27/07/2018 - 21:47

Tướng Iran “thách thức” Tổng thống Mỹ 

Hôm 26-7, chỉ huy đơn vị đặc nhiệm Quds thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) Qassem Suleimani mô tả những đe dọa của Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với Tổng thống Iran Hassan Rouhani là “ngôn ngữ trong hộp đêm”.

 Ông Suleimani (giữa) dự họp cùng các tướng lĩnh quân đội Iran. Ảnh: NBC

Hãng thông tấn bán chính thức Tasnim dẫn lời Thiếu tướng Suleimani cho rằng chủ nhân Nhà Trắng nên trực tiếp đối đầu với ông, thay vì Tổng thống Rouhani. Vị này còn cảnh báo rằng “phát động cuộc chiến với Iran sẽ hủy diệt tất cả những gì Mỹ có”.

Số là cuối tuần qua, ông Trump “nhắn nhủ” trên Twitter rằng nhà lãnh đạo Iran “sẽ lãnh những hậu quả chưa từng trải qua trong lịch sử” nếu đe dọa nước Mỹ một lần nữa. Lời đáp trả này được đưa ra chỉ vài giờ sau bài phát biểu của ông Rouhani, trong đó cảnh báo các chính sách thù địch của Washington có thể dẫn đến “mẹ của các loại chiến tranh”.

Trong khi khả năng xảy ra chiến tranh giữa Iran và Mỹ được xem là cực kỳ thấp, giới phân tích chính trị lo ngại khẩu chiến leo thang có thể dẫn đến những chuyện nghiêm trọng hơn. “Tướng Suleimani sẽ kêu gọi Tổng thống Trump xem lại lời lẽ của ông ấy, nhắc chủ nhân Nhà Trắng rằng Iran có quyền lực trên khắp khu vực Trung Đông lẫn khả năng phát động cuộc chiến bất đối xứng. Đây là đe dọa ngầm đối với các cơ sở vật chất của Mỹ tại vùng đất này”- Cliff Kupchan, chủ tịch tổ chức tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group, nhận định. Các chỉ huy của IRGC dọa sẽ “xóa sổ” các căn cứ quân sự của Mỹ trên khắp Trung Đông và nhắm vào Israel chỉ trong vòng vài phút sau khi bị tấn công.

Phát biểu và hành động của ông Suleimani được theo dõi chặt chẽ bởi vị tướng 61 tuổi này được coi là một trong những nhân vật quân sự tài ba nhất của Iran, chịu trách nhiệm thu thập thông tin tình báo và các hoạt động quân sự bí mật của Cộng hòa Hồi giáo. Không chỉ nhận được sự hậu thuẫn cá nhân của lãnh tụ tối cao Ali Khamenei, Tướng Suleimani còn được xem là chiến lược gia hàng đầu đứng sau các hoạt động quân sự và ảnh hưởng của nước này tại Syria, Iraq và những nơi khác trong và ngoài khu vực.

Quan hệ Mỹ- Iran trắc trở, đặc biệt sau khi Tổng thống Trump rút Washington ra khỏi Kế hoạch Hành động toàn diện chung (JCPOA) giữa Iran và nhóm P5+1 (Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) hồi tháng 5 vì cho rằng nó “khiếm khuyết từ trong cốt lõi”, bất chấp phản đối của các đồng minh châu Âu. Đáp lại, Tehran tuyên bố sẵn sàng nối lại hoạt động làm giàu uranium ở mức công nghiệp nếu thỏa thuận trên đổ vỡ.

Tổng thống Mỹ cũng khôi phục các lệnh trừng phạt kinh tế với Iran hòng buộc nước này từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân và ngừng hậu thuẫn các nhóm vũ trang ở Trung Đông. Gần đây, Washington còn muốn tất cả các nước ngừng mua dầu của Iran kể từ đầu tháng 11 tới, khiến Tehran giận dữ và dọa phong tỏa Eo biển Hormuz, nơi 1/5 lượng dầu thô của thế giới đi qua. 

Úc phủ nhận chuyện tiếp sức Mỹ

Hôm qua, Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull lên tiếng bác bỏ thông tin cho rằng nước này sẽ sử dụng các căn cứ quốc phòng bí mật để hỗ trợ Mỹ tấn công cơ sở hạt nhân của Iran. Nhà lãnh đạo xứ chuột túi khẳng định ông “không có lý do gì” để tin là sắp xảy ra một cuộc tấn công như thế.

Trước đó, hãng tin ABC  dẫn các nguồn tin trong Chính phủ Úc cho biết Washington “chuẩn bị dội bom các cơ sở hạt nhân của Tehran, có thể là trong tháng tới”. Úc là một phần trong UKUSA, thỏa thuận hợp tác tình báo đa phương với Mỹ, Canada, New Zealand và Anh (còn gọi là thỏa thuận Năm Mắt, “Five Eyes”). Trong đó, căn cứ phòng thủ liên hợp bí mật Pine Gap của Úc được cho đóng vai trò quyết định trong việc hỗ trợ các vệ tinh do thám của Mỹ.

 

THANH BÌNH (Theo NY Times, Reuters)

Chia sẻ bài viết