14/02/2021 - 15:00

Tự hào “Mỗi xã một sản phẩm” 

Cần Thơ không chỉ có “gạo trắng, nước trong” mà còn có những ao nuôi bạt ngàn cá tôm, những vùng trồng rau, cây ăn trái sum suê, với nhiều loại trái ngon, quả ngọt. Từ sản vật địa phương, với sự sáng tạo tuyệt vời của bà con nơi đây đã tạo ra những sản phẩm đặc trưng được ưa chuộng. Với bệ phóng là Chương trình Mỗi xã một sản phẩm - One commune one product (OCOP), Cần Thơ đã có những sản phẩm OCOP xếp hạng 3 sao, 4 sao và thị trường ngày càng mở rộng.

Sáng tạo từ tài nguyên bản địa

Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè giấy  trao chứng nhận của UBND TP Cần Thơ cho các chủ thể có sản phẩm OCOP đạt hạng 4 sao trong năm 2020.

Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè giấy  trao chứng nhận của UBND TP Cần Thơ cho các chủ thể có sản phẩm OCOP đạt hạng 4 sao trong năm 2020.

Sản phẩm Trà mãng cầu Kim Nhiên có thiết kế bao bì bắt mắt và có in khá to chữ OCOP gắn với hình ảnh 4 ngôi sao nằm liền kề nhau như một lời giới thiệu với khách hàng đây là sản phẩm OCOP đạt hạng 4 sao, ở xã Nông thôn mới nâng cao Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ. Chị Nguyễn Kim Nhiên, Giám đốc Công ty TNHH Chế biến nông sản Kim Nhiên, ở xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ, tự hào cho biết: “Đây là loại trà được công ty nghiên cứu, phát triển chế biến từ trái mãng cầu xiêm tươi được trồng tại xã Thới Hưng. Khi nghiên cứu và phát triển sản phẩm này, chúng tôi mong muốn tạo ra một sản phẩm đặc trưng, đặc sản tại địa phương, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và mang lại những giá trị tích cực cho người tiêu dùng. Quan trọng là góp phần giúp nông dân ổn định đầu ra nông sản và nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm”.

Câu chuyện của chúng tôi bên tách trà mãng cầu xiêm nóng hổi, tỏa hương thơm và vị ngọt thoang thoảng thêm ý vị theo những lời tâm tình của chị Kim Nhiên: “Trái mãng cầu chúng tôi chọn làm trà là những trái già vừa đủ, chỉ chín ở khoảng 5 độ, khi đó tính a-xít và lượng vitamin C còn chưa cao nên trà hoàn toàn có vị ngọt thanh tự nhiên. Vì vậy khi uống trà, khách sẽ cảm nhận được mùi thơm đặc trưng và hương vị thanh tao của trái mãng cầu, chứ không có vị chua như khi ăn quả chín. Cách chọn nguyên liệu như vậy cũng mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe của người dùng trà hơn”.

Có lẽ nhờ sự tinh tế và chu đáo chăm sóc cho khẩu vị của khách hàng mà qua 4 năm hình thành và phát triển, sản phẩm Trà mãng cầu Kim Nhiên ngày càng được ưa chuộng và mở rộng thị trường. Công ty TNHH Chế biến nông sản Kim Nhiên đã xây dựng được vùng nguyên liệu khoảng 50ha, với sản lượng trái mãng cầu ước đạt 500.000 tấn/năm và sản xuất trung bình 130 tấn trà/năm.

Mắm cá tra được bày bán tại Cơ sở sản xuất mắm và khô cá tra Út Anh ở phường Tân Lộc.

Mắm cá tra được bày bán tại Cơ sở sản xuất mắm và khô cá tra Út Anh ở phường Tân Lộc.

Mắm là món ngon đặc sản bao đời của miền Tây, còn cá tra là con cá “tỉ đô” của đồng bằng. Nhưng chưa có ai nghĩ ra việc đem con cá tra đi làm mắm cho tới khi ông Chương Văn Khanh tại phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt làm mắm cá tra đem bán. Mắm cá tra của ông Khanh ngon, chinh phục được “cái lưỡi” của cả những thực khách sành mắm miền châu thổ nên bán được khắp nơi. Mắm cá tra của Cơ sở sản xuất mắm và khô cá tra Út Anh do ông Chương Văn Khanh làm chủ cũng là sản phẩm OCOP đạt chứng nhận hạng 4 sao với chất lượng sản phẩm và bao bì nhãn hiệu đạt chuẩn.

