23/09/2016 - 09:22

Trung Quốc bắt đầu “săn” người ngoài hành tinh

Kính viễn vọng lớn nhất thế giới ở Trung Quốc sẽ bắt đầu đi vào hoạt động từ ngày 25-9, thông tin khiến nhiều nhà khoa học phấn khích.

Có kích cỡ lớn bằng 30 sân bóng đá, kính viễn vọng hình cầu khẩu độ 500m (FAST) tọa lạc tại vùng lòng chảo đá vôi của huyện Bình Đường (tỉnh Quý Châu, Tây Nam Trung Quốc). FAST có thể phát hiện các tín hiệu vô tuyến và dấu hiệu của sự sống từ những hành tinh xa xôi trong vũ trụ bao la. Tầm quan sát của FAST lớn gần gấp đôi đài quan sát Arecibo của Mỹ đặt tại Puerto Rico, vốn là kính viễn vọng khẩu độ lớn nhất thế giới trong 53 năm qua. Trong khi đó, kính viễn vọng RATAN- 600 của Nga lớn hơn FAST về đường kính với những tấm kính xếp theo vòng tròn rộng 576m, nhưng công trình của người Nga không tạo thành từ một đĩa quan sát duy nhất và có vùng thu thập tín hiệu nhỏ hơn nhiều so với FAST và Arecibo.

Kính viễn vọng lớn nhất thế giới ở Trung Quốc sẽ bắt đầu đi vào hoạt động từ ngày 25-9, thông tin khiến nhiều nhà khoa học phấn khích.

FAST được khởi công xây dựng vào đầu năm 2011 và đã tiêu tốn 185 triệu USD. Mảnh ghép cuối cùng trong tổng số 4.450 tấm kính hình tam giác của FAST được lắp hồi tháng 7 vừa qua. Được biết, vị trí đặt FAST là một trong số 400 địa điểm mà các nhà khoa học đã khảo sát suốt hơn 10 năm. Hình dạng chiếc chén đựng trứng của thung lũng khá vừa vặn cũng như xung quanh là núi sẽ giúp FAST tránh bị nhiễu tần số vô tuyến. Hơn 9.000 người dân sống trong khu vực này đã phải di dời chổ ở để xây dựng FAST cũng như để cải thiện khả năng "nghe" tín hiệu của kính viễn vọng này.

Mặc dù FAST không thể tự dịch chuyển do kích cỡ quá lớn, nhưng mỗi tấm kính có thể được điều chỉnh. "Bạn có thể kiểm soát bề mặt kính viễn vọng để hướng nó về phía các vị trí cụ thể trên bầu trời. Mạng lưới từ các dây thép cho phép cơ cấu đẩy và kéo bằng thủy lực hoạt động"- Andreas Vicenec, giáo sư nghiên cứu tăng cường dữ liệu thuộc Trung tâm nghiên cứu thiên văn vô tuyến quốc tế tại Úc, chia sẻ.

"Săn" người ngoài hành tinh là chủ đề "nóng" đối với các nhà khoa học vì họ muốn chứng minh hoàn toàn có thể có cơ hội sống ở những nơi khác trong vũ trụ (ngoài hành tinh này), nhưng đây là nhiệm vụ khó khăn. Tuy nhiên, sự nhạy cảm của FAST có thể sẽ phát hiện các hành tinh ngoài hệ Mặt trời theo cách mà các kính viễn vọng khác không làm được. "Tiềm năng phát hiện văn minh ngoài Trái đất của FAST lớn gấp 5-10 lần thiết bị hiện nay vì nó có thể thấy các hành tinh xa hơn và tối hơn"- Peng Bo, giám đốc Phòng thí nghiệm công nghệ thiên văn vô tuyến NAO, nhận xét.

Kính viễn vọng FAST được miêu tả là tham vọng mạnh mẽ nhất của Trung Quốc trong công cuộc tìm kiếm người ngoài hành tinh. Theo kế hoạch, các nhà thiên văn học Trung Quốc sẽ được ưu tiên làm việc với FAST trong vòng 2-3 năm, trước khi thiết bị có thể được tự do sử dụng bởi các nhà khoa học trên khắp thế giới.

THANH BÌNH (Theo CNN, Express)

Chia sẻ bài viết