03/08/2019 - 19:08

Trung Quốc ở thế khó trong thương chiến với Mỹ 

Cuộc chiến thương mại tổng lực giữa Mỹ và Trung Quốc khiến cả hai nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới đều bị tổn thương, nhưng theo giới phân tích, Bắc Kinh rất ít có giải pháp trả đũa chống Washington sau khi Tổng thống Donald Trump công bố mức thuế 10%, thậm chí có thể tăng thêm lên tổng lượng hàng hóa nhập khẩu trị giá 300 tỉ USD mới của Trung Quốc từ ngày 1-9.

Một nhà máy sản xuất ở Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Tín hiệu cứng rắn

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh trong cuộc họp báo hôm 2-8 tuyên bố nếu Mỹ vẫn thực thi quyết định trên thì Bắc Kinh sẽ đưa ra các biện pháp trả đũa cần thiết. Bà Hoa không nói rõ các biện pháp đó ra sao, nhưng nhấn mạnh: “Trung Quốc không chấp nhận bất kỳ sức ép tối đa nào, lời đe dọa hay tống tiền, cũng không thỏa hiệp với tất cả vấn đề nguyên tắc lớn”. Bộ Thương mại Trung Quốc thì cảnh báo Mỹ sẽ gánh chịu mọi hậu quả gây ra.

 Tân Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc (LHQ) Trương Quân cũng đã dùng lời lẽ cứng rắn bất thường của nhà ngoại giao đa phương nhằm vào hành động mới của Tổng thống Trump. Phát biểu trước nhóm phóng viên tại trụ sở LHQ ở thành phố New York (Mỹ), ông Trương mô tả bước đi mới của chủ nhân Nhà Trắng là “không có lý trí và vô trách nhiệm”, đồng thời cho biết Bắc Kinh đang chuẩn bị thực hiện các biện pháp chống trả. “Lập trường của Trung Quốc là rất rõ ràng, rằng nếu Mỹ mong đàm phán thì chúng tôi sẽ đàm phán, nhưng nếu họ muốn chiến thì chúng tôi sẽ chiến. Chúng tôi nhất quyết sẽ thực thi mọi biện pháp đáp trả cần thiết để bảo vệ quyền cơ bản của mình và chúng tôi cũng thúc giục Mỹ trở lại đúng hướng nhằm tìm kiếm giải pháp đúng đắn thông qua con đường thích hợp” - ông Trương nêu rõ.

Khi được hỏi liệu quan hệ căng thẳng thương mại Mỹ-Trung có làm tổn hại tiến trình hợp tác giữa hai nước đối với vấn đề Triều Tiên hay không, ông Trương trả lời rằng rất khó để đoán trước. Tuy nhiên, người từng là trợ lý bộ trưởng ngoại giao trước khi trở thành đại sứ LHQ nhấn mạnh: “Sẽ khó tưởng tượng khi một đằng người ta tìm kiếm sự hợp tác của đối tác (Triều Tiên) nhưng đằng khác người ta vẫn gây tổn hại lợi ích của đối tác. Người ta không thể đơn giản yêu cầu Triều Tiên làm nhiều điều nhất có thể trong khi vẫn duy trì lệnh cấm vận chống lại nước này. Đó là chắc chắn là điều vô ích. “Chúng tôi nghĩ rằng vào một thời điểm thích hợp nên có hành động nhằm giảm bớt các biện pháp trừng phạt”. Trung Quốc đóng vai trò thiết yếu trong việc thỏa hiệp và thông qua các nghị quyết trừng phạt của Hội đồng Bảo an LHQ đối với chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Theo hãng tin Reuters, đây là lần đầu tiên một quan chức Trung Quốc bắn tín hiệu cần nới lỏng trừng phạt Triều Tiên kể từ khi Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un có cuộc gặp thượng đỉnh lần nhất ở Singapore cách đây một năm.

Có rất ít giải pháp trả đũa

Hãng CNN dẫn lời các nhà phân tích cho rằng quyết định đánh thuế mới của Tổng  thống Trump là sự phá vỡ “thỏa thuận đình chiến thương mại Osaka” với Chủ tịch Tập Cận Bình tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Nhật Bản hồi tháng 6. Điều này cho thấy ông Trump quá thất vọng với các nỗ lực buộc Trung Quốc cải cách kinh tế. Edward Alden, nhà nghiên cứu cấp cao thuộc Hội đồng quan hệ đối ngoại (Mỹ), nhận định: “Thương chiến của Tổng thống Trump với Trung Quốc đã thất bại và ông đang tiếp tục cố gắng vào chiến lược thất bại. Mục đích của thuế là buộc Trung Quốc phải thay đổi cấu trúc nền kinh tế, nhưng điều này đã không xảy ra. Trung Quốc đang sẵn sàng sống chung với tổn thương hơn là thay đổi theo ý muốn của Mỹ”.

