Thật khó mà xác định mục đích của việc thiết lập Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông mà Trung Quốc ban hành cuối tuần qua là gì, để tăng áp lực đối với Nhật Bản trong vấn đề tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hay để nâng cao vị thế chính trị của các nhà lãnh đạo Trung Quốc ở trong nước? Nhưng cho dù là lý do gì thì việc tạo ra ADIZ lúc này có lẽ sẽ khiến Bắc Kinh phải hối tiếc về sau, theo hãng tin Mỹ CNN.
Trước hết, động thái trên gây hiềm khích không cần thiết với Đài Loan và Hàn Quốc. Nó tạo ra một vết hằn lên mối quan hệ xuyên eo biển vốn khá ổn định gần đây, bởi Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền đối với Senkaku (mà họ gọi là Điếu Ngư Đài) và giờ đây họ có ADIZ chồng lấn với đại lục. Việc ban hành ADIZ càng bất ngờ hơn trong bối cảnh quan hệ Trung-Hàn đang ấm dần lên. Những hiềm khích lịch sử giữa Hàn Quốc và Nhật Bản trở nên trầm trọng những tháng gần đây và Bắc Kinh đã "châm dầu vào lửa" hiệu quả khi ủng hộ kế hoạch xây tượng đài Ahn Jung-Guen - người đã bắn chết Toàn quyền Nhật Hirobumi Ito trên bán đảo Triều Tiên- tại thành phố Cáp Nhĩ Tân. Nhưng ADIZ mới của Trung Quốc lại chồng lấn với vùng nhận diện phòng không của Hàn Quốc, bao phủ dải đá ngầm Socotra Rock đang tranh chấp (cả hai đều cho rằng nó nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của mình) và có thể mở rộng đến gần đảo Jeju, nơi Seoul đang xây dựng một căn cứ quân sự quan trọng. Vô tình, Bắc Kinh nhắc nhở Seoul rằng Hàn Quốc cũng có nhiều điểm chung với Nhật Bản hơn là họ nghĩ.
Thứ hai, thay vì thận trọng tránh bị kẹt ở giữa cuộc tranh chấp chủ quyền Trung-Nhật, Mỹ rõ ràng coi ADIZ của Trung Quốc như một thách thức đối với sự ủng hộ của Washington dành cho Nhật và khả năng tự do hoạt động của Mỹ trong không phận phía trên biển Hoa Đông.
Ngoại trưởng John Kerry và Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel đã đồng loạt đưa ra những tuyên bố cứng rắn chỉ trích ADIZ là "hành động đơn phương", "làm mất ổn định" và "leo thang căng thẳng" trong khu vực. Ông Hagel còn khẳng định ADIZ tự nhận của Trung Quốc sẽ không làm thay đổi hoạt động quân sự của Mỹ trong khu vực và tái xác nhận Washington sẽ bảo vệ đồng minh Tokyo nếu xảy ra xung đột vì vấn đề tranh chấp Nhật-Trung đối với quần đảo này nằm trong Hiệp ước hợp tác an ninh Mỹ-Nhật. Như để khẳng định quan điểm của mình, Washington đã có hành động thách thức ADIZ khi điều 2 máy bay ném bom B-52 bay qua không phận Senkaku/Điếu Ngư tối 25-11 mà không báo trước. Bắc Kinh có lẽ sẽ có thêm lý do để lo lắng khi ADIZ có thể khiến Mỹ thay đổi vị trí trung lập trong tranh chấp chủ quyền Trung-Nhật.
Về phía Nhật Bản, ngoài kịch liệt phủ nhận ADIZ, chính phủ cho biết họ sẽ có hành động nhằm kiềm chế sự leo thang của Trung Quốc. Theo phát ngôn viên chính phủ, ông Yoshihida Suga, Tokyo lâu nay lưỡng lự với ý tưởng đưa quan chức đến quần đảo tranh chấp để quản lý - cách để củng cố tuyên bố chủ quyền của mình. Có lẽ đây là thời điểm thích hợp để Thủ tướng Shinzo Abe và các cố vấn xem xét vấn đề này. Điều đó cho thấy hành động của Trung Quốc rõ ràng đã buộc Tokyo có hành động đáp trả chứ không phải e ngại mà ngồi yên. Liên quan đến việc chấp hành ADIZ, hai hãng hàng không Nhật Bản Japan Airlines và ANA Holdings ngày 27-11 cho biết họ đã ngưng báo lịch bay cho phía Trung Quốc - theo yêu cầu của chính phủ Nhật. Hiệp hội công nghiệp hàng không Nhật Bản cũng khẳng định các máy bay Nhật đã bay qua ADIZ mà không gặp bất cứ trở ngại nào.
Tất cả những điều nói trên cho thấy ADIZ có thể minh chứng cho một sai lầm chiến lược, điều mà rốt cuộc chỉ đe dọa những lợi ích của Bắc Kinh, chưa kể nó sẽ gây ảnh hưởng lâu dài đến sự ổn định của châu Á.
THANH TRÚC