19/12/2014 - 13:55

Tua-bin thủy triều – cuộc cách mạng năng lượng tái tạo ở Anh

Dù chỉ mới ở giai đoạn đầu, nhưng dự án lắp đặt tua-bin thủy triều tại vùng biển Scotland đang tạo cơ hội để Anh mở rộng tiềm năng sản xuất và dẫn đầu trong cuộc cách mạng năng lượng tái tạo.

Trên phương diện thời tiết, Vương quốc Anh không thuận lợi để phát triển và khai thác năng lượng Mặt Trời (do ít nắng), trong khi địa hình thì không lý tưởng để xây dựng các trang trại điện gió và không có những con sông lớn để khai thác thủy điện. Tuy nhiên, đảo quốc sương mù với đường bờ biển dài cùng dòng hải lưu chảy xiết lại có thế mạnh tạo ra một nguồn năng lượng khổng lồ từ tua-bin đặt dưới đáy biển.

Theo CNN, do nước biển nặng hơn không khí 832 lần nên các tua-bin dưới nước mặc dù được thiết kế nhỏ hơn nhưng có thể sản xuất lượng điện tương đương tua-bin gió. Mặt khác, các tua-bin có thể được đặt gần nhau dưới đáy biển, do đó chiếm ít diện tích hơn so với một trang trại phong điện trên đất liền. Đặc biệt, ưu điểm lớn nhất của tua-bin thủy triều là không bị hạn chế bởi điều kiện thời tiết. Chẳng hạn, trong khi các nguồn năng lượng tái tạo khác như gió, sóng biển, ánh nắng Mặt Trời hay thủy điện hầu như phụ thuộc vào sự thay đổi của mùa và khí hậu thì tua-bin thủy triều đặt dưới biển không bao giờ ngừng hoạt động bởi dòng thủy triều thay đổi đều đặn 2 lần mỗi ngày.

Một tua-bin được hạ thủy tại vùng biển Pentland Firth (ảnh trái) và mô hình đồ họa trang trại tua-bin thủy triều. Ảnh: MeyGen/Atlantis Resources

Thấy được tiềm năng này, các công ty năng lượng ở Scotland và xứ Wales đã bắt tay thực hiện các dự án khai thác nguồn năng lượng vô tận dưới biển. Điển hình là dự án MeyGen do chính phủ Scotland tài trợ, trong đó lắp đặt thử nghiệm các hệ thống tua-bin thủy triều tại khu vực biển có dòng nước chảy xiết Pentland Firth ở phía Bắc Scotland. Công ty MeyGen dự kiến sẽ hoàn tất việc lắp lặt các tua-bin thủy triều nằm trong dự án có vốn đầu tư 82 triệu USD này vào năm 2016. Theo Dan Pearson – Giám đốc điều hành MeyGen – các tua-bin được bố trí cách bờ biển 1,5 km, mỗi tua-bin được cố định bởi các bệ kim loại và đặt cách nhau 160 m. Do các tua-bin đặt ở độ sâu 40 m so với mực nước biển, nên khoảng trống tối thiểu giữa chúng với mặt nước là 8m, bảo đảm an toàn cho tàu thuyền qua lại. Tuy nhỏ, nhưng tua-bin của MeyGen có công suất lên tới hơn 1 megawatt điện mỗi năm. Với kế hoạch xây dựng hàng trăm tuabin tương tự, MeyGen hy vọng lượng điện sinh ra đủ đáp ứng nhu cầu của khoảng 175.000 hộ gia đình.

Phát biểu với tờ Daily Mail, Giám đốc Pearson cho biết nước Anh đang đứng trước cơ hội tốt để phát triển và sản xuất tua-bin thủy triều, đáp ứng nhu cầu năng lượng toàn cầu trong tương lai. Công ty ước tính dự án tua-bin thủy triều ở Pentland Firth khi đi vào khai thác thương mại có thể đạt công suất 398 megawatt/năm, đủ cung cấp điện sinh hoạt cho 400.000 hộ gia đình ở Scotland kể từ năm 2020 trở đi. Trong 20 năm tiếp theo, MeyGen có kế hoạch tiếp tục lắp đặt thêm 1.000 tuabin thủy triều, nhắm tới mục tiêu tạo ra từ 1,2-1,6 gigawatt điện (tương đương công suất của 2 nhà máy điện hạt nhân cỡ trung bình), đủ đáp ứng nhu cầu điện cho hơn một triệu hộ dân.

ĐƯỜNG THẤT (Theo CNN, IB Times, Daily Mail)

Chia sẻ bài viết