19/03/2024 - 07:23

Triều Tiên lại phóng tên lửa đạn đạo 

Ngày 18-3, các nước láng giềng cho biết CHDCND Triều Tiên đã phóng loạt tên lửa đạn đạo ra ngoài khơi vùng Biển Nhật Bản.

Truyền hình Hàn Quốc đưa tin về vụ phóng tên lửa ngày 18-3 của Triều Tiên. Ảnh: AFP

Hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap dẫn thông báo của Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân (JCS) cho biết, các vụ phóng được thực hiện từ khu vực phía Nam thủ đô Bình Nhưỡng trong khoảng thời gian từ 7h44 đến 8h22 phút sáng. Theo đó, Triều Tiên đã phóng ít nhất 3 tên lửa có quỹ đạo giống tên lửa đạn đạo sử dụng nhiên liệu rắn. Sau quãng đường bay 350km, các tên lửa rơi ở ngoài vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản và không có báo cáo về thiệt hại.

Thông báo của JCS chỉ trích hành động khiêu khích của Bình Nhưỡng đe dọa nghiêm trọng hòa bình và ổn định trên Bán đảo Triều Tiên. Phát biểu trước quốc hội, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cũng lên án việc Triều Tiên liên tục phóng tên lửa đạn đạo đã vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, không chỉ ảnh hưởng an ninh của Nhật Bản mà còn của khu vực và cộng đồng quốc tế.

Phô diễn sức mạnh quân sự

Kể từ năm 2022, Triều Tiên liên tục thử tên lửa, có thời điểm phóng 23 tên lửa trong một ngày. Nếu tính từ đầu năm 2024 đến trước vụ vừa rồi, Triều Tiên đã tiến hành 6 đợt phóng tên lửa. Gần nhất là giữa tháng 2, Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA cho biết nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã giám sát đợt thử tên lửa diệt hạm thế hệ mới Padasuri-6. Trước đó, Triều Tiên tuyên bố thử thành công tên lửa đạn đạo tầm trung sử dụng nhiên liệu rắn mang đầu đạn siêu thanh vào ngày 14-1.

Các động thái phô trương sức mạnh quân sự của Triều Tiên làm dấy lên lo ngại quốc gia Đông Bắc Á đang phát triển hệ thống vũ khí khó bị phát hiện và bắn hạ hơn giữa thời điểm căng thẳng khu vực chưa hạ nhiệt. Nhiều vụ phóng trong đó còn liên quan tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, được thiết kế để tấn công Hàn Quốc và lục địa Mỹ. Theo giới chuyên môn, Bình Nhưỡng tin tưởng kho vũ khí lớn và hiệu quả sẽ tăng cường “đòn bẩy” ngoại giao với Washington, mục tiêu nhằm nới lỏng các lệnh trừng phạt trong khi duy trì chương trình phát triển vũ khí hạt nhân gây tranh cãi.

Để đáp trả, liên minh Mỹ - Hàn liên tục tiến hành tập trận với quy mô mở rộng, gần nhất là cuộc tập trận chung “Lá chắn Tự do” vừa kết thúc vào chiều 14-3. Ngoài liên quân hai nước, 12 nước thành viên của Bộ Tư lệnh Liên Hiệp Quốc bao gồm Úc, Canada, Pháp, Anh cũng tham gia huấn luyện chỉ huy mô phỏng trên máy tính và 48 loại bài tập thực địa tăng cường năng lực trước mối đe dọa hạt nhân và tên lửa. Trong thời gian này, Bình Nhưỡng cảnh báo Seoul và Washington “phải trả giá đắt” cho cuộc tập trận nói trên, đồng thời tiết lộ nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã chỉ đạo một loạt cuộc tập trận bắn đạn pháo với sự tham gia của nhiều đơn vị tiền tuyến có khả năng tấn công “thủ đô của kẻ thù”. Ông Kim còn kêu gọi tăng cường các cuộc tập trận thực chiến trong chuyến thăm đến một căn cứ huấn luyện quân sự ở phía Tây Triều Tiên.

Tăng cường răn đe

Việc Triều Tiên nối lại hoạt động phóng tên lửa diễn ra ngay thời điểm Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đến Seoul dự Hội nghị thượng đỉnh dân chủ lần thứ 3. Hội nghị khai mạc ngày 18-3 là sáng kiến của Tổng thống Mỹ Joe Biden và được tổ chức lần đầu vào năm 2021 nhằm thảo luận các biện pháp ngăn chặn tình trạng thụt lùi dân chủ, xói mòn các quyền và tự do trên toàn thế giới. Đây là lần đầu tiên hội nghị được tổ chức bên ngoài nước Mỹ, quy tụ các quan chức cấp bộ trưởng và thứ trưởng của hơn 30 quốc gia.

Bên lề hội nghị, Ngoại trưởng Blinken đã gặp người đồng cấp Hàn Quốc Cho Tae-yul, thảo luận về phương án hợp tác dân chủ trên bán đảo Triều Tiên và toàn cầu. Các quan chức cũng tìm cách thúc đẩy liên minh Mỹ - Hàn để cải thiện cái gọi là “răn đe mở rộng” trước Triều Tiên. Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller, ông Blinken sau hội nghị ở Seoul sẽ đến thăm Philippines nhằm tái khẳng định cam kết vững chắc của Mỹ với đồng minh Đông Nam Á. Đây cũng là một phần trong nỗ lực của Washington cải thiện quan hệ với các đồng minh cùng đối tác khu vực để đối trọng với Trung Quốc.

MAI QUYÊN (Theo Nikkei, AP)

Chia sẻ bài viết