21/05/2022 - 08:45

Trung Quốc tập tấn công máy bay Nhật Bản 

MAI QUYÊN

Kết luận trên được rút ra sau khi giới quân sự phát hiện vật thể Trung Quốc sử dụng ở vùng sa mạc do quân đội kiểm soát ở Tân Cương, theo phân tích thì đây có thể là mô hình máy bay trang bị radar tiên tiến của Nhật Bản.

Vật thể trung tâm trong bức ảnh vệ tinh được cho là mô hình máy bay của Nhật Bản. Ảnh: Planet Labs PBC

“Mắt thần trên không”

Dựa trên hình ảnh vệ tinh có độ chính xác cao do công ty Mỹ Planet Labs cung cấp, trang tin Nikkei và các chuyên gia sau khi quan sát nhận thấy vật thể có thiết kế hình máy bay với động cơ đôi cùng radar hình đĩa gắn phía trên. Ðây là những đặc trưng của máy bay cảnh báo sớm và chỉ huy trên không (AWACS). Phân tích thêm về kích thước và cấu trúc, chuyên gia Thomas Shugart tại Trung tâm An ninh Mỹ mới xác định vật thể được mô phỏng theo máy bay E-767 do hãng Boeing sản xuất. Giai đoạn 1998-1999, Lực lượng Phòng vệ trên không Nhật Bản (JASDF) tiếp nhận 4 chiếc AWACS E-767 và đang là lực lượng duy nhất trên thế giới sử dụng biến thể của máy bay hành khách Boeing 767 cho nhiệm vụ AWACS.

E-767 có chiều dài 50m đổ lại, sải cánh dài 50m và cao khoảng 16m. Trang bị 2 động cơ, E-767 có tốc độ tối đa hơn 800km/h, tầm hoạt động 9.000km, tuần thám trong suốt 6 giờ liên tục mà không cần tiếp nhiên liệu và bay ở độ cao lên đến 650km. AWACS E-767 được Nhật Bản vận hành vào năm 2000 và sắm vai trò “mắt thần trên không” của JASDF khi có thể sớm phát hiện máy bay, tên lửa ở độ cao rất thấp hoặc tấn công từ xa mà radar mặt đất không bắt được. E-767 còn được mệnh danh “Tư lệnh trên không” nhờ khả năng điều khiển chiến đấu cơ đánh chặn máy bay đối phương nhưng không cần hệ thống kiểm soát mặt đất. Trong tình huống bất thường, E-767 chịu trách nhiệm tìm kiếm các chuyển động quân sự trong vùng trời cách xa khu vực tác chiến.

Mục tiêu bị tấn công nếu Ðài Loan bất ổn?

Với khả năng giám sát sâu rộng, E-767 rất khó bị bắn hạ trong các chuyến bay nhưng lại dễ bị tấn công khi đậu trên mặt đất. Theo hình ảnh vệ tinh ghi nhận từ sa mạc Tân Cương, cựu Phó Ðô đốc Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản Yoji Koda cho rằng mục tiêu giả E-767 có lẽ được Trung Quốc chế tạo và sử dụng để kiểm tra lỗi của tên lửa trong các cuộc tập trận quân sự mô phỏng tấn công phi đội Nhật Bản. Trong đó, mẫu E-767 được nhìn thấy đang đậu trên đường băng phản ánh khả năng các căn cứ mặt đất của Nhật bị tấn công bất ngờ.

Trước đây, Viện Hải quân Hoa Kỳ (USNI) từng phát hiện các mô hình hoàn chỉnh giống tàu sân bay và tàu khu trục Mỹ trong khu vực bị nghi là nơi Trung Quốc thử nghiệm vũ khí. Trong hình ảnh mới nhất, USNI nhìn ra mô hình tàu khu trục và cơ sở cảng giống căn cứ hải quân Su’ao - khu quân sự ở Ðông Bắc Ðài Loan đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn bất kỳ cuộc tiếp cận nào của Trung Quốc từ biển. Tuy nhiên, sự xuất hiện lần đầu tiên của vật thể giống máy bay của JASDF ở nơi như vậy làm dấy lên quan ngại rằng hoạt động quân sự của Trung Quốc trong kịch bản bất thường xảy ra với Ðài Loan có thể liên quan Nhật Bản. Theo cựu Tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ mặt đất Nhật Bản Kiyofumi Iwata, việc Tokyo để mất E-767 trong tình huống như trên đồng nghĩa không còn khả năng giám sát quần đảo Nansei - phần đầu tiên của “chuỗi đảo thứ nhất” thuộc tuyến đường tiến ra Thái Bình Dương của quân đội
Trung Quốc.

Mỹ gởi thông điệp tới Trung Quốc

Theo giới phân tích, thái độ quyết đoán của Trung Quốc về mặt quân sự đã tăng lên đáng kể từ khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức hồi tháng 1-2021, làm dấy lên lo ngại khu vực bị đẩy vào tình thế nguy hiểm. Ðặc biệt, cuộc khủng hoảng ở Ðông Âu giữa Nga - Ukraine khiến nhiều đồng minh lớn của Mỹ ở Thái Bình Dương càng bất an trước Bắc Kinh. Nhằm củng cố mặt trận thống nhất giữa các nền dân chủ và cân bằng cán cân chiến lược, Tổng thống Biden trong chuyến công du kéo dài 6 ngày tới Hàn Quốc và Nhật Bản bắt đầu từ 20-5, được dự đoán thắt chặt quan hệ với đồng minh và đối tác khu vực; đồng thời gửi thông điệp rõ ràng tới Trung Quốc, rằng Bắc Kinh nên nhìn ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt với Nga mà kiềm chế mối đe dọa quân sự ở Thái Bình Dương.

Theo Hãng tin AP, Cố vấn An ninh Quốc gia của Nhà Trắng Jake Sullivan xác định chuyến đi thể hiện vai trò của Mỹ trong nỗ lực cân bằng các vấn đề an ninh toàn cầu; vạch ra lộ trình cho sự lãnh đạo hiệu quả và có nguyên tắc của Mỹ cũng như sự tham gia của Washington ở khu vực được cho là xác định phần lớn tương lai của thế kỷ 21.

Chia sẻ bài viết