23/10/2018 - 22:00

Tương lai quan hệ Mỹ- Nga-Trung “hậu” INF 

Giới phân tích cảnh báo rạn nứt trong quan hệ Nga-Mỹ xung quanh tương lai hiệp ước hạt nhân có thể kéo hai nước vào cuộc chạy đua vũ trang mới với những hiểm họa khó lường.

Hôm 21-10, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết Washington sẽ rút khỏi Hiệp ước lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) với Nga sau cáo buộc Mát-xcơ-va vi phạm thỏa thuận trong nhiều năm. Theo ý ông Trump, Mỹ sẽ tăng cường phát triển lực lượng hạt nhân và chỉ xem xét tái tham gia hiệp ước nếu Nga, Trung Quốc hạn chế kho vũ khí của họ. “Nga chưa tôn trọng thỏa thuận…Tôi sẽ chấm dứt thỏa thuận và chúng ta tiếp tục phát triển kho vũ khí hạt nhân cho đến khi họ thức tỉnh. Khi họ suy nghĩ khôn ngoan và hành động hợp lý hơn, chúng ta sẽ dừng lại” – ông Trump nhắc lại hôm 22-10.

Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Bolton (trái) và Thư ký Hội đồng An ninh Nga Patrushev hôm 22-10. Ảnh: TASS

Đáp lại, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Nga hết sức quan ngại về kế hoạch của Tổng thống Trump mà nước này ví như “đòn giáng mạnh” đối với an ninh toàn cầu. Hội đồng An ninh Quốc gia Nga bày tỏ sẵn sàng làm việc với Washington để cứu vãn INF. Song, Mát-xcơ-va cũng cảnh báo sẽ có hành động thiết thực khôi phục cán cân quân sự với Mỹ nếu người đứng đầu Nhà Trắng kiên quyết rút lui và bắt đầu phát triển tên lửa mới.

Phát biểu sau cuộc họp với Thư ký Hội đồng An ninh Nga Nikolai Patrushev và Ngoại trưởng nước này Sergei Lavrov tại Mát-xcơ-va, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton nói rõ chính quyền Trump chưa đưa ra quyết định về việc triển khai tên lửa ở châu Âu nhắm vào Nga trong trường hợp INF đổ vỡ. Ông cũng bác bỏ cáo buộc của Mát-xcơ-va rằng Washington đánh tiếng rút khỏi INF là nhằm đe dọa Nga. 

INF và yếu tố Trung Quốc

Theo giới phân tích, chấm dứt INF không chỉ có ý nghĩa quan trọng trong chính sách đối ngoại của Mỹ với Nga mà còn trên toàn thế giới. INF được ký vào tháng 12-1987 giữa Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và Tổng Bí thư Liên Xô Mikhail Gorbachev. Thỏa thuận này là chìa khóa dẫn tới kết thúc Chiến tranh Lạnh và được Liên minh châu Âu (EU) coi là “trụ cột” cho kiến trúc an ninh khi góp phần ngăn chặn chiến tranh hạt nhân trong khu vực. Tuy nhiên, theo quan điểm của cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, thỏa thuận song phương như INF không còn phù hợp bối cảnh hiện nay khi nhiều quốc gia đang phát triển tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo tầm trung do không bị ràng buộc bởi hiệp ước.

Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga Konstantin Kosachev cũng cho rằng INF phải là hiệp ước tổng thể và bao gồm cả các nước khác ngoài Nga và Mỹ. Ông Kosachev nhấn mạnh nhiều quốc gia khác cũng có tên lửa tầm ngắn và tầm trung như Trung Quốc, Anh, Pháp, Ấn Độ, Pakistan, Triều Tiên và Israel.

Trước đó, Trung Quốc đã lên án ý định đơn phương rút khỏi INF của Tổng thống Mỹ là một sai lầm. Đáp lại, ông Trump lưu ý INF nên suy xét đến Trung Quốc, nước không ký kết hiệp định và có thể phát triển tên lửa đạn đạo mà không bị hạn chế. Theo quy định, sẽ có thời gian 6 tháng để hoàn tất các thủ tục nếu một bên đơn phương rút khỏi hiệp ước. Trong thời gian này, Nga và Mỹ có thể đàm phán thỏa thuận vũ khí quy mô lớn hơn hoặc xây dựng thỏa thuận đa phương liên quan đến Trung Quốc hoặc những nước sở hữu vũ khí hạt nhân. Trường hợp thỏa thuận đổ vỡ, Washington cũng không nhất thiết triển khai tên lửa tầm trung trên khắp châu Á và châu Âu. Tuy nhiên, Mỹ có thể quan tâm đến việc sử dụng tên lửa này chống lại mối đe dọa mới từ Bắc Kinh. 

Kế hoạch rút khỏi INF bị các chuyên gia hạt nhân Mỹ chỉ trích là sai lầm khi nhiều người nói rằng nó sẽ mang lại lợi ích cho Nga nhiều hơn bởi sẽ không có đồng minh châu Âu nào sẵn sàng chấp nhận tên lửa hành trình hay vũ khí hạt nhân của Washington đặt trên đất họ. Vấn đề này cũng tương tự ở khu vực Thái Bình Dương, nơi tên lửa Trung Quốc được cho là nhân tố chính thúc đẩy chính quyền Trump chấm dứt INF.

MAI QUYÊN (Theo Guardian, ABC News)

Chia sẻ bài viết