25/07/2025 - 09:06

Vị thế tên lửa siêu vượt âm của Ấn Ðộ 

Với tiến độ phát triển kho vũ khí siêu vượt âm và có khả năng hạt nhân như hiện nay, các chuyên gia quân sự cho biết Ấn Độ có thể làm thay đổi cán cân quyền lực ở châu Á.

Ấn Ðộ phóng thử thành công tên lửa siêu vượt âm có khả năng mang đầu đạn hạt nhân Agni-I. Ảnh: DRDO

Đầu tháng 7, Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng Ấn Độ (DRDO) cho biết đã thử nghiệm thành công vũ khí có khả năng mang đầu đạn hạt nhân Prithvi-II và Agni-I cùng với tên lửa Akash Prime.

Đánh dấu cột mốc quan trọng trong chương trình phát triển tên lửa của Ấn Độ, DRDO hồi trung tuần tháng 7 tiếp tục thử nghiệm hệ thống tên lửa phát triển trong nước được coi là tiên tiến nhất từ trước đến nay.

Được phát triển theo Dự án Vishnu, tên lửa hành trình siêu vượt âm tầm xa quỹ đạo mở rộng (ET-LDHCM) nói trên có tầm bắn lên tới 1.500km và được trang bị động cơ phản lực scramjet nội địa. Đây là bước đột phá công nghệ quan trọng, cho phép tên lửa bay liên tục với tốc độ lên tới Mach 8 (hơn 9.000 km/giờ) ở nhiệt độ 2.000°C, tăng cường khả năng xâm nhập sâu vào lãnh thổ của đối phương và nhắm vào các mục tiêu quan trọng như hệ thống radar, trung tâm chỉ huy và tàu hải quân.

Mang theo đầu đạn thông thường lẫn hạt nhân trọng lượng từ 1.000 đến 2.000kg, ET-LDHCM không chỉ nổi bật về tốc độ và tầm bay mà còn sở hữu khả năng tàng hình đáng gờm nhờ hiệu ứng plasma. Hoạt động ở độ cao thấp và gần như không thể bị radar phát hiện, các thao tác cơ động giữa chuyến bay còn cho phép tên lửa thay đổi đường bay giữa chừng, thách thức hầu hết các hệ thống phòng không hiện đại.

Được thiết kế với hiệu suất vượt trội đáng kể so với tên lửa hành trình siêu thanh chống hạm/tấn công mặt đất tầm trung BrahMos do liên doanh giữa Ấn Độ và Nga phát triển, ET-LDHCM tương thích với tất cả nền tảng phóng trên bộ, trên biển và trên không, tạo nên lợi thế đáng kể cho quân đội Ấn Độ khi tăng cường phạm vi chiến lược trong nhiều tình huống khác nhau. Đây cũng là nền tảng giúp New Delhi củng cố năng lực răn đe tổng thể trước các đối thủ khu vực và ứng phó ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương; đồng thời tạo động lực đưa Ấn Độ trở thành cường quốc ở Nam Á và trên toàn lục địa trong bối cảnh an ninh khu vực đang biến đổi nhanh chóng.

Theo giới quan sát, hệ sinh thái quốc phòng Ấn Độ đang có sự chuyển đổi đáng kể. Trong đó, thành công của thử nghiệm tên lửa ET-LDHCM giúp Ấn Độ gia nhập nhóm các quốc gia ưu tú sở hữu công nghệ vũ khí siêu vượt âm nội địa gồm Mỹ, Nga và Trung Quốc. Tuy nhiên, phương pháp bản địa của Ấn Độ với Dự án Vishnu đi đầu lại tạo nên sự khác biệt bằng cách giảm thiểu sự phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài và tăng cường tính tự chủ chiến lược.

Sáng kiến trên là bước tiến chiến lược và đại diện cho nỗ lực đầy tham vọng đưa Ấn Độ vươn đến vị thế cường quốc công nghệ và quân sự toàn cầu. Ngoài ý nghĩa quân sự, Dự án Vishnu còn ảnh hưởng sâu rộng đối với lĩnh vực hàng không vũ trụ và dân sự của Ấn Độ. Trong đó, những tiến bộ trong công nghệ đẩy siêu thanh, khoa học vật liệu và hệ thống dẫn đường có thể nâng cao năng lực phóng vệ tinh, giảm chi phí và tăng khả năng tiếp cận không gian. Về mặt kinh tế, dự án được kỳ vọng thúc đẩy hệ sinh thái công nghiệp quốc phòng trong nước khi thu hút các doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ, từ đó tạo ra cơ hội đổi mới để phát triển kỹ năng và tiềm năng xuất khẩu.

MAI QUYÊN
(Theo Eurasiantimes, Defence Industry Europe)

Chia sẻ bài viết