Tại cuộc họp báo chung ở Nhà Trắng hôm 25-9, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đều bày tỏ ủng hộ việc duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông. Trong đó, Chủ tịch Tập Cận Bình lần đầu tiên công khai cam kết sẽ không "quân sự hóa" cái gọi là "đảo nhân tạo" mà Bắc Kinh đã và đang xây dựng ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Lãnh đạo Trung Quốc cũng lưu ý cả Mỹ và Trung Quốc đều thống nhất hỗ trợ thực hiện toàn diện và hiệu quả Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) cũng như sớm hoàn thành các cuộc đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) dựa trên sự đồng thuận.
Tuy nhiên, hai bên vẫn cho thấy mâu thuẫn trong buổi thảo luận "thẳng thắn" về tranh chấp ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đặc biệt là tình hình căng thẳng leo thang ở Biển Đông. Trong đó, Tổng thống Obama vừa bày tỏ quan ngại về hoạt động bồi đắp, xây dựng cải tạo và quân sự hóa của Trung Quốc tại khu vực tranh chấp vừa tạo sức ép về vấn đề Trung Quốc phải ngừng hoạt động xây dựng ở quần đảo Trường Sa vốn làm tăng mối quan ngại về tham vọng quân sự của Bắc Kinh. Theo ông chủ Nhà Trắng, tranh chấp phải được giải quyết theo luật pháp quốc tế và nhấn mạnh những nguyên tắc phải được tôn trọng khi Trung Quốc "đã là một cường quốc và có trách nhiệm duy trì các quy tắc quốc tế".
Đáp lại sức ép từ phía Mỹ, ông Tập nhắc lại luận điểm lâu nay của Bắc Kinh về cái gọi là "chủ quyền" của Trung Quốc đối với khu vực mà nước này chiếm đóng ở Biển Đông đã "có từ thời cổ đại" và Bắc Kinh có quyền duy trì và bảo vệ "chủ quyền lãnh thổ, lợi ích hàng hải hợp pháp chính đáng". "Hoạt động xây dựng có liên quan mà Trung Quốc đang tiến hành ở Biển Đông không gây ảnh hưởng hoặc nhắm đến bất kỳ quốc gia nào và Trung Quốc cũng không có ý định theo đuổi mục tiêu quân sự" ông Tập khẳng định. Nhà cầm quyền Bắc Kinh cũng nhắc lại cam kết đảm bảo tự do hàng hải cũng như giải quyết tranh chấp thông qua đối thoại. Theo ông, cả hai nước Mỹ - Trung đều quan tâm và chia sẻ lợi ích trong vấn đề Biển Đông. Tuy vậy, ông Tập không đề cập chi tiết lộ trình cũng như cam kết này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa.
Theo một quan chức Mỹ cấp cao, tuyên bố của ông Tập thoạt nhìn có vẻ "mới" nhưng nội dung vẫn là giọng điệu của giới chức Trung Quốc lâu nay. "Ngôn từ trong tuyên bố của ông Tập là mới. Nhưng chúng ta không rõ từ "quân sự hóa" mà ông đề cập có ý nghĩa như thế nào. Là chiến đấu cơ Trung Quốc sẽ không sử dụng đường băng hay không triển khai tên lửa ở khu vực này?"- chuyên gia về quân đội Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Bonnie Glaser nêu thắc mắc.
Ngoài mâu thuẫn xung quanh vấn đề Biển Đông, Tổng thống Obama tại cuộc họp báo còn trực tiếp cáo buộc chính quyền Bắc Kinh tham gia hoạt động đánh cắp dữ liệu và bí mật thương mại của các công ty Mỹ. Qua đó, ông chủ Nhà Trắng kêu gọi Trung Quốc phải chấm dứt hoạt động gián điệp mạng và để ngỏ việc áp đặt lệnh trừng phạt với các tổ chức, cá nhân Trung Quốc vi phạm. Đối với tuyên bố bác bỏ của ông Tập về vai trò của Chính phủ Trung Quốc trong hành vi trộm cắp bí mật thương mại, không chính trị hóa vấn đề để tránh tình huống đối đầu, Tổng thống Obama thẳng thừng tuyên bố: "Vấn đề ở đây là liệu sau lời nói có kèm theo hành động hay không" và khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục theo dõi sát sao vấn đề này.
Tuy mâu thuẫn còn gay gắt, nhưng lãnh đạo 2 nước cũng đạt được "tầm nhìn chung" trong nỗ lực chống lại sự nóng lên toàn cầu trước thời điểm diễn ra hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu tại Thủ đô Paris (Pháp) vào cuối năm nay. Hai bên cũng đồng ý xây dựng cơ chế đối thoại và thiết lập đường dây nóng giữa các quan chức. Liên quan đến kinh tế, Trung Quốc cho biết sẽ tránh "giảm giá" đồng Nhân dân tệ so với đồng USD và tiếp tục đẩy mạnh cải cách thị trường.
MAI QUYÊN
(Theo WSJ, Reuters, AP, AFP, SCMP)