09/10/2018 - 07:50

Trung Quốc được và mất với “Vành đai, Con đường” 

Mục tiêu ban đầu của kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng khổng lồ “Vành đai, Con đường - BRI” của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là tạo ra sự đột phá trong lĩnh vực xây dựng đường sắt, đường bộ, cầu và cảng trên hàng chục quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên sau 5 năm triển khai, một loạt các vấn đề cùng với sự chỉ trích cũng như sự thay đổi môi trường chiến lược đã đặt ra câu hỏi làm thế nào để tiếp tục thúc đẩy sáng kiến này.


Một góc khu công nghiệp Trung Quốc-Belarus nhìn từ trên cao. Ảnh: AFP

Lần đầu được công bố vào tháng 9-2013 trong chuyến thăm của ông Tập đến Kazakhstan và Indonesia, BRI được quảng bá như “nỗ lực tăng cường kết nối khu vực và nắm lấy một tương lai tươi sáng hơn”. Nhắm tới 65 quốc gia với tổng GDP lên tới 23 nghìn tỉ USD và tổng dân số 4,4 tỉ người, BRI là cách để thúc đẩy lợi ích chính trị của Trung Quốc ở nước ngoài. Tập trung vào phát triển các dự án cơ sở hạ tầng, BRI không chỉ là một hình mẫu dành cho các nước đang phát triển, mà còn cho cả các quốc gia công nghiệp ở châu Âu, Bắc Mỹ vốn cần thay thế các hệ thống và cơ sở đã cũ kỹ. Những dự án lớn thuộc BRI gồm dự án khu công nghiệp Trung Quốc-Belarus trị giá 5 tỉ USD, dự án cầu và đường sắt trị giá 3,1 tỉ USD ở Bangladesh và dự án đường sắt Trung Quốc-Lào 5,8 tỉ USD. Các hoạt động khác do Trung Quốc tài trợ trong khuôn khổ sáng kiến này gồm dự án xây dựng một nhà máy lọc dầu 10 tỉ USD tại Saudi Arabia, một thành phố mới bên cạnh cảng Colombo (Sri Lanka) với tổng vốn đầu tư 13 tỉ USD trong vòng 25 năm tới và một tuyến vận chuyển hàng hóa nối bờ biển phía Đông Trung Quốc với Thủ đô Luân Đôn của Anh.

Tuy nhiên, BRI đang phải đối mặt với nhiều rào cản trong và ngoài nước. Tại Trung Quốc, những nghi ngờ đã được thể hiện công khai xung quanh việc liệu BRI có thể cải thiện hệ thống phúc lợi nội địa hay không? Còn ở hải ngoại, sáng kiến này bị coi là kế hoạch của Bắc Kinh nhằm tạo ra “bẫy nợ” khiến cho các quốc gia nhỏ hơn ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc. Sri Lanka là một ví dụ điển hình. Nước này đã vay Trung Quốc quá nhiều để xây cảng biển Hambantota, nơi đang phải vất vả thu hút tàu cập cảng. Kết quả là Tổng thống Maithripala Sirisena hồi tháng 12 năm ngoái buộc phải trao quyền kiểm soát Hambantota cho Trung Quốc và cho họ thuê 6.000 héc-ta đất xung quanh cảng trong 99 năm.

Do lo ngại “cùng chung số phận” với Sri Lanka, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad hồi cuối tháng 8 đã quyết định hủy 2 dự án lớn do Trung Quốc đầu tư, gồm dự án đường sắt Bờ biển phía Đông trị giá 20 tỉ USD và 2 dự án đường ống khí đốt trị giá 2,3 tỉ USD. Ông Mahathir nói rằng Kuala Lumpur không thể chi trả cho các dự án đó và chúng cũng không cần thiết. Trong khi đó, sự thay đổi lãnh đạo ở Pakistan gần đây có thể khiến Islamabad rút khỏi Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan, một dự án trị giá 62 tỉ USD.

Không những vậy, Trung Quốc hiện đang phải đối mặt với sự cạnh tranh từ Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) khi mà cả hai đều có kế hoạch chống lại ảnh hưởng của Bắc Kinh. Hồi cuối tháng 7 vừa qua, Washington đã mở rộng chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng ở châu Á-Thái Bình Dương khi tăng gấp đôi mức chi tiêu tối đa cho hỗ trợ tài chính phát triển lên 60 tỉ USD. EU hồi tháng trước cũng đưa ra chương trình kết nối riêng với châu Á, trong đó nhấn mạnh tính bền vững và minh bạch, hai yếu tố mà BRI được cho là đang thiếu.

TRÍ VĂN (Theo SCMP)

Chia sẻ bài viết