08/03/2012 - 21:10

Khoa Ngoại, Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ

Triển khai nhiều kỹ thuật điều trị mới

Chị Trương Thị Bế vui mừng vì con mình
đi được.

Trong năm 2011, Khoa Ngoại, Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ triển khai nhiều kỹ thuật điều trị mới. Từ đó hạn chế tình trạng chuyển bệnh lên tuyến trên, tiết kiệm chi phí đi lại cho bệnh nhân.

Hôm chúng tôi đến phòng tập vật lý trị liệu đã chứng kiến một cảnh thật xúc động. Hai bà mẹ rưng rưng nước mắt, nhìn con mình tập tễnh những bước đi đầu tiên. Chị Trương Thị Bế, ở xã An Lạc Thôn, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng, xúc động kể: “Đến sáu tháng mà con tôi vẫn chưa biết lật, bò, phải bồng ngửa, không bồng đứng lên được. Tôi đưa cháu lên Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ, các bác sĩ nói là cháu bị chậm phát triển (bại não-NV). Các bác sĩ cho cháu uống thuốc, rồi hướng dẫn tôi tập vật lý trị liệu hàng ngày cho cháu. Mãi đến 12 tháng cháu mới lật được, 30 tháng, cháu mới biết trườn, bò nhưng bụng áp sát xuống đất. Tập mãi mà cháu không đi được, ngồi cũng không vững, tôi buồn lắm, chỉ biết ôm cháu mà khóc. Cách đây hơn 3 tháng, các bác sĩ nói chuyện với tôi để chích thuốc cho cháu giãn cơ, sau đó kết hợp với nẹp chân, tập vật lý trị liệu. Tôi nghĩ cứ thử xem sao, biết đâu còn hy vọng. Tôi nghe nói, thuốc này đắt tiền lắm nhưng nhờ công ty tài trợ miễn phí nên không phải đóng tiền. Chích thuốc được 2 tuần, cháu tái khám và mang nẹp chân, rồi tập vật lý trị liệu. Hai tháng sau, cháu đã ngồi vững và tập tễnh những bước đi đầu tiên. Hôm cháu đi được, hai vợ chồng tôi mừng quá, ôm nhau khóc”.

Không chỉ có con chị Bế, mà gia đình bé Trần Quang, phường Phước Thới, quận Ô Môn cùng chung niềm vui. Theo mẹ bé Quang kể. hơn 1 tuổi mà bé không đi được, gia đình đưa bé đến Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ. Các bác sĩ nói cháu kém phát triển (bại não-NV). Sau một thời gian kiên trì tập, bé phải vịn và đi rất chậm, lại hay bị té. Các bác sĩ tư vấn chích thuốc giãn cơ. Sau đó, bé mang nẹp chân và tập vật lý trị liệu. Sau hơn 1 tháng, bé tự đi một mình, tuy còn hơi nhón gót nhưng cả nhà ai cũng mừng.

Theo bác sĩ Lưu Thị Nhất Phương, Trưởng khoa Vật lý trị liệu, Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ, trước đây khi chưa can thiệp bằng thuốc chích giãn cơ, bác sĩ chủ yếu cho các cháu uống thuốc, tập vật lý trị liệu... Bệnh có tiến triển nhưng không hiệu quả bằng phương pháp kết hợp thuốc chích giãn cơ Toxin, mang nẹp và tập vật lý trị liệu, đã cho hiệu quả rõ rệt. Các bé bị bại não, gân co rút, bàn chân không thẳng, không chịu lực nên bé không đứng hay đi lại được. Khi chích thuốc này làm giãn cơ thẳng ra, có khả năng chịu lực, cộng với mang nẹp, tập vật lý trị liệu, giúp bé biết cách chuyển thế, nên bé ngồi, đi đứng lại được. Trong 5 trẻ bị bại não được chích Toxin lần này đều có tiến triển rất tốt, bé chưa ngồi được thì sau khi điều trị đã ngồi được, chưa đi được thì đã đi được... Bác sĩ Nguyễn Quang Tiến, Phó trưởng khoa Ngoại, cho biết: “Điều trị Toxin là một dạng điều trị được chỉ định trong trường hợp co cứng cơ trên trẻ bại não. Điều trị Toxin có tác dụng tại chỗ, trên những cơ được điều trị nhằm làm giảm co cứng, đồng thời cho phép các cơ này phát triển bình thường. Cải thiện điều kiện chăm sóc vệ sinh, giảm thiểu đau do co rút cơ, phòng ngừa biến dạng các cơ quan vận động (chân, tay, cột sống...), cải thiện điều kiện sống thoải mái ở tư thế ngồi hoặc đứng, tạo thuận lợi cho việc đi lại hoặc học đi ở trẻ có khả năng đi lại được”.

