21/06/2022 - 21:07

Trung Quốc khó trở thành siêu cường tài chính 

MAI QUYÊN

Trung Quốc đang vươn lên như một thế lực kinh tế nhưng khó mà đạt được vị thế cường quốc tài chính như Mỹ hay Nhật Bản, theo đánh giá của tờ Financial Times.

Trung tâm tài chính Hong Kong (Trung Quốc). Ảnh: Bloomberg

Mỹ từng trỗi dậy với tư cách một lực lượng kinh tế và trở thành siêu cường tài chính, trước khi đồng USD được xác định vai trò ngoại tệ dự trữ quốc tế vào những năm 1920. Các đế quốc khác như Anh hay Bồ Ðào Nha trong thế kỷ 15 cũng phát triển theo quỹ đạo tương tự. Riêng Trung Quốc dường như không theo quy tắc này.

Hệ thống tài chính không theo khuôn mẫu

Hai thập kỷ trước, khi Trung Quốc mở cửa giao thương quốc tế, nước này dường như đi đúng hướng để khẳng định vị thế kinh tế và tài chính toàn cầu. Kể từ năm 2000, tỷ trọng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu của Trung Quốc tăng gần gấp 5 lần từ 4% lên 18%, tỷ trọng thương mại cũng tăng gấp 4 lần lên 15% - tốc độ tăng trưởng được đánh giá là nhanh nhất thế giới.

Ðến những năm 2010, Bắc Kinh bắt đầu phát đi những tham vọng tài chính của mình, bao gồm thúc đẩy đồng nhân dân tệ (NDT) trở thành tiền tệ toàn cầu. Nhưng nỗ lực này đến nay chỉ đạt những tiến bộ nhỏ. So với đồng USD chiếm khoảng 90% các giao dịch ngoại hối, chỉ 5% giao dịch sử dụng NDT. Hiện đồng bạc xanh được hơn một nửa các quốc gia trên thế giới dùng làm “mỏ neo” tỷ giá, nhưng không nước nào dùng NDT. Tỷ trọng đồng NDT thanh toán qua Mạng lưới Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng (Swift), vốn ở mức chưa tới 3%, cũng đã giảm 1/5 kể từ năm 2015. Năm ngoái, dữ liệu về cơ cấu dự trữ ngoại tệ chính thức được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố cho thấy, tỷ lệ đồng NDT trong dự trữ ngoại hối toàn cầu đạt 2,45%. Các chuyên gia tài chính Trung Quốc ca ngợi đây là tiến bộ vượt bậc, nhưng tỷ lệ này thấp hơn so với dự đoán của giới phân tích và chỉ bằng tỷ lệ của các nền kinh tế nhỏ hơn như Canada hoặc Úc.

Cùng với tốc độ phát triển rất chậm của đồng nội tệ, chứng khoán Trung Quốc đến nay vẫn là một trong những thị trường hoạt động yếu nhất thế giới. Ở đại lục cũng không có thành phố nào vượt quá vị thế trung tâm tài chính khu vực. Tất cả những điều trên rất khác so với những câu chuyện thành công mà Bắc Kinh hướng tới. Chẳng hạn như Nhật Bản, nước này trong thời kỳ phát triển bùng nổ vào những năm 1980 đã vươn lên như một cường quốc tài chính - kinh tế. Ðồng yen và thị trường chứng khoán của Nhật khi đó cũng rất mạnh và Tokyo nổi lên như một trung tâm tài chính toàn cầu.

Trở ngại cho tham vọng siêu cường tài chính

Giới phân tích cho rằng, rào cản lớn nhất hiện nay là lòng tin. Ðối với các nhà đầu tư nước ngoài, hầu hết đều cảnh giác với tình trạng Chính phủ Trung Quốc can thiệp quá sâu vào kinh tế. Trong số 165 quốc gia được xếp hạng về chỉ số độ mở tài chính, Trung Quốc nằm ở vị trí 106 cùng với các quốc gia nhỏ bé như Madagascar, Moldova. Nhà đầu tư nước ngoài hiện chỉ sở hữu khoảng 5% cổ phiếu ở Trung Quốc so với 25-30% ở các thị trường mới nổi khác, cũng như khoảng 3% trái phiếu ở Trung Quốc so với khoảng 20% ​​ở các quốc gia đang phát triển. Còn nhà đầu tư trong nước thì bị hạn chế đưa vốn ra nước ngoài mà lại không mấy tin tưởng hệ thống tài chính nước nhà. Hơn nữa, việc Trung Quốc in quá nhiều tiền để kích thích tăng trưởng trong 10 năm qua rốt cuộc lại làm suy yếu nền kinh tế và thị trường. Sự nghi ngờ toàn cầu về thị trường Trung Quốc cũng làm hạn chế sức hấp dẫn của đồng NDT.

Bất chấp trở ngại, Trung Quốc vẫn đặt mục tiêu trở thành siêu cường tài chính. Bởi vì các nhà lãnh đạo ở Bắc Kinh đã thấy rõ vị thế thống trị của đồng USD cho phép Mỹ “vũ khí hóa” tài chính để trừng phạt Nga, và họ muốn có đòn bẩy tương tự. Vấn đề là Bắc Kinh hiện chưa đủ tự tin để thực hiện các bước cơ bản như dỡ bỏ kiểm soát vốn và giúp đồng nhân dân tệ chuyển đổi hoàn toàn, do vậy mà sẽ khó hiện thực hóa tham vọng trở thành siêu cường tài chính.

Chia sẻ bài viết