25/07/2025 - 09:06

Bức tranh kinh tế nhiều gam màu sáng, nhưng thách thức còn ở phía trước 

Trong 6 tháng đầu năm 2025, kinh tế Việt Nam tăng trưởng tích cực, tiệm cận mục tiêu đề ra. Kết quả này là nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo quyết liệt, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, sự ủng hộ, đồng hành của doanh nghiệp và người dân trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, đầy biến động của khu vực và thế giới.

Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Kwong Lung Meko.

Trong 6 tháng đầu năm 2025, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, khó dự đoán, đặc biệt là chính sách của Hoa Kỳ và phản ứng của các nước. Căng thẳng thuế quan giữa Hoa Kỳ và các nước làm gián đoạn chuỗi cung ứng, nguy cơ chiến tranh thương mại đã tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Bên cạnh đó, thiên tai, biến đổi khí hậu gây hậu quả nghiêm trọng; thách thức đối với đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh mạng... ngày càng gia tăng.

Trong nước, với quyết tâm cao nhất để huy động và khơi thông mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội, trong một thời gian ngắn, cả hệ thống chính trị đã tập trung hoàn thành khối lượng công việc rất lớn để triển khai thực hiện cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy Chính phủ, sắp xếp lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng tổ chức chính quyền địa phương hai cấp. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện đồng bộ các quy định pháp luật liên quan, quy định phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền gắn với tổ chức chính quyền địa phương hai cấp; triển khai các Nghị quyết lớn của Trung ương về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, hội nhập quốc tế, đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật, phát triển kinh tế tư nhân...

Theo bà Nguyễn Thị Hương, Cục trưởng Cục Thống kê, Bộ Tài chính, các chỉ tiêu thống kê quý II và 6 tháng đầu năm 2025 cho thấy, kinh tế vĩ mô trong nước tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp; cung cầu hàng hóa thiết yếu được bảo đảm, hoạt động mua sắm hàng hóa, tiêu dùng nội địa duy trì mức tăng khá; khách quốc tế đến nước ta đạt mức tăng cao. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục là trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế với mức tăng trưởng ổn định, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu trong nước và tăng cường xuất khẩu. Sản xuất công nghiệp tăng trưởng cao nhất trong 5 năm qua; tốc độ tăng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước. Về các chỉ tiêu xã hội, thu nhập bình quân tháng của người lao động tăng so với cùng kỳ năm trước, tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động giảm; an sinh xã hội được quan tâm và thực hiện kịp thời, rộng khắp.

Theo đó, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II-2025 tăng trưởng tích cực, với tốc độ tăng ước đạt 7,96% so với cùng kỳ năm trước, chỉ thấp hơn tốc độ tăng 8,56% của quý II-2022 trong giai đoạn 2020-2025. GDP 6 tháng đầu năm 2025 tăng 7,52% so với cùng kỳ năm trước, là mức cao nhất của 6 tháng đầu năm trong giai đoạn 2011-2025. Trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,84%, đóng góp 5,59%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,33%, đóng góp 42,20%; khu vực dịch vụ tăng 8,14%, đóng góp 52,21%.

Trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, ngành Nông nghiệp duy trì tăng trưởng ổn định, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và phục vụ xuất khẩu. Giá trị tăng thêm ngành nông nghiệp 6 tháng đầu năm 2025 tăng 3,51% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,29 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành lâm nghiệp tăng 7,42% nhưng chiếm tỷ trọng thấp nên chỉ đóng góp 0,04 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 4,21%, đóng góp 0,10 điểm phần trăm.

Khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp đạt mức tăng trưởng cao, giá trị tăng thêm toàn ngành 6 tháng đầu năm 2025 tăng 8,07% so với cùng kỳ năm trước, chỉ thấp hơn mức tăng 8,89% của cùng kỳ năm 2022 trong giai đoạn 2020-2025, đóng góp 2,64 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 10,11%, đóng góp 2,55 điểm phần trăm; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 4,20%, đóng góp 0,17 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,30%, đóng góp 0,04 điểm phần trăm...

Đối với khu vực dịch vụ, hoạt động ngoại thương, vận tải, du lịch tăng cao đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của khu vực và thế giới, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế. Giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ 6 tháng đầu năm 2025 tăng 8,14% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất so với cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2011-2025. Đóng góp của một số ngành dịch vụ thị trường có tỷ trọng lớn vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế có thể kể đến như bán buôn và bán lẻ tăng 7,03% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,76 điểm phần trăm; ngành vận tải, kho bãi tăng 9,82%, đóng góp 0,69 điểm phần trăm; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 10,46%, đóng góp 0,29 điểm phần trăm.

Các chuyên gia dự báo, 6 tháng cuối năm 2025, kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nên chịu tác động không nhỏ từ các biến động về kinh tế, chính trị. Cùng với đó, dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu... tiếp tục ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế - xã hội nước ta.

Bà Nguyễn Thị Hương cho biết: Để đạt mục tiêu tăng trưởng trên 8% của năm 2025 là thách thức lớn, cần sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, của Chính phủ, doanh nghiệp, nhân dân cả nước và sự ủng hộ, hỗ trợ của bạn bè quốc tế. Các ngành, các cấp tăng cường cập nhật, dự báo tình hình, chủ động điều hành linh hoạt, phù hợp với tình hình mới, kịp thời ứng phó với các tình huống phát sinh, kiên định thực hiện hiệu quả mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội và đời sống của người dân.

Bên cạnh đó, Cục Thống kê cũng đưa ra 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung thực hiện trong 6 tháng cuối năm. Một là, kiên trì giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô; bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; nâng cao tính tự chủ, khả năng thích ứng và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Hai là, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, thúc đẩy quan hệ thương mại hài hòa, bền vững; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất và thị trường xuất khẩu gắn với nâng cao chất lượng sản phẩm; tham gia sâu, rộng hơn vào các chuỗi cung ứng khu vực, toàn cầu. Ba là, có giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, kịp thời hơn để tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng tiếp theo của năm 2025. Bốn là, đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng hiện đại hóa, nâng cao năng suất, chất lượng của sản phẩm các ngành công nghiệp có lợi thế; phát triển các lĩnh vực công nghiệp mới nổi như chip, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo… Năm là, thực hiện có hiệu quả và kịp thời các chính sách an sinh xã hội.

Bài, ảnh: CHI MAI

Chia sẻ bài viết