30/03/2021 - 20:24

Trung Quốc sắp nâng tuổi nghỉ hưu 

Trong kế hoạch 5 năm công bố gần đây, Chính phủ Trung Quốc tuyên bố sẽ nâng độ tuổi nghỉ hưu để ngăn chặn những ảnh hưởng kinh tế do tình trạng lão hóa nhanh ở đất nước đông dân nhất thế giới. Tuy nhiên, sự điều chỉnh này lại khiến dư luận lo ngại về tác động đối với tiêu dùng, tỷ lệ sinh và đầu tư cá nhân.

Các lao động trung niên ở Trung Quốc. Ảnh: Xinhua

Các lao động trung niên ở Trung Quốc. Ảnh: Xinhua

 

“Sợ” khủng hoảng nhân khẩu học

Trong suốt nhiều thập niên, độ tuổi nghỉ hưu tại Trung Quốc không thay đổi, 60 đối với nam và 55 đối với nữ. Thậm chí, độ tuổi về hưu dành cho nữ còn sớm hơn trong các ngành lao động chân tay. Thế nhưng, giống như nhiều quốc gia láng giềng ở Ðông Á, dân số Trung Quốc đang lão hóa khá nhanh và tỷ lệ sinh cũng sụt giảm, đặt ra lo ngại về “quả bom nổ chậm” nhân khẩu học có thể kìm hãm đà tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Cách đây 2 năm, Trung Quốc có 254 triệu người từ 60 tuổi trở lên, chiếm 18,1% tổng dân số. Trong đó, 176 triệu cụ trên 65 tuổi. Dự báo đến năm 2050, Trung Quốc sẽ có hơn 500 triệu người trên 60 tuổi, tức gần 1/3 dân số cả nước. Kết quả là số người về hưu dự kiến sẽ bùng nổ, từ 102 triệu người năm 2019 lên 278 triệu người vào giữa thế kỷ này.

Ngoài ra, báo cáo Thống kê Bảo hiểm Quỹ Hưu trí giai đoạn 2019-2050 cũng cho thấy tỷ lệ phụ thuộc sẽ nhảy từ 47% trong năm 2019 lên tới 96,3% năm 2050. Ðiều đó đồng nghĩa khoảng 1,22 lao động sẽ hỗ trợ cho một người nghỉ hưu vào năm 2035, so với 2,65 lao động/người về hưu năm 2019.

Ðể đối phó, đầu tháng 3 vừa qua, Bắc Kinh thông báo sẽ từng bước nâng độ tuổi nghỉ hưu bắt buộc. Ðộng thái trên đã gây lo ngại sâu sắc cho các công dân Trung Quốc, đặc biệt là những người sinh sau năm 1970.

Dư luận phản ứng

Chẳng hạn, James Qiu cho rằng nâng độ tuổi nghỉ hưu bằng cách so sánh với những quốc gia phát triển là “phản khoa học và bất công”. Theo vị trưởng phòng kinh doanh trên 30 tuổi này, các dịch vụ công, hỗ trợ và an sinh xã hội cơ bản của Trung Quốc hiện thua xa những nước phát triển, nơi người dân thường làm việc lâu hơn.

Gong Wentao, chuyên gia công nghệ thông tin, thì chia sẻ rằng một số đồng nghiệp của anh đã lên kế hoạch bán tài sản tại những thành phố nhỏ, trong khi số khác đang cân nhắc thế chấp nhà cửa để đầu tư vào những sản phẩm tài chính có lợi nhuận tiềm năng cao. Nhưng bản thân Gong thì chọn chiến thuật khiêm tốn hơn: cắt giảm chi tiêu hàng ngày. “Ðiều này cho thấy nỗi lo của chúng tôi về kế hoạch nâng độ tuổi nghỉ hưu”, Gong, gần 50 tuổi, kết luận.

Trong khi đó, Liu Shuya cho rằng nâng độ tuổi nghỉ hưu chắc chắn sẽ làm suy giảm sự háo hức của những người muốn có con. Theo dữ liệu của Bộ Giáo dục Trung Quốc, chỉ khoảng 4,71% bé đi nhà trẻ trong năm 2019 là dưới 3 tuổi, cho thấy ông bà gánh trọng trách lớn về việc nuôi cháu nhỏ. Do vậy, thay đổi độ tuổi nghỉ hưu có thể sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch sinh con của những người trẻ.

HẠNH NGUYÊN

Chia sẻ bài viết