Cơ duyên của ông Khanh với món mắm cá tra nghe qua cũng rất “thời sự”: Năm đó tình hình xuất khẩu khó khăn, con cá tra rớt giá, cá tới lứa không bán được, gia đình ông Khanh đã nghĩ cách làm mắm cá tra để giải quyết đầu ra và nâng cao giá trị sản phẩm. Hiện tại, Cơ sở Út Anh đã phát triển thêm 1 sản phẩm OCOP hạng 4 sao là khô cá tra một nắng và 2 sản phẩm OCOP hạng 3 sao là khô cá tra tẩm ướp và nước mắm cá linh. Cơ sở tạo việc làm thường xuyên cho 10-20 lao động, tiêu thụ hơn 100 tấn cá tra nguyên liệu/năm.

Ông Khanh chia sẻ: “Mắm cá tra thơm ngon, dễ chế biến, có ưu điểm không có xương nên được ưa chuộng. Sản phẩm mắm cá tra của gia đình tôi sở dĩ được nhiều người biết đến và tiêu thụ rộng rãi là nhờ được chính quyền địa phương hướng dẫn, giúp đỡ đăng ký nhãn hiệu, thiết kế bao bì, quảng bá và định hướng phát triển thị trường trong cả nước. Bây giờ khách du dịch có dịp về cù lao Tân Lộc cũng tìm đến tận cơ sở của tôi để mua hàng”. 

Thắp lên những “đốm lửa” OCOP

Cần Thơ đã phát triển được 19 sản phẩm OCOP, gồm 5 sản phẩm 4 sao và 14 sản phẩm 3 sao của các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, hộ dân và hợp tác xã. Quận Thốt Nốt dẫn đầu với 10 sản phẩm OCOP, trong đó có 3 sản phẩm đạt 4 sao gồm mắm cá tra, rượu mận và khô cá tra 1 nắng, 7 sản phẩm đạt hạng 3 sao là bánh tráng dừa, bánh tráng ngọt, khô cá tra tẩm ướp, nước mắm cá linh, nước ổi lên men, gạo tím và nhãn Ido. Quận Ninh Kiều có 1 sản phẩm OCOP đạt hạng 4 sao là sản phẩm tranh gạo và 7 sản phẩm đạt hạng 3 sao gồm bột đậu nành, bột đậu đen xanh lòng, bột 5 thứ đậu, bột gạo lứt đậu đỏ, bột gạo lứt mè đen, sữa thảo mộc và hủ tiếu. Huyện Cờ  Đỏ có 1 sản phẩm OCOP đạt hạng 4 sao là trà mãng cầu.

Bà Nguyễn Thị Mãi, Phó Trưởng Phòng Kinh tế quận Thốt Nốt, cho biết: “Chương trình OCOP thiết thực và hiệu quả trong việc phát triển các sản phẩm đặc trưng, lợi thế của địa phương. Các chủ thể có sản phẩm tham gia Chương trình được hướng dẫn, hỗ trợ cải tiến bao bì, mẫu mã và chất lượng sản phẩm cùng các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại. Vì vậy, việc tiêu thụ sản phẩm thuận lợi rất nhiều, doanh số bán hàng của nhiều cơ sở có sản phẩm đạt chứng nhận OCOP đã tăng từ 2-3 lần so với trước. Tới đây quận tiếp tục rà soát các sản phẩm có tiềm năng, hướng dẫn các chủ thể phát triển thêm nhiều sản phẩm OCOP”.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, trong giai đoạn 2021-2025, thành phố xác định Chương trình OCOP tiếp tục là một chương trình phát triển kinh tế quan trọng gắn với khai thác các lợi thế về tài nguyên, văn hóa và tri thức bản địa, thúc đẩy các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh theo hướng gia tăng lợi ích cho cộng đồng, tạo nên các sản phẩm độc đáo, là niềm tự hào của cộng đồng. Từ đó, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội._

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết