25/07/2025 - 09:06

“Ðàn cá gỗ” - hiện tượng phim ngắn thành công nhờ âm nhạc 

Xuất phát là một đồ án tốt nghiệp, phim ngắn “Đàn cá gỗ” của đạo diễn Nguyễn Phạm Thành Đạt giành giải Nhất tại Cánh Diều Vàng 2024. Ít lâu sau, MV “Phép màu” - nhạc phim chính của “Đàn cá gỗ” ra mắt và nhanh chóng nổi tiếng. Tận dụng sức hút này, phim chính thức ra rạp giữa tháng 7, trở thành phim ngắn hiếm hoi được chiếu thương mại, gây ngạc nhiên khi vươn lên dẫn đầu phòng vé. Tuy nhiên, phim nhận nhiều ý kiến khen chê trái chiều.

Hình ảnh trong phim và trong MV “Phép màu”.

Tính đến ngày 29-6, sau hơn 4 tháng phát hành chính thức, MV “Đàn cá gỗ” đạt hơn 31 triệu lượt xem trên Youtube, hơn 13 triệu lượt nghe trên Spotify và dẫn đầu bảng xếp hạng The Official Vietnam Chart. Đến nay, MV đạt hơn 39 triệu lượt xem trên YouTube. Ca khúc do diễn viên chính của phim - Nguyễn Hùng - sáng tác, thể hiện và nhanh chóng trở thành hiện tượng nhờ giai điệu dễ nghe, ca từ ý nghĩa, hình ảnh đẹp. Các bình luận để lại trên các nền tảng đều có sự đồng cảm với nội dung bài hát, đồng thời chia sẻ câu chuyện, nỗi niềm của mình…

Sự lan tỏa của ca khúc cùng với giải thưởng Cánh Diều Vàng khiến công chúng tò mò muốn xem phim. Và thế là khi phim ra rạp với giá vé chỉ 39.000 đồng (bằng nửa giá vé phim bình thường), phim được đông đảo khán giả ủng hộ. Trong đó, phần lớn là những người đến xem vì yêu thích “Phép màu”.

Lấy bối cảnh ở một làng chài ven biển miền Trung, bộ phim kể về Cường (Nguyễn Hùng), một chàng trai trẻ đam mê âm nhạc mãnh liệt, song buộc phải gác lại mọi thứ để kế thừa công việc của cha mình, lênh đênh trên biển, lo sinh kế. Tuy nhiên, biển ngày càng ít cá, những chuyến ra khơi thường lỗ vốn. Hoa (Minh Hà) - vợ Cường - thuyết phục chồng bán tàu để lên thành phố theo đuổi giấc mơ âm nhạc. Thế nhưng, ngay cả việc bán tàu cũng gặp trắc trở khiến cuộc sống của Cường càng thêm bí bách…

Thời lượng phim chỉ có 30 phút, bằng 1/3 độ dài của một bộ phim thông thường nên khó có thể chuyển tải hết nội dung, thông điệp một cách hoàn chỉnh. Do đó, tác phẩm tập trung khai thác một lát cắt duy nhất, đó là xung đột nội tâm của nhân vật chính xoay quanh việc tiếp tục theo đuổi đam mê hay gắn bó với nghề biển. Sự mâu thuẫn giữa trách nhiệm gia đình và khát vọng cá nhân là cuộc đấu tranh không chỉ của Cường, mà của nhiều những người trẻ hiện nay. Hơn hết là con đường thực hiện ước mơ, sở thích không hề dễ dàng với bao gánh nặng cơm áo, gạo tiền…

Ý tưởng hay nhưng đáng tiếc cách thể hiện của phim chưa chạm tới người xem. Tuy bố cục phim lớp lang, câu chuyện dễ hiểu nhưng lại thiếu cao trào, thiếu điểm nhấn và cái kết khiến nhiều người hụt hẫng. Bởi họ chỉ vừa mới xót thương cho nhân vật thì phim đã hết, không giải quyết được gì. Với đạo diễn, cái kết mở mang ý đồ về hiện thực cuộc sống không có gì là dễ dàng, nhưng với tâm lý số đông khán giả, họ vẫn hy vọng một tia sáng hoặc ít ra cho nhân vật được nói, được nghĩ về tương lai của mình chứ không phải kết thúc lửng lơ như thế.

Có thể do khán giả kỳ vọng thưởng thức một bộ phim giàu cảm xúc, nhất là sau khi MV ca nhạc quá thành công, mà quên mất rằng đây chỉ là phim ngắn - một thể loại mang nhiều tính sáng tạo, thử nghiệm cá nhân, đôi khi không theo tiêu chuẩn thông thường. Và khi thực hiện dự án này, ê-kíp gần như không có chủ đích xây dựng nội dung hướng đến việc chiếu rộng rãi, nên cách kể chuyện của “Đàn cá gỗ” không nhận được những phản hồi tích cực của số đông là điều dễ hiểu.

Điểm sáng lớn nhất của phim là âm nhạc và hình ảnh. 3 ca khúc của phim, trong đó chủ đạo là “Phép màu” đều là những sáng tác hoàn toàn mới, mang âm hưởng tha thiết, ca từ ý nghĩa, hợp “gu” khán giả trẻ. Hình ảnh phim sát thực tế khi khắc họa hành trình mưu sinh vất vả của những tàu cá trên biển, lại vẫn nên thơ với khung cảnh tự nhiên của làng chài, của đại dương, của tình yêu đẹp tuổi hoa niên… Đặc biệt là phân đoạn Cường chìm sâu dưới lòng biển, ôm đàn giữa vòng xoáy của đàn cá và ánh sáng huyền ảo xuyên qua làn nước. Đây là khoảnh khắc Cường thăng hoa trong giấc mơ và cũng là hình ảnh ấn tượng nhất phim.

CÁT ĐẰNG

Chia sẻ bài viết