02/12/2017 - 14:06

Trẻ em Rohingya lấy chồng vì “miếng ăn” 

Các bé gái người Hồi giáo Rohingya rời bỏ Myanmar buộc phải kết hôn sớm khi đặt chân đến Bangladesh để có thêm lương thực cho bản thân và gia đình.

Một cô gái 14 tuổi người Hồi giáo Rohingya sắp bị gả ở Bangladesh. Ảnh: Guardian

Hơn 700.000 người Rohingya đã ly hương từ tháng 10-2016 vì bị phân biệt đối xử. Tuy nhiên tại các trại tị nạn ở Cox’s Bazar (Bangladesh), các bé gái đang phải đối mặt với tình trạng tảo hôn. Việc Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) của Liên Hiệp Quốc phân phát lương thực theo hộ gia đình đã khiến nhiều gia đình phải gả con khi mới 12 tuổi để giảm số miệng ăn và tạo ra hộ gia đình mới nhằm hưởng phần lương thực riêng.

Anwara rời bỏ bang Rakhine ở Myanmar, lấy chồng ở tuổi 14 chỉ vài tuần sau khi đến Bangladesh và vừa có con đầu lòng. Đây là một số trong hàng chục cô gái tuổi teen mà phóng viên báo Guardian tiếp xúc.

Được biết, tảo hôn diễn ra phổ biến trong cộng đồng người Rohingya ở Myanmar, nhưng nghèo đói và an ninh bất ổn đang khiến nhiều gia đình tha hương phải gả con sớm. Lương thực được phân phát theo hộ gia đình là yếu tố chính dẫn đến kết hôn sớm trong các trại tị nạn. Cứ mỗi 2 tuần, 25kg gạo sẽ được phân chia dựa trên các gia đình trung bình có 5 miệng ăn, nhưng nhiều hộ “đông dân” hơn. “Gia đình chúng tôi có 10 thành viên và nhận 25kg gạo. Chừng ấy không đủ cho gia đình 10 người”- Muhammad Hassen bộc bạch. Hassen vừa sắp xếp cuộc hôn nhân cho con gái 14 tuổi với một người đàn ông lớn hơn khoảng 20 tuổi.

Các bậc cha mẹ cho biết kết hôn ở Bangladesh dễ hơn so với ở Myanmar. Độ tuổi hợp pháp để bé gái “lên xe hoa” ở Bangladesh là 18, nhưng đây là đất nước có tỷ lệ tảo hôn cao nhất thế giới.

Lakshmi Sundaram- Giám đốc tổ chức “Bé gái, chứ không phải cô dâu”- cho rằng tảo hôn để lại “hậu quả khủng khiếp”, bao gồm có thai sớm, bạo lực về thể xác và tình dục cũng như tăng nguy cơ nghèo đói.

THANH BÌNH

Chia sẻ bài viết