Điều trị Toxin được triển khai rộng rãi ở nhiều bệnh viện tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội. Sau khi dự hội thảo tại TP Hồ Chí Minh và được sự hỗ trợ của công ty (tài trợ thuốc Toxin điều trị miễn phí cho 5 trường hợp), khoa Ngoại, Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ đã triển khai kỹ thuật này. Bác sĩ Nguyễn Quang Tiến cho biết thêm: “Sau 4 tháng chích thuốc, chúng tôi khám lại cho 5 bệnh nhân để đánh giá hiệu quả điều trị và xây dựng đề tài nghiên cứu về hiệu quả điều trị co cứng cơ trên trẻ bại não bằng Toxin và phục hồi chức năng. Qua điều trị cho 5 trường hợp, hiệu quả của phương pháp này đã rõ, nhưng chúng tôi chưa thể mở rộng điều trị vì thuốc này rất đắt tiền mà chưa có trong danh mục được Bảo hiểm xã hội TP Cần Thơ chi trả. Sắp tới, Khoa đề xuất với Ban giám đốc bệnh viện đề nghị Sở Y tế và Bảo hiểm xã hội TP Cần Thơ xem xét đưa thuốc này vào danh mục thuốc được Bảo hiểm y tế thanh toán. Theo tôi biết, ở TP Hồ Chí Minh, thuốc này đã được bảo hiểm y tế thanh toán”. Theo các bác sĩ, Toxin còn có hiệu quả trong điều trị rối loạn vận động như: vẹo cổ bẩm sinh, rối loạn cơ trơn...

Ngoài triển khai chích Toxin, năm 2011, khoa Ngoại cũng triển khai phẫu thuật lỗ tiểu thấp. Đây là dị tật bẩm sinh do lỗ tiểu nằm không đúng vị trí. Lỗ tiểu không mở ra ở quy đầu mà có thể gặp ở bất kỳ chỗ nào trên thân dương vật, cả mặt trên lẫn mặt dưới, ở bìu hay cả tầng sinh môn. Khi tiểu tiện, nước tiểu thường rò rỉ và trẻ phải ngồi, dễ bị bạn bè chê cười, ảnh hưởng rất lớn tới tâm lý. Lỗ tiểu thấp là một dị tật phức tạp của bộ phận sinh dục ngoài, việc tạo hình niệu đạo cần thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa niệu nhi có kỹ năng tốt. Các bác sĩ lấy da dương vật, tạo hình ống tiểu (niệu đạo) bằng vi phẫu. Trước khi quyết định mổ, bệnh nhân được khám cẩn thận, đánh giá chính xác vị trí và kích thước của miệng sáo, mức độ cong, kích thước của dương vật, tình trạng niêm mạc quy đầu và da ở lưng dương vật, niêm mạc của máng niệu đạo...Ca mổ phải đạt được 2 mục đích: chuyển được vị trí lỗ tiểu ra đỉnh dương vật. Sau mổ, trẻ sẽ có bộ phận sinh dục gần như bình thường, không ảnh hưởng hay rối loạn chức năng sinh dục và sinh sản khi trưởng thành.

Bác sĩ Trần Văn Dễ, Phó Giám đốc kiêm Trưởng khoa Ngoại, Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ, cho biết: “Trong năm 2011, nhờ Dự án Hỗ trợ y tế vùng ĐBSCL trang bị nhiều thiết bị nội soi, dụng cụ phẫu thuật hiện đại, khoa Ngoại đã triển khai một số kỹ thuật mới như: Mổ nội soi nhi, lỗ tiểu thấp... Trong năm 2012, chúng tôi tiếp tục triển khai thêm một số kỹ thuật mới để điều trị cho bệnh nhi không chỉ riêng TP Cần Thơ mà còn cho các tỉnh, thành khác trong vùng ĐBSCL”.

Bài, ảnh: HUỆ HOA

Chia sẻ bài viết