31/05/2023 - 22:12

Triều Tiên phóng vệ tinh quân sự thất bại 

HẠNH NGUYÊN (Theo Reuters, Yonhap)

CHDCND Triều Tiên hôm 31-5 xác nhận vụ phóng vệ tinh trinh sát quân sự cùng ngày đã thất bại, đánh dấu một bước lùi trong chương trình không gian mà nước này theo đuổi từ thập niên 1990.

Quân đội Hàn Quốc trục vớt vật thể được cho là một phần của “phương tiện phóng không gian” mà Triều Tiên nói rơi hôm 31-5. Ảnh: Bộ Quốc phòng Hàn Quốc

Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin Cơ quan Phát triển Hàng không Vũ trụ Quốc gia (NADA) của nước này đã phóng vệ tinh trinh sát quân sự “Malligyong-1” gắn trên tên lửa đẩy kiểu mới “Chollima-1” tại Bãi phóng Vệ tinh Sohae lúc 6h27 sáng 31-5.

Bản tin của KCNA có đoạn: “Tên lửa đẩy Chollima-1 đã rơi xuống vùng biển phía Tây bán đảo Triều Tiên sau khi bị mất động lực do sự cố khởi động bất thường của động cơ 2 tầng trong lúc đang bay một cách bình thường”. Người phát ngôn của NADA cho rằng nguyên nhân thất bại là vì độ ổn định thấp của hệ thống động cơ kiểu mới được áp dụng cho tên lửa đẩy “Chollima-1” và đặc tính không ổn định của nhiên liệu được sử dụng. NADA cũng khẳng định sẽ điều tra kỹ lưỡng những hạn chế lớn bộc lộ trong vụ phóng lần này, thực hiện các biện pháp khoa học và công nghệ khẩn cấp nhằm khắc phục và tiến hành vụ phóng thứ hai sớm nhất có thể.

Trước đó, vụ phóng đã khiến Nhật Bản và Hàn Quốc phải phát cảnh báo khẩn cấp và sơ tán người dân ở một số khu vực. Chính phủ Nhật phát đi báo động: “Một tên lửa có thể đã được phóng từ phía Triều Tiên. Hãy tìm nơi trú ẩn kiên cố trong các tòa nhà hoặc dưới hầm ngầm. Báo động được áp dụng cho khu vực Okinawa”.

Quân đội Hàn Quốc cũng phát thông báo về việc Triều Tiên phóng tên lửa về phía Nam, khiến chính quyền thủ đô Seoul phải cảnh báo người dân chuẩn bị sơ tán.

Phản ứng của Mỹ, Nhật, Hàn Quốc

Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Adam Hodge cho biết Nhà Trắng lên án vụ phóng vệ tinh sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo của Triều Tiên vào sáng 31-5 và đang phối hợp với các đồng minh đánh giá tình hình. Ông cho rằng vụ phóng có nguy cơ gây bất ổn tình hình an ninh trong khu vực.

Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Nhật Bản dẫn nội dung cuộc điện đàm ba bên với Hàn Quốc và Mỹ cho biết ba nước đang duy trì cảnh giác cao độ và đặt trong tình trạng khẩn cấp, đồng thời cực lực lên án vụ phóng sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo của Triều Tiên. Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno nhấn mạnh vụ phóng một “tên lửa đạn đạo” của Triều Tiên vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Tokyo cũng đã trao công hàm phản đối Triều Tiên thông qua các kênh ngoại giao ở thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Yasukazu Hamada tuyên bố sẽ duy trì các hệ thống phòng thủ tên lửa của nước này ở tình trạng báo động như trong thời điểm Triều Tiên tiến hành vụ phóng vệ tinh.

Năng lực chế tạo vệ tinh bị hoài nghi

Sự kiện hôm qua đánh dấu nỗ lực phóng vệ tinh thứ 6 của Triều Tiên kể từ năm 1998. Trong đó, Bình Nhưỡng có 2 lần đưa được vệ tinh lên quỹ đạo là vụ phóng vệ tinh quan sát vào tháng 12-2012 và năm 2016. Tuy nhiên, tín hiệu từ 2 vệ tinh này chưa bao giờ được phát hiện một cách độc lập, cho thấy chúng có thể đã bị trục trặc. Các vệ tinh cũng không truyền hình ảnh về Triều Tiên.

Giới phân tích cho rằng Triều Tiên chưa chứng minh được khả năng chế tạo các vệ tinh hoạt động hiệu quả. “Theo tất cả hiểu biết của chúng tôi, Triều Tiên có năng lực chế tạo vệ tinh rất hạn chế. Họ đã phóng một vài vệ tinh trước đó nhưng tất cả đều thất bại ngay lập tức hoặc không lâu sau khi phóng và không có vệ tinh nào có khả năng đáng kể”, Brian Weeden tại Quỹ An ninh Thế giới (Mỹ) nhận định. Thiết bị mới mà Triều Tiên giới thiệu trong những tuần gần đây được cho là quá nhỏ và sơ sài để có thể xử lý và truyền đi hình ảnh độ phân giải cao. Triều Tiên cũng từng chịu tổn thất lớn khi 14 binh sĩ đã thiệt mạng trong vụ phóng vệ tinh bất thành hồi năm 2009.

Hãng thông tấn Yonhap dẫn nhận định của Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc cho rằng Triều Tiên có thể tiến hành một vụ phóng vệ tinh quân sự khác trong khoảng thời gian mà Bình Nhưỡng công bố trước đó, từ ngày 31-5 đến ngày 11-6.

Chia sẻ bài viết