Mất vị thế đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ

Thương chiến Mỹ-Trung đã làm giảm kim ngạch mậu dịch giữa hai nước. Cụ thể, theo số liệu của Bộ Thương mại Mỹ công bố hôm 2-8, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước giảm từ 314 tỉ USD  6 tháng đầu năm 2018 xuống còn 271 tỉ USD trong cùng giai đoạn năm 2019, trong đó xuất khẩu của Trung Quốc giảm 12% và Mỹ 19%.  Đây là mức giảm hai con số chưa từng có sau 30 năm tăng trưởng thương mại liên tục giữa Mỹ và Trung Quốc. Với mức giảm này, Trung Quốc không còn là đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ và rơi xuống vị trí thứ 3, sau Mexico với 309 tỉ USD và Canada với 307 tỉ USD. Hàng hóa xuất khẩu của Mexico hiện chiếm 15% tổng giá trị nhập khẩu của Mỹ, tiếp theo là Canada (14,8%) và Trung Quốc (13%).

Thế nhưng, Trung Quốc được cho đang đối mặt với nhiều hạn chế hơn so với Mỹ nên phải tính toán cẩn thận đưa ra đòn trả đũa thương mại. Theo Julian Evans-Pritchard, nhà kinh tế cao cấp về Trung Quốc thuộc tập đoàn tư vấn Capital Economics có trụ sở tại Luân Đôn (Anh), Trung Quốc “về cơ bản có rất ít lựa chọn mới, bởi khi trực tiếp đánh đòn trả đũa Mỹ thì rất khó để bản thân họ  không bị tổn thương”. Hiện Trung Quốc mới chỉ áp thuế từ 10% lên 25% đối với tổng giá trị hàng hóa 60 tỉ USD và chỉ có thể nhắm mục tiêu tối đa 120 tỉ USD hàng nhập khẩu từ Mỹ. Trong khi Mỹ đã đánh thuế lên 250 tỉ USD giá trị hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và sẵn sàng chơi ván bài gần như tất tay như ông Trump vừa thông báo.

Ngay cả khi phải áp thuế 60 tỉ USD giá trị hàng hóa còn lại của Mỹ, Trung Quốc phải thật dè chừng vì phần lớn sản phẩm này thuộc danh mục công nghệ cao mà doanh nghiệp nước này không dễ dàng đáp ứng. Cấm xuất khẩu đất hiếm là một giải pháp khả thi, vì Trung Quốc kiểm soát hơn 90% sản lượng đất hiếm toàn cầu và cung cấp cho thị trường Mỹ 80% giai đoạn 2014-2017. Đây có thể là mục tiêu gây tác động lớn trong ngắn hạn nhưng sẽ phản tác dụng về lâu dài.

Trung Quốc có thể tính đến biện pháp tốt nhất và uy lực nhất là phá giá đồng nhân dân tệ. Ông Evans-Pritchard cho rằng phá giá tiền tệ như một loại vũ khí hạt nhân có sức “tàn phá” mạnh hơn nhiều so với việc tăng thuế. Tuy nhiên, nếu sử dụng “liệu pháp sốc” này, đàm phán thương mại Mỹ-Trung sẽ coi như sụp đổ hoàn toàn. Hơn thế nữa, phá giá đồng nhân dân tệ có thể tạo ra làn sóng tiền tệ chảy khỏi Trung Quốc và gây tổn hại ổn định kinh tế nước này. “Bắc Kinh có thể muốn tránh kịch bản năm 2015 khi việc phá giá gây ra một cuộc khủng hoảng lòng tin vào đồng nhân dân tệ” - một chuyên gia của Fitch Solutions đề cập đến nguy cơ chiến tranh tiền tệ năm 2015 mà Trung Quốc bị cáo buộc là bên khơi mào.

Cuối cùng, Trung Quốc có thể dùng biện pháp phi thuế quan bằng hàng rào kỹ thuật và hạn chế hoạt động của các công ty Mỹ bằng kiểm soát gắt gao. Tuy nhiên, nếu kinh doanh tại Trung Quốc gặp khó khăn, các công ty lớn của Mỹ có thể chuyển qua nước khác. Tuy Trung Quốc ngày nay ít phụ thuộc vào vốn đầu tư nước ngoài nhưng họ không thể để các công ty đa quốc gia rút vốn ồ ạt. “Nếu Trung Quốc gặp trở ngại cho các công ty Mỹ thì đó là hành động tự bắn vào chân mình” - ông Evans Pritchard  cảnh báo.

ĐỨC TRUNG

Chia sẻ bài viết