Với mối đe dọa bất ổn hiện ra trước mắt Trung Á, nhu cầu hợp tác trong khu vực đang gia tăng đáng kể.

Tổng thống Uzbekistan Shavkat Mirziyoyev (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh SCO ngày 15-9. Ảnh: AP
Chiến lược gia người Mỹ Zbigniew Brzezinski từng gọi Trung Á là “vùng Balkan của châu Á”, nhấn mạnh bản chất bùng nổ và bất ổn của khu vực này. Các sự kiện tại Kazakhstan, vùng tự trị Gorno-Badakhshan ở phía Đông Tajikistan, Cộng hòa tự trị Karakalpakstan thuộc Uzbekistan và Kyrgyzstan cho thấy những thế lực bên ngoài vẫn còn đứng sau tình hình bất ổn ở Trung Á.
Yếu tố Afghanistan
Đây là mối đe dọa thực sự đối với an ninh Trung Á. Bởi trong trường hợp leo thang, bất ổn, vốn đã tăng cao tại Afghanistan kể từ khi Taliban tiếp quản đất nước năm ngoái, có thể dẫn tới sự trỗi dậy của những phần tử Hồi giáo cực đoan, buôn lậu ma túy và làn sóng người tị nạn đổ vào Trung Á, Nga. Gần đây lại có thông tin cho rằng Taliban cho phép thành lập Phong trào Taliban Tajikistan (TTT), mà mục đích của nhóm mới này là không chỉ hợp nhất người nhập cư Tajikistan dưới ngọn cờ của Taliban mà còn lật đổ chính quyền thế tục ở Dushanbe.
Theo báo cáo gần đây của Liên Hiệp Quốc, al-Qaeda vẫn còn hiện diện tại phía Nam và Đông Afghanistan mà bằng chứng là thủ lĩnh Ayman al-Zawahiri vừa bị tiêu diệt ở thủ đô Kabul. Xung đột tại Trung Á, sườn phía Nam của Tổ chức Hiệp ước An ninh tập thể (CSTO) do Nga dẫn đầu, được cho là giấc mơ “xanh” xưa cũ của các chiến lược gia phương Tây. Do vậy, sức ép lên Trung Á được dự báo sẽ vẫn duy trì.
Chiến lược chủ động
Trong bối cảnh hiện nay ở Trung Á, Nga và Trung Quốc tuy cạnh tranh nhưng cũng đang nâng cao mức độ và chất lượng hợp tác tại đây. Không giống những “tay chơi” khác, lợi ích của Mát-xcơ-va và Bắc Kinh lại khá trùng khớp, bởi cả hai nước đều nhận ra ích lợi của việc tăng cường hội nhập khu vực tại “giao lộ” phức tạp này.
Hồi tháng 7 vừa rồi, Nga đã công bố khoản trợ cấp 10 triệu USD cho Kyrgyzstan để hỗ trợ ngân sách. Thêm 8 triệu USD dành cho Bộ Tình trạng khẩn cấp để mua sắm thiết bị cứu hỏa và cứu hộ.
Trong khi đó, Trung Quốc sẽ tiếp sức bằng cách hỗ trợ 7,5 triệu USD cho Bộ Quốc phòng Kyrgyzstan. Tại Hội nghị Dịch vụ đặc biệt của các nước nói tiếng Turkic lần thứ 24 (TURKON) diễn ra ở Kyrgyzstan vào tháng 7, chương trình nghị sự đã tập trung vào tình hình Afghanistan. Để ổn định Afghanistan, Kyrgyzstan đã tích cực ủng hộ việc sử dụng các cơ chế của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), khối an ninh hiện có 8 thành viên chính thức gồm Ấn Độ, Kazakhstan, Trung Quốc, Kyrgyzstan, Nga, Tajikistan, Pakistan, Uzbekistan và dự kiến mở rộng thành viên. Iran ngày 15-9 đã ký bản ghi nhớ về việc gia nhập SCO.
Chủ tịch Tập Cận Bình gặp lãnh đạo các nước Trung Á
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gặp lãnh đạo các nước Tajikistan, Uzbekistan, Turkmenistan và Kyrgyzstan vào sáng 15-9, thời điểm Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đến thành phố Samarkand của Uzbekistan. Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Putin đến Samarkand để dự Hội nghị thượng đỉnh SCO lần thứ 22 diễn ra vào ngày 15 và 16-9.
Theo Đài truyền hình trung ương Trung Quốc, Chủ tịch Tập đã nói với Tổng thống Kyrgyzstan Japarov rằng ông muốn tuyến đường sắt Trung Quốc - Kyrgyzstan - Uzbekistan sớm được khởi công. Tuyến đường sắt này sẽ giảm sự phụ thuộc của Trung Quốc vào Nga và Kazakhstan trong việc vận chuyển hàng hóa. Tại cuộc gặp với Tổng thống Turkmenistan Serdar Berdimuhamedov, nhà lãnh đạo Trung Quốc đề nghị hai nước tăng cường hợp tác về khí đốt tự nhiên. Chủ tịch Tập Cận Bình cũng hội đàm với Tổng thống Tajikistan Emomali Rahmon, trong đó cam kết nhập khẩu thêm nhiều nông sản từ quốc gia Trung Á này và đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực vận tải và chống khủng bố.
HẠNH NGUYÊN (Theo ORF Online, Bloomberg)