14/10/2010 - 14:18

Đọc “Những chuyển điệu”

Tuổi trẻ trải nghiệm và chấp nhận thử thách để trưởng thành

Tiểu thuyết “Những chuyển điệu” đoạt giải tư giải thưởng “Văn học tuổi 20” lần thứ tư, năm 2010, do Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh, Báo Tuổi Trẻ và NXB Trẻ phối hợp tổ chức. Nguyễn Thiên Ngân, tác giả của tác phẩm này, là một cô gái 22 tuổi - cũng là người trẻ nhất đoạt giải.

“Những chuyển điệu” khắc họa cuộc sống và thế giới nội tâm của hai nhân vật vừa bước qua tuổi 20: Uyên và Vĩ. Một nam một nữ thân thiết chia nhau một căn hộ - với “nền tảng tốt cho mối quan hệ sống cùng nhà dài lâu, bằng những nguyên tắc đơn giản nhưng hợp lý”. Thí dụ như “phòng khách là nơi chúng tôi giao tiếp. Thỉnh thoảng đứa này có qua phòng đứa kia, nhưng chỉ khi được mời hoặc được sự đồng ý của chủ phòng” (trang 21). Cả hai đều mang những nét tính cách đặc trưng của giới trẻ đô thị ngày nay. Cách nhìn cuộc sống của Uyên và Vĩ cũng đa dạng, phức tạp nhưng họ chọn cách sống dứt khoát, rạch ròi. Uyên phóng khoáng, đôi khi phóng túng trong học hành và công việc. Vĩ thì sống khuôn phép và lý trí, chấp nhận những nguyên tắc. Trong tình cảm, cách nhìn của cả hai lại trái ngược: Uyên bảo thủ và tôn trọng những giá trị truyền thống, trong khi Vĩ theo bản năng bất chấp hậu quả...

Câu chuyện được viết bằng bút pháp lãng mạn, nhẹ nhàng. Hai người trẻ sa vào những chuyện tình cờ đầy trớ trêu. Tình cờ gặp nhau ở Đà Lạt trong bẽ bàng. Uyên quyết định từ bỏ vị trí đáng mơ ước tại một công ty đa quốc gia để trốn lên Đà Lạt sáng tác bởi “ai cũng có cả đời để làm việc, trong khi chỉ một lần trải qua tuổi 23”. Một lý do khác để Uyên đến Đà Lạt là cô muốn dùng thời gian và sự xa cách để thử thách tình cảm của mình dành cho Long - một chàng trai ngoài 30, là chủ một quán bar tại khu phố Tây. Còn Vĩ có một cuộc hẹn điên rồ cùng T. - một cô gái trẻ đẹp đã có chồng, người Hungary. Uyên tình cờ gặp Joyce, người yêu cũ của Long và hiểu rõ rằng trái tim anh sẽ không mở ra lần nữa đến đón nhận Uyên. Còn Vĩ nhận ra T. không yêu cậu, mà chỉ chia sẻ với Vĩ những thứ mà người chồng Hungary không thể cho cô.

“Những chuyển điệu” bộc lộ nỗi buồn, sự cô đơn và những bất an của người trẻ tuổi. Nhưng người đọc vẫn cảm nhận và thông cảm những sai lầm bởi sự can đảm và tinh thần chấp nhận thử thách của họ. Như lời Uyên cuối sách: “Tôi chưa từng thực sự có Tùng, cũng như Vĩ chưa từng thực sự có T. Nhưng chúng tôi có những khoảnh khắc không bao giờ quên được trong đời. Tôi muốn học cách biết giữ gìn chúng nguyên vẹn. Tôi cho rằng sự níu kéo và dằn vặt là một biểu hiện của việc chúng tôi đang dần quên đi điều mình đã có... Vài mươi năm sau nữa, có thể tất cả những gì tôi nhớ về tuổi trẻ chỉ là cái buổi chiều hôm nay, khi tôi và Vĩ ngồi bên nhau, cùng nhau chịu đựng nỗi đau đớn khôn kham này và biết rồi năm mười năm nữa thôi, chắc mình sẽ khác nhau nhiều lắm” (trang 168).

XUÂN VIÊN

Chia sẻ bài viết