Trong bối cảnh châu Âu đang phải chịu áp lực tăng cường tự chủ chiến lược và Pháp nỗ lực giảm phụ thuộc vào Mỹ, cả Paris và Ankara đều có chung động lực theo đuổi mối quan hệ đối tác thực dụng và có cấu trúc hơn.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan (trái) và người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron tay bắt mặt mừng hồi năm ngoái. Ảnh: AFP
Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ muốn tự chủ chiến lược cũng như bày tỏ thất vọng với những hạn chế của chính trị liên minh và các thể chế đa phương. Tuy nhiên, những bất đồng dai dẳng tiếp tục cản trở sự hợp tác sâu sắc hơn. Khác biệt trong lịch sử, bao gồm hục hặc về việc Pháp công nhận nạn diệt chủng người Armenia và quy chế của Cộng hòa Síp, đã bào mòn lòng tin giữa Paris và Ankara. Các chương trình nghị sự khu vực của họ thường xuyên mâu thuẫn, với việc hai nước ủng hộ các bên đối nghịch trong các cuộc xung đột trên khắp Trung Ðông và Bắc Phi.
Những bất đồng về chính trị và chuẩn mực làm phức tạp hơn quan hệ song phương. Việc Pháp liên tục phản đối tham vọng gia nhập Liên minh châu Âu (EU) của Thổ Nhĩ Kỳ càng khiến Ankara cảm thấy bị loại trừ. Những căng thẳng này trở nên trầm trọng hơn do thiếu các cơ chế hợp tác chính thức trong một số lĩnh vực then chốt như quốc phòng.
Hơn nữa, Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ có những lợi ích khác nhau ở châu Phi. Kế hoạch mở rộng quan hệ ngoại giao, kinh tế và quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ trên khắp “lục địa đen” ngày càng thách thức ảnh hưởng lâu nay của Pháp. Sự chuyển biến này được thúc đẩy bởi việc Paris đóng cửa các căn cứ quân sự và mất “đòn bẩy” tại Mali, Burkina Faso và Niger - những quốc gia xảy ra đảo chính trong vài năm gần đây.
Ở Ðông Ðịa Trung Hải, Paris và Ankara đôi khi công khai xung đột. Vào năm 2020, Pháp ủng hộ Hy Lạp và Síp trong một cuộc tranh chấp hàng hải giữa hai nước này với Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi Ankara triển khai tàu thăm dò địa chất đến vùng biển tranh chấp. Pháp còn “bắt tay” với Ai Cập và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) chống lại các hành động của Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc chiến ủy nhiệm ở Libya, khoét sâu rạn nứt địa chính trị giữa hai thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO).
Hợp tác kinh tế, quốc phòng và an ninh
Bất chấp những khác biệt về địa chính trị trên, quan hệ kinh tế Pháp - Thổ Nhĩ Kỳ chặt chẽ hơn so với bề ngoài thường thấy. Tính đến năm 2024, kim ngạch thương mại song phương đã vượt 20 tỉ euro và Pháp là một trong những nhà đầu tư nước ngoài hàng đầu của Thổ Nhĩ Kỳ.
Hơn 400 công ty Pháp đang hoạt động tại Thổ Nhĩ Kỳ, trải rộng trên các lĩnh vực then chốt như ô tô, năng lượng, bán lẻ và hàng không vũ trụ. Quan hệ kinh tế này là yếu tố giúp ổn định và tạo không gian cho bước phát triển hơn.
Tuy ký kết nhiều thỏa thuận quân sự trong 3 thập kỷ qua, xuất khẩu vũ khí của Pháp sang Thổ Nhĩ Kỳ vẫn ở mức khiêm tốn. Từ năm 2009 đến 2019, Thổ Nhĩ Kỳ chỉ xếp thứ 26 trong danh sách khách hàng mua vũ khí Pháp, với tổng giá trị hợp đồng đạt 594 triệu euro.
Ở chiều ngược lại, Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp chưa tới 0,3% lượng vũ khí nhập khẩu của Pháp giai đoạn 2008-2018. Trong giai đoạn 2013-2022, Thổ Nhĩ Kỳ nhập khẩu hơn 473 triệu euro thiết bị quân sự từ Pháp, một tỷ lệ rất nhỏ so với kim ngạch xuất khẩu vũ khí toàn cầu của Paris là gần 68 tỉ euro.
Dù vậy, cả hai đồng minh NATO này đều sở hữu năng lực quân sự bổ sung cho nhau, tạo cơ sở cho hợp tác mới. Pháp đang nổi lên như một nhân tố chủ chốt trong việc định hình chính sách quốc phòng của châu Âu, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ nhanh chóng mở rộng ngành công nghiệp quốc phòng nội địa. Quốc gia có lực lượng quân đội lớn thứ hai NATO đạt được những tiến bộ trong chiến tranh máy bay không người lái, hệ thống radar và an ninh mạng. Năng lực công nghệ này mở ra cơ hội liên doanh giữa các công ty hàng đầu của Pháp và đối tác Thổ Nhĩ Kỳ, nhất là ở lĩnh vực hàng không vũ trụ.
Cuộc chiến ở Ukraine và chính quyền Bashar al-Assad sụp đổ tại Syria đã tạo cơ hội cho các sáng kiến ngoại giao và hợp tác quân sự giữa Pháp - Thổ Nhĩ Kỳ. Những tín hiệu gần đây của Paris về việc sẵn sàng công nhận Nhà nước Palestine cho thấy một điểm chung hiếm hoi với Ankara, từ đó mở đầu cho “cái bắt tay” chặt hơn để giải quyết khủng hoảng ngoại giao khu vực.
Những diễn biến trên chỉ ra một định dạng có cấu trúc và hướng tới tương lai hơn, chẳng hạn như Nền tảng Ðối thoại Chiến lược Pháp - Thổ Nhĩ Kỳ. Ðịnh dạng này có thể kiến tạo không gian thể chế thiết yếu cho việc thống nhất các chiến lược quốc phòng, điều phối chính sách khu vực và phát triển lập trường chung về những vấn đề then chốt như vùng Sahel,
Biển Ðen...
HẠNH NGUYÊN
(Theo Atlantic Council, Al-monitor)