của Iran tấn công vào cơ sở chế biến dầu của Tập đoàn dầu khí Saudi Aramco hồi năm 2019 đã tiếp thêm động lực cho Saudi Arabia phát triển UAV và khả năng chống UAV. Sau nhiều năm căng thẳng địa chính trị với Thổ Nhĩ Kỳ, Riyadh thông báo muốn mua UAV vũ trang của Ankara. Saudi Arabia còn hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất UAV Karayel-SU và UAV SkyGuard.

Israel vốn đi đầu trong ngành công nghiệp UAV từ những năm 1980 trở thành nhà xuất khẩu UAV lớn nhất thế giới, cung cấp UAV cho các nước Azerbaijan, Anh, Pháp, Đức, Ba Lan, Hà Lan, Tây Ban Nha và Ấn Độ. Lo ngại trước sức mạnh về UAV của Thổ Nhĩ Kỳ và Iran, UAE và Israel đã hợp tác phát triển các phi đội UAV. Theo đó, Tập đoàn sản xuất vũ khí EDGE của UAE và Công ty Hàng không Vũ trụ Israel đã cam kết hợp tác phát triển hệ thống chống UAV tự động hoàn toàn, với sự hỗ trợ của “3D radar, công nghệ thông tin liên lạc và quang học điện tử”. Sau khi ký Hiệp ước Abraham, UAE và Israel hiện xây dựng liên minh công nghệ với sự kết hợp giữa vị trí dẫn đầu của Israel trong công nghệ UAV và chống UAV với năng lực tài chính của UAE.

TRÍ VĂN (Theo MEI)

Chia sẻ bài viết