15/02/2020 - 18:33

Truyện “ngắn” và bài vọng cổ 2 tựa 

Gần đây, hai cuộc thi văn nghệ cấp khu vực ĐBSCL là truyện ngắn và bài vọng cổ kết thúc với những dư luận không hay. Lùm xùm từ các cuộc thi cho thấy nên chăng, cần có sự chấn chỉnh, làm mới các cuộc thi văn nghệ ở địa phương và khu vực?

Video “Tấm hình ngày cưới” đăng tải trên Youtube.

1. Đầu tiên là Cuộc thi Truyện ngắn ĐBSCL do Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Đồng Tháp đăng cai tổ chức. Truyện ngắn “Căn cơ” của một tác giả đang sinh sống tại Đồng Tháp đoạt giải Nhất. Sẽ chẳng có gì để nói cho đến khi tuyển tập truyện ngắn từ cuộc thi được phát hành, độc giả choáng ngợp khi “Căn cơ” chiếm gần… nửa quyển sách. Nhiều người hiếu kỳ chép tác phẩm này ra file word để đếm chữ thì cho kết quả lên đến 24.666 chữ. Truyện ngắn mà không “ngắn” tí nào, nếu không nói là gấp 5, gấp 7 lần một truyện ngắn thông thường. Dĩ nhiên, Ban Tổ chức không giới hạn về số lượng chữ cho tác phẩm dự thi, nhưng với sự dông dài bất thường của “Căn cơ” lại đoạt Quán quân thì dư luận có lý khi đặt nhiều nghi vấn.

Đành rằng, chẳng có ai quy định truyện ngắn là phải bao nhiêu chữ, nhưng thông thường có thể hiểu rằng: Truyện ngắn thì không dài! Ban Tổ chức, Ban Giám khảo cũng có lý giải: Kết cấu của truyện là truyện ngắn! Thế nhưng xem ra chẳng xác đáng lắm. Trong khi làng văn hiện nay đang rút gọn truyện ngắn, có tờ báo còn có cuộc thi truyện ngắn 1.200 chữ, thậm chí còn ngắn hơn, thì sự nhiều chữ này có đáng để đoạt giải Nhất? Và nếu nói về chất lượng, một tác giả trẻ đất An Giang thẳng thắn rằng: “Chất lượng nghệ thuật của truyện ngắn này thấp, nếu không muốn nói thẳng ra là dở”.

Và bài ca “Ông già Hỏa Lựu in trong sách”.

2. Trước Tết Nguyên đán, một tác giả cổ nhạc ở Cần Thơ đăng dòng trạng thái trên facebook khiến làng cổ nhạc ĐBSCL buồn lòng khôn xiết. Đó là chuyện một tác giả cổ nhạc tên tuổi đất Kiên Giang đoạt giải Nhì cuộc thi sáng tác vọng cổ khu vực ĐBSCL năm 2019. Vậy nhưng, tác phẩm đoạt giải ấy từng phát hành cách nay nhiều năm với một cái tên khác.

Vào cuộc tìm hiểu, phóng viên ghi nhận, trên trang Youtube có đăng tải video ca cổ mang tên “Tấm hình ngày cưới” do nghệ sĩ Thu Vân thể hiện, ghi rõ tác giả N.N. Đoạn video này cập nhật ngày 21-5-2014. Mới đây, Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Tiền Giang phát hành cuốn “Tiếng lòng phương Nam”, tuyển tập tác phẩm vào vòng chung khảo Cuộc thi Sáng tác lời mới bài ca vọng cổ ĐBSCL năm 2019, trong đó có bài “Ông già Hỏa Lựu” của tác giả P.N.N. Mở Youtube nghe bài “Tấm hình ngày cưới” và dò theo lời bài vọng cổ “Ông già Hỏa Lựu” in trong sách, từng lời, từng câu trùng khớp y chang, chỉ khác có cái tựa.

Chẳng riêng cuộc thi nào, hầu hết Ban Tổ chức đều quy định rõ trong thể lệ là tác phẩm phải chưa từng được công bố dưới mọi hình thức. Cuộc thi này cũng vậy. Và với người từng “chinh chiến” ở nhiều cuộc thi, là một soạn giả tên tuổi như ông N.N. thì hẳn nhiên sẽ phải biết. 

Xin chẳng bình luận gì thêm, chỉ xin khẳng định: Tác phẩm đã vi phạm thể lệ cuộc thi!

* * *

Sáng tác văn học - nghệ thuật suy cho cùng là sự cảm thụ cái đẹp cuộc sống và truyền tải cái đẹp ấy đến cho mọi người. Cái đẹp ấy thanh cao, tao nhã lắm!

Bài, ảnh: TÍN HÒA

Chia sẻ bài viết