02/07/2022 - 10:13

Trung Quốc muốn xây thêm căn cứ ở nước ngoài? 

Hạ thủy tàu sân bay Phúc Kiến hồi tháng rồi là cột mốc mới nhất trong nỗ lực mở rộng, hiện đại hóa lực lượng của hải quân Trung Quốc và sự kiện này diễn ra ngay sau những động thái mới của Bắc Kinh trong việc theo đuổi các căn cứ hải ngoại.

Quân đội Trung Quốc tập trận bắn đạn thật tại Djibouti. Ảnh: China Daily

Quân đội Trung Quốc tập trận bắn đạn thật tại Djibouti. Ảnh: China Daily

Hàng không mẫu hạm Phúc Kiến là tàu sân bay thứ ba Trung Quốc có trong thập niên qua, nhưng là chiếc đầu tiên hoàn toàn được thiết kế và đóng trong nước. Điểm nổi bật của Phúc Kiến nằm ở hệ thống hỗ trợ phóng máy bay điện từ (EMALS), giúp tàu không cần thiết kế mũi hếch lên như hai tàu sân bay hiện có của Trung Quốc là Liêu Ninh và Sơn Đông. Hệ thống này cho phép triển khai các máy bay nặng hơn như máy bay cảnh báo sớm KJ-600 và chiến đấu cơ với nhiều vũ khí, nhiên liệu. Hiện chỉ có tàu sân bay lớp Ford của Mỹ trang bị hệ thống EMALS.

Trong những năm tới, Trung Quốc nhiều khả năng chỉ duy trì các tàu sân bay tại Tây Thái Bình Dương, nơi Bắc Kinh đang tập trung vào Đài Loan và những tranh chấp trên Biển Hoa Đông và Biển Đông, trong khi các tàu chiến khác của nước này đang hiện diện khắp toàn cầu. Hồi tháng 5, Trung Quốc đã điều hạm đội 41 đến Vịnh Aden làm nhiệm vụ ngăn chặn cướp biển. Hạm đội này gồm tàu khu trục Tô Châu, phiên bản cải tiến của tàu khu trục tên lửa dẫn đường Type 052D, khinh hạm tên lửa dẫn đường Nam Thông và tàu tiếp liệu Chaohu, với hai máy bay trực thăng cùng hàng chục lính đặc nhiệm trên tàu. Hải quân Trung Quốc thường xuyên thực hiện hoạt động tuần tra chống cướp biển tại Vịnh Aden kể từ năm 2008. Các lực lượng đặc nhiệm của hải quân Trung Quốc còn đi đến cả châu Âu và quần đảo Aleutian ở Bắc Mỹ.

Mỹ nghi Trung Quốc xây thêm căn cứ hải ngoại

“Trung Quốc nêu rõ rằng một trong những ưu tiên an ninh quốc gia lớn nhất của họ trong giai đoạn lâu dài là có thể duy trì an ninh cho những lợi ích nước này ở hải ngoại cũng như các tuyến giao thông đường biển toàn cầu của Trung Quốc”, Thomas Shugart, chuyên gia tại Trung tâm An ninh Mỹ mới, nói với tờ Business Insider. Theo ông Shugart, nếu không xây thêm các căn cứ hải quân và không quân ở nước ngoài, các tàu sân bay của Trung Quốc buộc phải có được mức độ kiểm soát trên biển cần thiết để đạt được những mục đích trên, đặc biệt trong bối cảnh nước này đối mặt với những đối thủ tiềm tàng như hải quân Mỹ. 

Căn cứ quân sự nước ngoài duy nhất hiện nay của Trung Quốc nằm ở Djibouti, quốc gia Đông Phi, được khánh thành hồi năm 2017. Bắc Kinh gọi đây là trung tâm hỗ trợ hậu cần và nó tọa lạc gần biển, nơi các tàu Trung Quốc thực hiện nhiệm vụ tuần tra chống hải tặc. Bộ Tư lệnh châu Phi của Mỹ từng cảnh báo căn cứ của Trung Quốc ở Djibouti có khả năng tiếp nhận tàu sân bay và tàu ngầm hạt nhân. Cơ sở này cách căn cứ Camp Lemonnier, nơi 4.500 lính Mỹ đóng quân, chỉ khoảng 9,5km.

Không chỉ Djibouti, Trung Quốc còn tập trung vào Ấn Độ Dương khi tìm cách đầu tư vào các cảng biển và những cơ sở khác có liên quan đến hoạt động thương mại hàng hải. Truyền thông Mỹ hồi tháng 6 đưa tin Trung Quốc sẽ độc quyền sử dụng một phần căn cứ hải quân Ream của Campuchia sau khi nâng cấp. Tuy nhiên, phía Campuchia và Trung Quốc sau đó phủ nhận thông tin này. Đầu năm 2021, tình báo Mỹ còn phát hiện Trung Quốc bí mật xây một cơ sở quân sự tại Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), khiến Washington phải hành động ngăn chặn. Đến cuối năm đó, Washington lại được cảnh báo rằng Bắc Kinh đang muốn xây căn cứ hải quân ở Guinea Xích đạo, quốc gia châu Phi nằm ven bờ Đại Tây Dương.

Trong báo cáo mới nhất về quân đội Trung Quốc, Bộ Quốc phòng Mỹ lưu ý khi “cánh tay” của Bắc Kinh vươn dài, nước này sẽ hướng tới xây dựng một mạng lưới căn cứ hải ngoại và hậu cần mạnh hơn nhằm cho phép quân đội thực thi và duy trì sức mạnh quân sự ở khoảng cách xa hơn.

HẠNH NGUYÊN

Chia sẻ bài viết