01/07/2022 - 10:13

Trung Quốc “thất thoát” tỉ phú 

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Theo nghiên cứu mới nhất của hãng nghiên cứu Wealth-X (Mỹ), số lượng tỉ phú ở Trung Quốc đại lục đã giảm nhẹ vào năm ngoái khi việc làm giàu ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới bị chững lại do ảnh hưởng bởi chiến dịch trấn áp của Bắc Kinh đối với lĩnh vực công nghệ và bất động sản.

Tỉ phú Chung Thiểm Thiểm hiện là người giàu nhất Trung Quốc. Ảnh: China Daily

Từ con số 410 tỉ phú năm 2020, Trung Quốc đại lục chỉ còn 400 tỉ phú vào năm 2021, giảm 2,4%. Song, con số này vẫn đủ để Bắc Kinh vươn lên vị trí thứ hai thế giới, xếp trước Ðức nhưng vẫn còn kém xa Mỹ, quốc gia tự hào có 975 tỉ phú với tổng giá trị tài sản lên tới 4,45 ngàn tỉ USD.

Trong khi đó, Hong Kong năm ngoái là quê hương của 114 tỉ phú, tăng 2,7% so với năm 2020, giúp xứ Cảng Thơm trở thành thành phố sở hữu tỉ phú nhiều thứ hai toàn cầu, sau New York (Mỹ) là 138 tỉ phú. Theo nghiên cứu, Hong Kong có mật độ tỉ phú cao thứ ba thế giới, cứ 59.516 dân thì có một tỉ phú. Vị trí “quán quân” thuộc về Kuwait, với 1 tỉ phú/33.090 dân. Thành phố San Francisco (Mỹ) giữ vị trí “á quân”, với 1 tỉ phú/56.209 dân.

Mặc dù tổng tài sản của các tỉ phú Trung Quốc tăng 11,3%, lên mức 1,45 ngàn tỉ USD, nhưng đây là một trong những mức tăng thấp nhất trong số 15 quốc gia hàng đầu trong nghiên cứu của Wealth-X . “Tại các thị trường tỉ phú lớn nhất châu Á, mức tăng mạnh ở Ấn Ðộ trái ngược với sự sụt giảm ở Trung Quốc và Hong Kong. Ðiều này phần nào phản ánh tác dụng của các biện pháp khác nhau nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19” - nghiên cứu cho biết. Theo nghiên cứu, số tỉ phú của Ấn Ðộ tăng 19,2%, lên 124 người, trong khi khối tài sản tích lũy của họ tăng 21,4%, lên con số 384 tỉ USD.

Nghiên cứu cho biết thêm rằng các sáng kiến của Bắc Kinh nhằm cải cách lĩnh vực bất động sản cũng như việc nước này mạnh tay trấn áp các hãng công nghệ lớn “đã ảnh hưởng đến thu nhập của các công ty và cổ phiếu Trung Quốc”. Những “gã khổng lồ” công nghệ như tập đoàn thương mại điện tử Alibaba, tập đoàn ByteDance (công ty mẹ của Tiktok), Tencent (“cha đẻ” của ứng dụng nhắn tin WeChat) cũng như công ty gọi xe Didi Chuxing đã bán cổ phần hoặc hạn chế giao dịch trong vòng 2 năm qua, trong bối cảnh Bắc Kinh ban hành nhiều quy tắc nhằm ngăn cản những công ty này tìm kiếm nguồn vốn ở nước ngoài hoặc khiến cho họ khó kiếm tiền bằng cách thu thập dữ liệu và thông tin cá nhân. Chiến dịch trấn áp của Trung Quốc đã khiến nhiều người như nhà sáng lập ByteDance Trương Nhất Minh rời khỏi hội đồng quản trị công ty và giao việc điều hành công ty khởi nghiệp có giá trị nhất thế giới này cho người đồng sáng lập là Liang Rubo.

Các nhà phát triển bất động sản như Evergrande Group, Sunac, R&F Properties  và Greenland Group cùng với một số công ty khác cũng buộc phải trì hoãn việc thanh toán nợ khi Bắc Kinh đưa ra chính sách “3 lằn ranh đỏ” vào năm 2020, khiến họ khó tiếp cận các khoản vay mới. Chủ tịch Evergrande Hứa Gia Ấn còn buộc phải bán số cổ phiếu trị giá ước tính 63,5 triệu USD hồi tháng 12 năm ngoái để trả các khoản vay, khiến cổ phần của ông tại Evergrande giảm xuống còn 60%.

Theo báo cáo của tổ chức phi chính phủ Oxfam, số lượng tỉ phú trên thế giới tăng 573 người từ tháng 3-2020 đến tháng 3-2022, nâng tổng số tỉ phú toàn cầu lên 2.668 người. Trong đó, Elon Musk, Giám đốc điều hành hãng xe điện Tesla (Mỹ) hiện là người giàu nhất thế giới, với giá trị tài sản ròng 201 tỉ USD.
Trong khi đó, với tài sản 60,3 tỉ USD, tỉ phú Chung Thiểm Thiểm là người giàu nhất Trung Quốc. Trương Nhất Minh là người giàu thứ hai Trung Quốc, với tài sản 44,5 tỉ USD. Mã Hóa Đằng, từng là người giàu nhất Trung Quốc, đang đứng thứ ba với giá trị tài sản ròng 35,2 tỉ USD, còn tỉ phú Mã Vân hiện xếp thứ tư với tài sản 34,3 tỉ USD.

Chia sẻ bài viết