23/04/2023 - 09:49

Trung Quốc củng cố vị thế siêu cường ở Bắc Cực 

Báo cáo mới đây của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho biết, Trung Quốc đang nâng cao vị thế siêu cường của nước này ở những vùng lạnh nhất thế giới. Và để đạt được điều đó nhanh hơn, Bắc Kinh xây dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn với Nga.

Một khu vực Bắc Cực. Ảnh: Reuters

Theo báo cáo, Nga ban đầu phản đối kế hoạch khám phá vùng Bắc Cực của Trung Quốc thông qua Tuyến đường biển Bắc, chạy dọc theo bờ biển Bắc Cực của xứ bạch dương, bởi Mát-xcơ-va vận hành bộ máy an ninh nhạy cảm nhất của nước này ở đó, gồm tàu ngầm tên lửa đạn đạo, địa điểm phóng thử tên lửa chiến lược, hệ thống phòng thủ tên lửa và hệ thống radar tiên tiến. Thế nhưng, cuộc chiến ở Ukraine đã làm thay đổi quan điểm của Nga về Trung Quốc. Bị phần còn lại của thế giới cô lập, “người bạn” duy nhất của Nga hiện được cho là Trung Quốc, quốc gia không chỉ mua dầu mỏ  mà còn đầu tư vào công nghệ và cơ sở hạ tầng của của Nga. Hiện Trung Quốc là nước ủng hộ chính của Nga, thậm chí tuyên bố sẽ không công nhận Hội đồng Bắc Cực nếu như diễn đàn quốc tế này tiếp tục xa lánh Nga vì cuộc chiến tại Ukraine.

Là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, Trung Quốc đang tìm kiếm chỗ đứng ở Bắc Cực để có thể tiếp cận các mỏ khoáng sản phong phú, tuyến đường vận chuyển và khu năng lượng tại khu vực. Trong bối cảnh băng ở Bắc Cực ngày càng tan nhanh, tất cả những tài nguyên này càng trở nên hiện hữu hơn. “Trung Quốc có ý định rõ ràng là không muốn bị loại khỏi các hoạt động phát triển ở Bắc Cực khi khu vực này trở nên dễ tiếp cận hơn” - Stephanie Pezard, nhà khoa học chính trị cấp cao tại tổ chức tư vấn chính sách RAND (Mỹ), đánh giá.

Ước tính cho thấy, khu vực Bắc Cực nóng lên nhanh hơn 4 lần so với bất kỳ nơi nào khác trên Trái đất trong 4 thập niên qua. Trong bối cảnh đó, Trung Quốc đang tận dụng các tuyến đường thương mại và đánh cá trên biển đã được mở ra do biến đổi khí hậu. Trong Sách Trắng “Chính sách Bắc Cực” năm 2018, Trung Quốc tuyên bố nước này là một “quốc gia gần Bắc Cực”, được Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển và Hiệp ước Spitsbergen bảo vệ. Giống như các thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO), Trung Quốc cho biết có quyền tự do hàng hải và hàng không, nghiên cứu khoa học, đánh bắt cá, đặt tuyến cáp và phát triển tài nguyên ở vùng biển ngoài khơi Bắc Cực.

Giờ đây, giới học giả Trung Quốc còn xác định được 13 cảng của Nga có thể được sử dụng để tiếp cận Bắc Cực dựa trên điều kiện tự nhiên, cơ sở hạ tầng, cơ chế hoạt động, môi trường và vị trí địa lý của chúng. Hiện các công ty Trung Quốc hiện diện ở hầu hết các cảng này. Ðơn cử, tập đoàn bất động sản quốc phòng Trung Quốc Poly Group đã đầu tư khoảng 300 triệu USD vào một kho cảng than ở thành phố Murmansk của Nga và có kế hoạch phát triển một cảng nước sâu ở thành phố Arkhangelsk.

Theo báo cáo của CSIS, Trung Quốc mô tả Bắc Cực là một trong những “biên giới chiến lược mới” của thế giới trong bối cảnh Bắc Kinh đặt mục tiêu trở thành “cường quốc vùng cực” vào năm 2030. Trong 2 thập niên qua, Trung Quốc đã cử các quan chức cấp cao đến khu vực tổng cộng 33 lần, đồng thời triển khai hạm đội tàu phá băng và hải quân tới khu vực.

Sau 5 năm tương đối yên ắng, Trung Quốc cũng đang tăng tốc xây dựng trạm nghiên cứu thứ 5 tại Nam Cực. Báo cáo của CSIS cho biết, trạm nghiên cứu này rộng 5.000m2, gồm một khu vực quan sát và nghiên cứu khoa học, một cơ sở năng lượng, một tòa nhà chính, một cơ sở hậu cần và một cầu cảng dành cho tàu phá băng Tuyết Long. Báo cáo xem đây là sự hiện diện đáng kể nhất của Trung Quốc ở Nam Cực trong vòng một thập niên qua. Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết trạm nghiên cứu cũng sẽ được trang bị một vệ tinh mặt đất đa năng, chuyên theo dõi và thu thập các tín hiệu tình báo từ Úc và New Zealand, 2 đồng minh của Washington, đồng thời cho phép Trung Quốc thu thập dữ liệu từ xa và dữ liệu không gian về tên lửa được phóng từ các cơ sở phóng thử tên lửa của cả 2 nước này.

 

Chia sẻ bài viết