Một nghiên cứu công bố hôm 7-10 cho thấy nhân loại đang chạm đến giới hạn trên của tuổi thọ trung bình.
Hong Kong dẫn đầu thế giới về tuổi thọ người dân. Ảnh: Jelly Tse
Trong phần lớn thế kỷ 20, tuổi thọ trung bình của con người đã tăng khoảng 3 năm mỗi thập niên ở các quốc gia có thu nhập cao, nhờ những tiến bộ về y học và sức khỏe cộng đồng.
Để kiểm tra xem sự gia tăng có tiếp tục trong thế kỷ này hay không, nhóm nghiên cứu do Jay Olshansky, giáo sư dịch tễ học tại Đại học Illinois (Mỹ), dẫn đầu đã phân tích dữ liệu từ mỗi nhóm dân số trong giai đoạn 1990-2019.
Nhóm nghiên cứu phát hiện rằng Hong Kong (Trung Quốc) là một “trường hợp ngoại lệ về tuổi thọ”, với 12,8% phụ nữ và 4,4% nam giới sinh năm 2019 dự kiến sẽ sống đến 100 tuổi. Con số này so với xác suất trung bình là 5,1% phụ nữ và 1,8% nam giới đạt đến độ tuổi đó trong 10 nhóm dân số được khảo sát. Trong 10 nhóm này có 8 quốc gia/vùng lãnh thổ với dân số sống thọ nhất là Úc, Pháp, Hong Kong, Ý, Nhật Bản, Hàn Quốc, Tây Ban Nha và Thụy Sĩ.
“Phân tích của chúng tôi cho thấy tỷ lệ sống đến 100 tuổi không có khả năng vượt quá 15% ở phụ nữ và 5% ở nam giới. Trừ khi quá trình lão hóa sinh học có thể chậm lại đáng kể, việc kéo dài tuổi thọ con người một cách triệt để là điều không thể trong thế kỷ này. Ở mọi nhóm dân số, gồm cả Hong Kong, tốc độ thay đổi tuổi thọ trong thập niên gần đây nhất đều chậm hơn so với thập niên cuối của thế kỷ 20”, nhóm nghiên cứu viết trên tạp chí Nature Aging.
Hong Kong là một trong hai nơi duy nhất, còn lại là Hàn Quốc, tiếp tục chứng kiến tuổi thọ trung bình tăng thêm 3 năm mỗi thập niên trong giai đoạn nghiên cứu. Theo các tác giả, Hong Kong đạt được điều này chủ yếu là do sự thịnh vượng kinh tế và kiểm soát thuốc lá.
Vào năm 2019, chỉ hơn 2% dân số Mỹ sống đến 100 tuổi, so với khoảng 5% ở Nhật Bản và 9% ở Hong Kong. Có khả năng số người sống thọ 100 tuổi sẽ tăng lên trong những thập niên tới, nhưng đó là do dân số gia tăng. Ông Jimmy Carter đã trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên sống tới 100 tuổi hồi tuần rồi.
Qua nghiên cứu, tác giả Jay Olshansky đề nghị tuổi thọ khỏe mạnh nên là thước đo chính của thành công. Thay vì cố gắng kéo dài tuổi thọ, những tiến bộ y học nên tập trung vào việc giúp con người sống khỏe mạnh trong thời gian lâu hơn. “Phần lớn những người sống đến hơn 60 tuổi là đang sống trong thời gian được tạo ra bởi công nghệ y tế. Khi tuổi thọ trung bình tăng lên đến 80 tuổi, lão hóa trở thành yếu tố rủi ro chính”, ông Olshansky nói.
Mặc dù nhờ tiến bộ y tế giúp giảm bớt các bệnh tật, nhưng con người cuối cùng vẫn phải đối mặt với những rủi ro khác, chẳng hạn như suy giảm chức năng não, mất khối lượng cơ và mật độ xương hoặc các vấn đề về cột sống.
Trong một kịch bản giả định mà tuổi thọ trung bình đạt tới 110, các tác giả ước tính rằng 1 trong 4 phụ nữ sẽ sống đến ít nhất 122 tuổi. Chỉ có một người trong lịch sử được ghi nhận sống lâu như vậy là cụ bà người Pháp Jeanne Calment, qua đời năm 1997 khi được 122 tuổi 164 ngày.
HẠNH NGUYÊN (Theo SCMP, AP)