Trung Quốc vừa đăng tải các bức ảnh chính thức đầu tiên về J-35A, chiến đấu cơ tàng hình thế hệ thứ năm do nước này phát triển. Song, điều đáng nói J-35A bị “đồn” là được phát triển bằng “nhiều terabyte” dữ liệu quân sự Mỹ bị đánh cắp.
Chiếc J-35A mẫu của Trung Quốc. Ảnh: Không quân Trung Quốc
Theo Ðại tá Niu Wenbo, người phát ngôn quân đội Trung Quốc, J-35A sẽ được ra mắt tại Triển lãm Hàng không và Vũ trụ Quốc tế Trung Quốc lần thứ 15 hay còn được gọi là Triển lãm Hàng không Chu Hải 2024 diễn ra từ 12-17/11. “Ðây là lần đầu các thiết bị mới như máy bay chiến đấu tàng hình đa năng hạng trung J-35A, hệ thống tên lửa đất đối không HQ-19 và một loại máy bay không người lái trinh sát và tấn công sẽ được giới thiệu trước công chúng” - ông Niu cho biết.
J-35A là máy bay chiến đấu đa năng tàng hình thế hệ mới được Viện thiết kế máy bay Thẩm Dương thuộc Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc nghiên cứu phát triển. J-35A được áp dụng thiết kế tích hợp về cấu trúc khí động học và khả năng tàng hình, vốn là thành phần quan trọng của hệ thống chiến đấu tàng hình và chống tàng hình quy mô lớn của Không quân Trung Quốc. Sở dĩ J-35A bị “đồn” như trên là bởi chiến đấu cơ này có thiết kế tương tự như chiến đấu cơ F-35 của Mỹ. Theo đó, cả 2 đều có khoang vũ khí bên trong đặc trưng để duy trì hình dạng tàng hình tránh radar của đối phương cũng như hệ thống hút khí động học bên dưới
buồng lái.
Tuy nhiên, chuyên gia quân sự Thomas Newdick cho biết J-35A được chế tạo dựa trên nguyên mẫu chiến đấu cơ tàng hình FC-31 của Trung Quốc. Ông Newdick nhấn mạnh, dù hoạt động gián điệp có thể giữ vai trò trong quá trình phát triển máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm của Trung Quốc nhưng các máy bay này không phải là “bản sao” hoàn toàn, bởi J-35A có nhiều điểm khác biệt so với F-35. Cụ thể, động cơ đôi trên J-35A khác biệt với động cơ phản lực cánh quạt đơn khổng lồ của F-35; J-35A có thiết kế thanh mảnh và bóng bẩy hơn, tránh được một số lỗi thiết kế của F-35. Chưa kể, J-35A cũng được cho là nhanh hơn F-35, có khả năng đạt tốc độ tối đa Mach 2.0, so với tốc độ tối đa Mach 1.6 của F-35. Trong ngành hàng không vũ trụ, Mach là đơn vị phổ biến để đo tốc độ của máy bay. Trong không khí ở điều kiện thường, tốc độ lớn hơn hoặc bằng Mach 1 (1235 km/giờ) là tốc độ siêu thanh. Tốc độ lớn hơn Mach 5 gọi là cực
siêu thanh.
Theo ông Newdick, J-35A còn được tối ưu hóa để cất cánh thông qua “hệ thống máy phóng điện từ” trên Phúc Kiến, tàu sân bay mới nhất và hiện đại nhất của Trung Quốc.
Trong khi đó, Zhang Xinmin, cựu phó cơ trưởng Phi đội nhào lộn Bayi thuộc Không quân Trung Quốc, nói với tờ Aaj News rằng J-35A đã được chế tạo riêng để có thể “sinh tồn” trong các điều kiện khắc nghiệt, như môi trường có nhiều muối và độ ẩm cao.
J-35A là chiến đấu cơ tàng hình tránh được radar thứ hai trong kho vũ khí quân sự của Trung Quốc, sau chiếc J-20 được đưa vào sử dụng vào năm 2017. Theo nhà phân tích quân sự Wang Mingzhi, trong khi J-20 là “chiến đấu cơ tàng hình hạng nặng” thì J-35A là “chiến đấu cơ tàng hình đa chức năng cỡ trung”. Việc ra mắt J-35A đồng nghĩa Không quân Trung Quốc sẽ có cùng lúc 2 máy bay chiến đấu tàng hình, trở thành quốc gia thứ hai trên thế giới trang bị đồng thời 2 tiêm kích tàng hình, tiếp sau Không quân Mỹ trang bị F-22 và F-35.
“Ðiểm khác biệt chính là J-20 tập trung vào nhiệm vụ chiếm ưu thế trên không trong khi J-35A linh hoạt, có khả năng theo đuổi chiếm ưu thế trên không và thực hiện nhiều nhiệm vụ tấn công trên bộ và trên biển” - ông Wang giải thích. Ông này cho rằng trong các hoạt động trong tương lai, 2 chiến đấu cơ này có thể nhắm mục tiêu chính xác vào cả mục tiêu trên bộ và trên biển theo cách phối hợp.
Theo ước tính của công ty tư vấn công nghệ quân sự Yuan Wang, mỗi chiếc J-35A có giá từ 21-36 triệu USD, trong khi mỗi chiếc F-35 của Mỹ có giá khoảng 109 triệu USD.
Tại Triển lãm Hàng không Chu Hải 2024, Trung Quốc cũng lần đầu tiên sẽ ra mắt mẫu chiến đấu cơ J-15T sử dụng cho tàu sân bay. J-15T là phiên bản mới của J-15 Flying Shark, máy bay chiến đấu thế hệ 4.5 dựa trên Su-33 của Nga. Các mẫu J-15 hiện tại đang được triển khai trên tàu sân bay Liêu Ninh và Sơn Đông của Trung Quốc. Phiên bản mới này đã được sửa đổi để cho phép J-15T được phóng bằng hệ thống máy phóng của tàu sân bay, đồng nghĩa với việc máy bay có thể mang theo nhiều nhiên liệu, đạn dược hơn và bay xa hơn. Việc ra mắt J-15T và J-35A cho thấy những bước tiến đáng kể về năng lực của không quân Trung Quốc, đồng thời cho thấy sự tiến bộ vượt bậc trong lĩnh vực hàng không quân sự của Bắc Kinh.
TRÍ VĂN (Tổng hợp)