14/12/2011 - 20:08

Trồng nhãn VietGAP cho thu nhập cao

Nông dân Long Hòa trồng nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP thu được lãi cao.

Tỉnh Bến Tre có khoảng 6.250ha đất trồng nhãn, chủ yếu nhãn tiêu da bò, tập trung tại các huyện Chợ Lách, Châu Thành, Bình Đại, Mỏ Cày Bắc... Năm qua, dịch bệnh chổi rồng lây lan trên diện rộng đã làm giảm năng suất nhãn và thu nhập của người dân. Nhiều nông dân đốn bỏ nhãn để thay thế bằng các loại cây trồng khác. Tuy nhiên, ở xã Long Hòa, huyện Bình Đại cây nhãn vẫn đứng vững và đem về thu nhập khá cao cho nông dân nhờ bà con áp dụng sản xuất nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP.

Xã Long Hòa, huyện Bình Đại có 310 ha nhãn tiêu da bò, chiếm trên 50% diện tích đất nông nghiệp của xã. Hiện nay, nhiều nơi trong tỉnh Bến Tre, nông dân đang bỏ cây nhãn vì giá nhãn xuống thấp, còn nông dân Long Hòa vẫn giữ nhãn và áp dụng cách xử lý trái rải vụ, đem lại thu nhập đảm bảo cuộc sống gia đình. Với kinh nghiệm trồng nhãn của nông dân xã Long Hòa, Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam đã phối hợp với ngành chức năng tỉnh Bến Tre chọn Long Hòa thực hiện quy trình sản xuất nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cho rau quả tươi, an toàn tại Việt Nam). Tháng 9-2009, Tổ hợp tác sản xuất nhãn Long Hòa được thành lập, là tổ hợp tác sản xuất nhãn theo quy trình VietGAP đầu tiên ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thời điểm này. Lúc mới thành lập, tổ có 40 tổ viên, diện tích nhãn 49ha.

Tham gia sản xuất nhãn theo quy trình VietGAP, nông dân được các nhà khoa học Viện nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam, cán bộ nông nghiệp, bảo vệ thực vật tỉnh Bến Tre và huyện Bình Đại tập huấn, chuyển giao kỹ thuật canh tác theo quy trình VietGAP. Từ khâu chọn giống, canh tác, thu hoạch, bảo quản; xây dựng cơ sở hạ tầng, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, biện pháp đảm bảo an toàn khi sử dụng máy móc thiết bị, sơ cấp cứu cho người lao động, thông tin về nhu cầu thị trường... đều được ghi chép thành nhật ký sản xuất.

Đến cuối năm 2010, qua kiểm tra, Tổ hợp tác sản xuất nhãn Long Hòa có 26 hộ dân với 28ha diện tích nhãn đều đạt các tiêu chí VietGAP. Ngày 8-3-2011, Công ty Cổ phần giám định và khử trùng FCC chính thức chứng nhận Tổ Hợp tác sản xuất nhãn Long Hòa đạt tiêu chuẩn VietGAP. Tham gia mô hình, nông dân đã tăng hơn 20% sản lượng nhãn so với thời điểm chưa áp dụng VietGAP và lượng phân, thuốc sử dụng cho cây giảm đáng kể. Trái nhãn sản xuất theo quy trình VietGAP to hơn, cơm dày hơn, và bảo quản được lâu hơn.

Anh Trần Văn Lâm, ấp Long Thạnh, tổ viên Tổ hợp tác sản xuất nhãn VietGAP Long Hòa, cho biết: “Tôi có 2,6ha diện tích đất trồng nhãn 10 - 13 năm tuổi. Trước đây, với cách chăm sóc truyền thống, nhãn của tôi chỉ đạt năng suất khoảng 1,7 - 1,8 tấn/công/vụ thì nay đã tăng lên trên 2 tấn/công/vụ. Chi phí đầu tư sản xuất giảm 15-20%. Áp dụng quy trình VietGAP và xử lý trái rải vụ, tôi có nhãn bán trong vòng 4 tháng. Với giá tại vườn ở mức 9.000 - 12.000 đồng/kg, trừ chi phí, mỗi công nhãn tôi thu lãi 14 - 20 triệu đồng”. Theo ông Trần Văn Tài, thành viên Tổ hợp tác, có 6,5 công đất trồng nhãn VietGAP, ngoài thu nhập tăng lên đáng kể, sản xuất theo quy trình này còn giúp bà con trồng nhãn bảo vệ tốt sức khỏe của mình và người tiêu dùng từ việc giảm phân, thuốc hóa học.

Hiện nay, bệnh chổi rồng đã xuất hiện trên cây nhãn ở xã Long Hòa, nhưng người dân đã có biện pháp ngăn chặn. Khi phát hiện có cành nhãn nào trong vườn bị bệnh chổi rồng là bà con thực hiện cắt tỉa, phun thuốc phòng trừ, tiêu hủy nhánh nhãn bệnh để diệt mầm bệnh. Ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Hòa, huyện Bình Đại, cho biết: “Cây nhãn đem lại nguồn thu chính của phần lớn bà con nông dân Long Hòa. Đến thời điểm này, bệnh chổi rồng mới chiếm khoảng 5% diện tích nhãn trồng và người dân đã xử lý kịp thời”. Sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đạt hiệu quả kinh tế cao, Tổ hợp tác sản xuất nhãn Long Hòa còn là điểm tham quan, nghiên cứu, đúc kết kinh nghiệm của nhiều tổ chức trong và ngoài nước. Nếu năm nay giá nhãn ở thời điểm cuối năm tăng như cuối năm 2010 và ở mức 15.000 - 18.000 đồng/kg thì nhãn VietGAP ở Long Hòa sẽ đem lại cho bà con nông dân mùa nhãn Tết bội thu.

Bài, ảnh: CAO DƯƠNG

Chia sẻ bài viết