01/03/2022 - 18:52

Trung Quốc cảnh báo “không bên nào được lợi” nếu Chiến tranh Lạnh xảy ra

Ngày 28-2, Ðại sứ Trương Quân, Trưởng phái đoàn thường trực Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc (LHQ) khẳng định sẽ “không có bên nào được lợi” nếu xảy ra cuộc Chiến tranh Lạnh mới giữa Nga và Mỹ, đồng thời kêu gọi nỗ lực tạo ra bầu không khí và điều kiện thuận lợi cho các cuộc đàm phán trực tiếp về căng thẳng giữa Nga và Ukraine.

Theo phóng viên TTXVN tại LHQ, phát biểu tại phiên họp đặc biệt của Ðại hội đồng LHQ về Ukraine diễn ra tại trụ sở LHQ ở New York (Mỹ), Ðại sứ Trương Quân lưu ý tình hình ở Ukraine đang thay đổi nhanh chóng. Ông nhấn mạnh ưu tiên trước mắt là tất cả các bên liên quan thực hiện các biện pháp kiềm chế cần thiết, ngăn tình hình diễn biến xấu đi trong khi đẩy mạnh các nỗ lực ngoại giao nhằm hướng tới một giải pháp chính trị. Ông khẳng định Trung Quốc hoan nghênh việc bắt đầu các cuộc đối thoại và đàm phán trực tiếp giữa Nga và Ukraine, cho rằng Ukraine nên đóng vai trò là cầu nối đối thoại giữa phương Ðông và phương Tây. Ðại sứ Trung Quốc đồng thời nhấn mạnh mọi hành động của LHQ và các bên liên quan của cộng đồng quốc tế cần ưu tiên hòa bình, sự ổn định của khu vực và an ninh chung cho tất cả mọi người, đồng thời phải giúp giảm leo thang căng thẳng và tạo thuận lợi cho một giải pháp ngoại giao.

Cũng trong phát biểu của mình, Ðại sứ Trương Quân cảnh báo Chiến tranh Lạnh đã kết thúc từ lâu và cần loại bỏ tâm lý Chiến tranh Lạnh dựa trên sự đối đầu giữa hai cực. Ông nhấn mạnh không bên nào có thể hưởng lợi nếu Chiến tranh Lạnh xảy ra, ngược lại chỉ hứng chịu những mất mát. Trung Quốc ủng hộ Liên minh châu Âu, Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO) và Nga trong việc nối lại các cuộc đối thoại, giải quyết phù hợp các mối quan ngại an ninh chính đáng của tất cả các bên, bao gồm cả của Nga, cũng như nỗ lực xây dựng một cơ chế an ninh châu Âu cân bằng, hiệu quả và bền vững để đạt được hòa bình và ổn định lâu dài trong khu vực.

Phiên họp đặc biệt của Ðại hội đồng diễn ra ngày 28-2 với sự tham dự của tất cả 193 nước thành viên LHQ, được tổ chức theo nghị quyết của Hội đồng Bảo an (HÐBA) được thông qua sau cuộc họp khẩn của cơ quan này vào ngày 27-2. Nga, nước Ủy viên thường trực HÐBA, bỏ phiếu phủ quyết nghị quyết tổ chức cuộc họp này nhưng theo quy định của LHQ, quyền phủ quyết không cản trở được việc đưa vấn đề Ukraine ra Ðại hội đồng nếu 9 trong tổng số 15 nước Ủy viên HÐBA bỏ phiếu nhất trí. Nghị quyết của HÐBA về tổ chức phiên họp này nhận được ủng hộ của 11 nước Ủy viên HÐBA.

PHƯƠNG OANH

Chia sẻ bài viết