02/08/2021 - 07:20

Trung Quốc “khát” lao động nhập cư trẻ 

Trong bối cảnh lực lượng lao động nhập cư từ nông thôn lên thành thị ở Trung Quốc ngày càng già đi và thu hẹp dần, tình trạng thiếu hụt lao động trẻ bắt đầu xuất hiện trong một số lĩnh vực sản xuất truyền thống.

Thiếu nhân công trầm trọng

Công nhân Trung Quốc trong giờ làm việc. Ảnh: SCMP

Công nhân Trung Quốc trong giờ làm việc. Ảnh: SCMP

Sau khi vượt qua đại dịch COVID-19, Cai Zhongpeng, chủ của Fengrun Electric Lighting, nhà máy sản xuất bóng đèn sưởi hồng ngoại dành cho chăn nuôi ở thành phố Hồ Châu (tỉnh Chiết Giang), đang phải đối mặt với mối đe dọa lâu dài khác, nguy hiểm hơn, đó là tình trạng thiếu lao động trẻ. “Có khoảng 60 công nhân đang làm việc tại nhà máy tôi nhưng đa số họ đều ở độ tuổi ngoài 50. Hầu hết công nhân trong các nhà máy trên khắp đất nước hiện cũng ở độ tuổi 40 và 50. Hiếm khi thấy những công nhân trẻ tuổi” - ông Cai cho biết.

Thật ra, doanh nhân này chỉ là một trong vô số nhà sản xuất nhỏ lẻ trên khắp nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang gặp khó trong việc tìm kiếm nhân viên khi lực lượng lao động nhập cư ngày càng giảm dần và già đi. Theo Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS), tỷ lệ lao động nhập cư trên 50 tuổi tại nước này năm 2019 lên tới 24,6%, tăng hơn gấp đôi so với mức chỉ 11,4% hồi năm 2008. Trong khi đó, tỷ lệ lao động nhập cư độ tuổi 16-20 giảm từ 10,7% xuống còn 2%, còn nhóm lao động 21-30 tuổi giảm từ hơn 35% xuống còn 23,1%.

Lực lượng lao động nhập cư không chỉ già đi mà còn thu hẹp. Tốc độ tăng trưởng lao động nhập cư của Trung Quốc đạt đỉnh 5,42% vào năm 2010, sau đó thấp dần xuống mức 0,84% vào năm 2019, trước khi giảm 1,78% hồi năm ngoái, một phần do các biện pháp phong tỏa nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19.

Uớc tính, hiện có khoảng 285 triệu lao động nhập cư làm việc tại các dây chuyền sản xuất, công trường xây dựng và giúp việc cho những người giàu có Trung Quốc. Tuy vậy, vẫn xảy ra tình trạng thiếu lao động trầm trọng khiến một số dây chuyền sản xuất truyền thống phải “đau đầu” trong việc tìm đủ người trẻ làm việc.

Nguyên nhân từ đâu?

Mặc dù Chính phủ Trung Quốc thúc đẩy tự động hóa để lấp đầy khoảng trống đó nhưng nhiều công ty quy mô nhỏ lại không đủ khả năng thay thế lực lượng lao động bằng robot. Mặt khác, việc đẩy mạnh sử dụng tự động hóa trong các nhà máy sản xuất đang làm trầm trọng thêm vấn đề, bởi nó khiến tiền lương giảm, khiến công việc tại nhà máy trở nên kém hấp dẫn hơn đối với giới trẻ vốn không thích làm việc trong thời gian dài với mức lương thấp.

Theo báo cáo của NBS hồi năm 2019, khoảng 49% lao động nhập cư làm việc trong các ngành công nghiệp thứ cấp, hầu hết trong số này làm việc trong lĩnh vực sản xuất và xây dựng. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc phát triển khá và hướng tới tiêu dùng nội địa, thế hệ trẻ ngày càng lựa chọn làm việc trong các lĩnh vực dịch vụ. “Tôi phát ngán khi phải làm việc 6 ngày/tuần, 10 tiếng/ngày trong nhà máy. Tôi sẽ không bao giờ làm công nhân nhà máy như bố mẹ tôi” - Li Ming, trạc 20 tuổi, nhân viên giao thực phẩm ở tỉnh Quảng Châu, điển hình cho giới trẻ Trung Quốc thờ ơ với công việc tại nhà máy, cho biết. Theo Li, thu nhập hàng tháng hiện tại của anh tốt hơn lúc anh làm việc tại nhà máy. Không những vậy, Li còn có nhiều thời gian hơn để chơi game hoặc lướt mạng xã hội.

Những trường hợp như Li đang khiến các công ty quy mô nhỏ gặp nhiều thách thức trong tuyển dụng nhân công. “Bây giờ, ngoại trừ những nhà máy khổng lồ với quy mô từ 10.000 công nhân trở lên, các doanh nghiệp vừa và nhỏ rất khó tuyển dụng công nhân ở độ tuổi 20 và 30” - Liu Kaiming, nhà sáng lập Viện quan sát đương đại ở Thâm Quyến, cho biết.

Mặt khác, việc các nhà máy chậm trả lương hay mức lương giảm cũng là nguyên nhân khiến giới trẻ không mặn mà. Peng Biao, chuyên gia phân tích của trang Fashionprint.com chuyên giám sát chuỗi cung ứng, đưa ra ví dụ: Với cùng một công việc, công nhân kiếm được 6.000NDT (khoảng 928USD) vào năm 2018 nhưng giờ họ chỉ kiếm được 5.000NDT. Chi phí dành cho nhân công trong tổng chi phí của nhà máy đã giảm 20% so với năm 2019 do ngày càng nhiều công ty áp dụng dây chuyền sản xuất tự động. Đại dịch COVID-19 càng thúc đẩy xu hướng này và gây áp lực phải cắt giảm tiền lương.

TRÍ VĂN (Theo SCMP)

Chia sẻ bài viết