Tuyên bố rút khỏi Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) là động thái mới nhất của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump nhằm cắt đứt quan hệ với các thể chế toàn cầu. Trong khi đó, Trung Quốc được cho đang mở rộng ảnh hưởng rộng khắp cơ quan liên chính phủ lớn nhất thế giới.

Quyết định rút khỏi UNESCO của Mỹ sẽ có hiệu lực vào cuối năm 2026. Ảnh: AP
Quyết định đã được đoán trước
Trong thông báo ngày 22-7, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Tammy Bruce nói rõ UNESCO thúc đẩy các mục tiêu xã hội và văn hóa, đồng thời tập trung quá nhiều vào việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững. Vì thế, chương trình nghị sự của tổ chức này mang tính toàn cầu hóa và ý thức hệ cho sự phát triển quốc tế, đi ngược lại chính sách đối ngoại “Nước Mỹ trước tiên” hiện nay của Washington.
Kể từ khi trở lại nắm quyền vào đầu năm, Tổng thống Trump đã đưa Mỹ khỏi ra Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và ngừng tài trợ cho Cơ quan cứu trợ Palestine của LHQ (UNRWA). Các quyết định này nằm trong khuôn khổ xem xét lại vai trò của Mỹ trong các tổ chức thuộc LHQ, dự kiến sẽ kết thúc vào tháng 8 tới.
Mỹ là thành viên của UNESCO ngay từ khi tổ chức có trụ sở tại Paris này thành lập vào năm 1945 nhưng lần đầu rút khỏi vào năm 1984 do phản đối quản lý tài chính kém và thành kiến chống Mỹ. Ðến năm 2003 dưới thời Tổng thống George W. Bush, Mỹ tái gia nhập UNESCO sau khi tổ chức này tiến hành các cải cách cần thiết. Năm 2018, trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump lại quyết định rút khỏi UNESCO và 5 năm sau, chính quyền kế nhiệm Joe Biden lại tái gia nhập với lý do sự vắng mặt của Mỹ cho phép Trung Quốc lấp đầy khoảng trống trong việc hoạch định chính sách của cơ quan này.
Mỹ hiện đóng góp khoảng 8% ngân sách của UNESCO, giảm so với mức gần 20% vào thời điểm Tổng thống Trump rút khỏi tổ chức này.
Phản ứng trước quyết định trên của Mỹ, Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay nhận định bước đi của chính quyền Trump đi ngược lại các nguyên tắc về đa phương đồng thời cho biết cơ quan này không có gì bất ngờ và đã chuẩn bị trước cho hành động của Washington.
Trên tài khoản cá nhân mạng xã hội X, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tái khẳng định lập trường “ủng hộ không lay chuyển” đối với UNESCO, ca ngợi vai trò nhà bảo trợ toàn cầu của UNESCO trong các lĩnh vực khoa học, các đại dương, giáo dục, văn hóa và di sản của nhân loại. Ông Macron nhấn mạnh quyết định của chính quyền người đồng cấp Mỹ Donald Trump không làm suy giảm cam kết của Pháp với những người đấu tranh vì các giá trị toàn cầu này.
Trung Quốc nắm bắt cơ hội
Theo các nhà ngoại giao phương Tây, Trung Quốc đang tận dụng sự coi nhẹ chủ nghĩa đa phương của ông Trump để bổ nhiệm các quan chức và thúc đẩy chương trình nghị sự của cường quốc châu Á quyết liệt hơn.
Sau khi Mỹ cắt giảm viện trợ nước ngoài, dẫn đến cuộc tái cấu trúc có thể là triệt để nhất của LHQ trong nhiều thập kỷ, Trung Quốc đã dốc sức lấp đầy khoảng trống, đặc biệt là tại thành phố Geneva của Thụy Sĩ - trung tâm chính của hoạt động ngoại giao. Nỗ lực này bao gồm triển khai thêm nhân sự, xây dựng các liên minh bỏ phiếu và trong một số trường hợp, đóng góp tài chính nhằm củng cố vị thế của Trung Quốc tại thành phố nơi đặt trụ sở của hơn 450 tổ chức quốc tế.
Bắc Kinh đặc biệt quan tâm đến các tổ chức như WHO và Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU), cơ quan thiết lập các tiêu chuẩn truyền thông toàn cầu.
Năm nay, Trung Quốc đã cam kết tài trợ 500 triệu USD cho WHO trong 5 năm. Một phần trong số đó dự kiến sẽ bao gồm các cơ hội biệt phái cho nhân viên kỹ thuật và cố vấn Trung Quốc.
Tại Ðại hội đồng Y tế Thế giới hồi tháng 5, Trung Quốc đã lên tiếng ủng hộ các chương trình cải cách nội bộ tại WHO và cam kết sự hậu thuẫn của nước này thông qua tài chính và nhân sự.
Tháng trước, nỗ lực vào phút chót của Mỹ đã không ngăn cản được Trung Quốc giành quyền đăng cai Hội nghị Thông tin Vô tuyến Thế giới năm 2027, diễn đàn có ảnh hưởng nhất của ITU. Trung Quốc cố gắng thúc đẩy sáng kiến Con đường Tơ lụa Kỹ thuật số, chương trình mở rộng cơ sở hạ tầng kỹ thuật số ở các nước đang phát triển, thông qua ITU. Trong khi đó, Chương trình Phát triển của LHQ có tầm quan trọng chiến lược đối với Bắc Kinh do việc tham gia các dự án cơ sở hạ tầng phù hợp với Sáng kiến “Vành đai, Con đường” của nước này.
Trung Quốc từ lâu đã tìm cách xây chắc ảnh hưởng tại Geneva và liên tục mở rộng sự hiện diện trong các cơ quan thuộc LHQ trong gần một thập kỷ, nhất là các cơ quan liên quan đến phát triển, công nghệ và tiêu chuẩn kỹ thuật. Mặc dù đóng góp hơn 15% ngân sách của LHQ, đứng thứ hai sau Mỹ với 22%, nhân viên đại diện của Trung Quốc vẫn còn thấp. Bắc Kinh chỉ có gần 1.600 nhân viên tại LHQ vào năm 2022, so với hơn 5.000 người của Washington.
“Trung Quốc đã mài giũa khả năng dẫn dắt các nghị quyết, đưa ra nhượng bộ và đạt được sự đồng thuận. Ðiều đó giúp họ giành vị thế tốt hơn trong hệ thống quốc tế hiện nay”, một cựu quan chức ngoại giao LHQ nhận định.
Ngoài Geneva, Trung Quốc cũng tăng cường hiện diện tại các vị trí then chốt của LHQ trong năm nay. Trong 2 tháng qua, các công dân Trung Quốc đã được bổ nhiệm làm điều phối viên thường trú tại Botswana và Maldives - đại diện cấp cao nhất của LHQ tại các quốc gia. Ðây là sự bứt tốc kể từ lần bổ nhiệm đầu tiên của Trung Quốc tại Namibia vào năm 2020.
Theo báo Financial Times, giới chức châu Âu đã bắt đầu phối hợp chặt chẽ hơn với các chính phủ phương Tây khác để đảm nhận các vai trò lãnh đạo mà Mỹ nắm giữ ở LHQ lâu nay. Phía châu Âu muốn chủ động lấp vào khoảng trống địa chính trị đang nổi lên, thay vì để nó rơi vào tay Trung Quốc.
HẠNH NGUYÊN (Tổng hợp)