03/07/2021 - 08:55

Trung Quốc lo cách biệt giàu - nghèo 

Trong bối cảnh Trung Quốc chuyển mình hướng tới trở thành quốc gia phát triển, khoảng cách giàu - nghèo, sự chênh lệch thu nhập giữa thành thị và nông thôn theo đó cũng tăng lên.

Chênh lệch thu nhập quá lớn

Nông dân Trung Quốc thu hoạch lúa. Ảnh: Eco-Business

Nông dân Trung Quốc thu hoạch lúa. Ảnh: Eco-Business

Theo dữ liệu của Chính phủ Trung Quốc, thu nhập ở vùng nông thua xa thu nhập tại các thành phố, do khu vực nông thôn có ít lựa chọn việc làm ngoài nông nghiệp. Cụ thể, cư dân thành thị kiếm được trung bình 43.834 nhân dân tệ (NDT) vào năm 2020 trong khi con số đó của cư dân nông thôn chỉ là 17.131 NDT.

Do thu nhập thấp trong khi cuộc sống ở nông thôn vẫn còn nhiều khó khăn, nhiều người buộc phải bỏ học sớm, ra đi tìm kế sinh nhai ở các thành phố lớn trong vai trò lao động nhập cư, với thu nhập trung bình khoảng 4.000 NDT/tháng, dù cao hơn nhiều so với thu thập của nông dân nhưng vẫn còn thua xa so với thu nhập của nhân viên văn phòng.

Ước tính, Trung Quốc có khoảng 290 triệu người lao động từ vùng nông thôn nhập cư vào các thành phố để mưu sinh, chiếm khoảng 66% lực lượng lao động ở các vùng đô thị ở Trung Quốc. Song, thu nhập trung bình hàng năm của nhóm lao động này chỉ ở mức 56% thu nhập của những nhân viên khu vực phi tư nhân (công ty nhà nước, cơ quan chính quyền, công ty nước ngoài và công ty đại chúng) ở vùng đô thị.

“Các công ty ở thành thị ăn nên làm ra bằng cách thuê lao động nhập cư với mức lương thấp và trở thành công xưởng của thế giới” - Fumiki Tahara, chuyên gia kinh tế tại Đại học Tokyo (Nhật Bản), nhận xét.

Nhiều người lo ngại rằng đại dịch COVID-19 có thể làm gia tăng lượng người có thu nhập thấp, trong bối cảnh 40-66% trong 1,4 tỉ dân Trung Quốc vẫn đang sống ở các vùng nông thôn.

Đe dọa ổn định chính trị

Tháng 1 năm nay, chính Chủ tịch Tập Cận Bình đã nêu rõ khoảng cách giàu - nghèo của Trung Quốc không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn là vấn đề chính trị “Đạt được thịnh vượng chung không chỉ là vấn đề kinh tế mà đó còn là vấn đề chính trị quan trọng đối với cơ sở cầm quyền của đảng. Chúng ta tuyệt đối không để cho khoảng cách giàu - nghèo ngày càng gia tăng, khiến người nghèo càng nghèo và người giàu càng giàu. Chúng ta tuyệt đối không để tạo ra khoảng cách không thể vượt qua giữa người giàu và người nghèo” - ông Tập nhấn mạnh.

Tuy nhiên, Scott Rozelle, nhà kinh tế học phát triển tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Freeman Spogli thuộc Đại học Stanford (Mỹ), cho rằng trên thực tế, rất ít thay đổi có thể được đưa ra. Để giải quyết vấn đề trên, ông Rozelle khuyến nghị Trung Quốc cần đầu tư dài hạn và đầy đủ vào các chương trình như giáo dục đầu đời và sức khỏe dinh dưỡng  ở vùng nông thôn, bởi việc thiếu giáo dục tiểu học và trung học cơ sở đang khiến cho lực lượng lao động của Trung Quốc về lâu dài trở nên kém thạo nghề hơn. Trong một nghiên cứu được thực hiện tại tỉnh Cam Túc và Thiểm Tây, ông Rozelle tiến hành đánh giá khả năng nhận thức của học sinh nông thôn từ 13-14 tuổi và nhận thấy rằng một nửa trong số đó không đủ điều kiện tham gia các chương trình giáo dục đặc biệt ở các quốc gia phát triển.

Một giải pháp khác cho vấn đề bất bình đẳng thu nhập ở Trung Quốc là tăng lương tối thiểu, đặc biệt là lương của những người lao động nhập cư và đẩy mạnh cải cách đất đai nông thôn để cho phép người dân được hưởng lợi nhờ mức định giá đất tăng lên; cải cách hệ thống thuế và an sinh xã hội, bao gồm luật đánh thuế dựa trên tài sản vốn từng được Bắc Kinh xác định là một trong những biện pháp để thu hẹp bất bình đẳng thu nhập.

TRÍ VĂN (Theo Guardian, Nikkei Asia)

Chia sẻ bài viết